Những giống lúa đặc sản của Việt Nam như dự hương, nếp gà gáy, nếp rồng cho loại cơm ngon đến nỗi ai ăn một lần là không thể quên, nhưng vì năng suất thấp nên nông dân bỏ dần để chuyển sang trồng lúa cao sản.

Hiện nhiều giống quý chỉ còn trong ngân hàng gene thực vật quốc gia. Khôi phục và kinh tế hóa chúng là tham vọng mà nhiều doanh nghiệp đang ấp ủ.

Khôi phục giống lúa ngon và khác biệt

Là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về lúa gạo, Giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân từng nhiều lần đi sang các nước để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường lúa, gạo. Rất nhiều Việt kiều mà ông gặp bày tỏ nguyện vọng tha thiết được ăn lại những loại gạo đặc sản Việt Nam mà xưa họ từng ăn.

“Rất nhiều người nói, họ thèm được ăn cơm nấu từ gạo tám thơm Hải Hậu, nếp rồng, dự hương, nàng thơm Chợ Đào... nhưng tìm mua không có, hoặc có thì đã bị lai tạp, không còn nguyên bản, ngon như ngày xưa” - GS Xuân kể và cho biết khi ông hỏi ngược các vị khách rằng nếu các loại gạo đặc sản nguyên bản gene lúa ngày xưa có giá đắt thì có mua không, họ đều trả lời là đắt cũng mua.

Từ thực tế đó, ông cho rằng nếu như có doanh nghiệp đứng ra cùng các nhà khoa học khôi phục các giống lúa quý để cung ứng cho thị trường - phân khúc cao cấp - thì chắc chắn sẽ thành công bởi nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng hướng tới yếu tố “tinh” (chất lượng) hơn là “đa” (số lượng), ăn ngon thay vì ăn no như ngày xưa.

Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - đang quan sát và đánh giá cảm quan các giống lúa được bảo tồn. Ảnh: Lê Hằng

Thực tế, ý tưởng này đã được Tập đoàn TH True Milk đưa vào triển khai bước đầu. Khát vọng của lãnh đạo tập đoàn là lựa chọn công nghệ mới nhất trong chọn tạo giống lúa, dùng trí tuệ, tài nguyên thiên nhiên Việt cùng với công nghệ đầu cuối của thế giới để đưa ra thị trường các loại gạo ngon đặc biệt, đặc trưng của Việt Nam.

Là người trực tiếp triển khai dự án này, GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện Nông nghiệp hữu cơ - cho biết: “Chúng tôi tìm trong Ngân hàng Gene thực vật quốc gia những giống lúa địa phương thực sự khác biệt với thế giới nhưng thuộc top ngon nhất để khôi phục. Trước mắt, các giống như nếp rồng, dự hương - đặc sản của Nghệ An - sẽ được phục hồi để nhân rộng”.

Mất tối thiểu 2 năm để nhân giống

Chặng đường đưa các giống lúa quý từ phòng lưu trữ gene ra đồng ruộng rồi tạo thành sản phẩm hàng hóa không thể đi hết trong một sớm một chiều. GS Võ Tòng Xuân cho biết, hiện có rất nhiều giống lúa đặc sản được lưu trữ tại Ngân hàng Gene thực vật quốc gia cũng như nhiều trường đại học, viện nghiên, nhưng để có thể đưa các giống này vào sản xuất mở rộng (diện tích trồng 1ha trở lên) thì phải mất khoảng 2 năm.

Lý giải về khoảng thời gian này, GS Xuân cho biết, các giống lúa đặc sản có đặc tính dẻo, thơm, ngon và hạt dài đa số là lúa mùa, với đặc tính là đúng ngày tháng mới chịu trổ bông. Dù có được trồng sớm thì cây vẫn chờ đến khi xảy ra hiện tượng ngày ngắn đêm dài mới chuyển qua giai đoạn sinh sản để tạo bông lúa.

Các giống lúa đặc sản được bảo tồn tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Hằng

Do đó với các giống này, mỗi năm chỉ trồng được một vụ chứ không như các giống lúa cao sản mỗi năm 3 vụ. Nếu có doanh nghiệp muốn kinh doanh giống lúa đặc sản thì phải đứng ra tổ chức bài bản. Tại ngân hàng gene, mỗi giống chỉ được lưu trữ khoảng 20gr và họ chỉ cung cấp một lượng nhất định, có thể chỉ 10gr - tương đương 400 hạt thóc - để nhân.

Như vậy, vụ đầu tiên sẽ chỉ có 400 cây lúa, đủ trồng trong diện tích khoảng 40m2 (mật độ 9 cây/m2). “Năng suất các giống lúa này thường là 3 tấn/ha, tức là 0,3kg/m2. Như vậy, vụ đầu sẽ nhân lên được 12kg giống. Năm sau nhân tiếp một lần nữa để có giống trồng cho 1ha, khi đó sẽ thu được 3 tấn thóc. Qua năm thứ ba có thể sản xuất lớn” - GS Xuân khẳng định.

Chia sẻ về quy trình nhân giống, GS Quý cho biết các nhà khoa học sau khi điều tra, thu thập các giống lúa sẽ tiến hành tuyển chọn, đánh giá đa dạng di truyền, giải trình tự các giống để đăng ký bản quyền của Việt Nam. “Chúng tôi xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất các cấp giống như siêu nguyên chủng, nguyên chủng; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, sản xuất lúa hữu cơ an toàn về thực phẩm; nghiên cứu các mùa vụ, mật độ cấy, phân bón hữu cơ, các quy trình phòng trừ sâu bệnh, thời gian thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát. Tất cả đều được làm bài bản” - ông Quý nói.


Cần điều tra thị trường

Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và làm thương hiệu cho gạo thơm Niêu Vàng, ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh Seed) - cho biết, để sản phẩm mà theo ông là hội đủ tinh hoa của gạo “tiến vua” ngày xưa như giàu dinh dưỡng, thơm, dẻo, hậu vị ngọt đậm... này có thể ra mắt vào đầu năm 2016, việc nghiên cứu đã phải bắt đầu từ gần nửa thế kỷ trước. Trải qua các khâu nghiên cứu tạo giống, chế biến, Thaibinh Seed đang nghiên cứu công nghệ bảo quản của Đức để đảm bảo các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa của sản phẩm tuyệt đối an toàn cho người sử dụng.

Ông Báo chia sẻ: “Trước khi xây dựng thương hiệu, chúng tôi đã thuê công ty nước ngoài điều tra một cách bài bản thị trường gạo chất lượng cao ở Việt Nam trong vòng một năm để biết được thị trường cần tập trung ở đâu, họ cần sản phẩm như thế nào”. Khi nắm được nhu cầu thị trường, Thaibinh Seed đã tung sản phẩm ra các trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc và dần tiến tới xuất khẩu.

Ủng hộ xu hướng doanh nghiệp đứng ra khôi phục các giống lúa quý, GS Trần Đình Long - Hội Giống cây trồng Việt Nam - cho rằng, bài toán tiếp theo cần phải giải quyết và cũng là vấn đề mấu chốt chính là thị trường. Theo ông, làm lúa không thể nóng vội mà phải có bước đi bài bản, đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện tốt từ giống tới quy trình canh tác, nhà máy chế biến sau thu hoạch... “Quan trọng nhất là có thị trường tiêu thụ. Do đây là phân khúc thị trường cao cấp nên càng phải nghiên cứu, khảo sát tỉ mỉ rồi mới quy hoạch phát triển và xây dựng thương hiệu” - GS Long nói.

GS Võ Tòng Xuân cũng gợi ý, doanh nghiệp khi đã đứng ra làm thì phải quảng cáo tìm đầu ra; có thể kết nối với các siêu thị ở các nước để lấy đơn đặt hàng, làm hợp đồng rồi mới lo sản xuất. “Trước mắt, doanh nghiệp phải năng nổ tìm ra thị trường rồi mới đầu tư sản xuất. Để doanh nghiệp thành công, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi lãi suất, đất đai để không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân cũng tham gia” - GS Xuân nói.