Sự phát triển các giống lúa cao sản kéo theo sự biến mất của hàng loạt giống lúa bản địa với tư cách là sản phẩm hàng hóa, trong đó có không ít giống quý.

Tác động của quá trình biến đổi khí hậu đang khiến các giống lúa bản địa phần nào lấy lại vị thế của mình và câu chuyện tại Ấn Độ là minh chứng sống động cho điều này.

Trào lưu bảo tồn giống lúa bản địa

Cách đây ít lâu, báo chí Ấn Độ đăng tải thông tin S.R Srinivasamurthy - một nông dân vùng Narsipur Taluk, bang Karnataka - đã thực hiện tour du lịch khắp đất nước trong một nỗ lực thu thập các giống lúa khác nhau nhằm xây dựng một ngân hàng hạt giống của riêng mình. Hành trình tìm kiếm các giống lúa quý hiếm đã đưa ông tới nhiều vùng đất như Varanasi ở Uttar Pradesh, Bihar, Maharashtra và Kerala - nơi ông thu mua được 350 giống lúa, trong đó có nhiều giống quý để đem trồng trong khu ruộng rộng hơn 6.000m2 của mình.

Hành trình của Srinivasamurthy đã đem lại thành công về mặt thương mại. Giống lúa của ông được các nông dân khác tìm mua. Tuy nhiên, lợi nhuận không phải là động lực chính dẫn đến hành động của Srinivasamurthy. Điều ông hướng tới là bảo tồn các giống lúa bản địa của Ấn Độ. Thời gian qua, nhiều sáng kiến tương tự trong việc bảo tồn các giống lúa bản địa đã được thực hiện ở đất nước này, người thực hiện chủ yếu là các nông dân cá thể.

Vậy tại sao cần bảo tồn các giống lúa bản địa và những người nông dân như Srinivasamurthy làm được gì cho cộng đồng? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng xem lại một số thông tin. Tại Bangladesh, khoảng 7.000 giống lúa gạo đã bị thay thế bởi các giống năng suất cao hiện đại và hiện chỉ 400 giống thuộc số này còn tồn tại ở các trang trại vùng hẻo lánh.

Một nông dân Ấn Độ và giống lúa đặc sản địa phương. Ảnh: Newindianexpress

Ở Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, số giống lúa bản địa cũng giảm mạnh do sự chuyển đổi sang các giống độc canh và hiện đại từ thập kỷ 1970. Các khu ruộng trồng giống bản địa biến mất đồng nghĩa với việc chúng ta mất kiến thức về tính chất các giống đó. Điều này phá hủy các hệ thống nông nghiệp truyền thống và thậm chí làm rối loạn nền văn hóa ăn uống.

Ở Ấn Độ, cuộc cách mạng xanh đã giới thiệu các giống lúa cao sản (HYV) chỉ thích hợp với đồng ruộng ở vùng đồng bằng thuận lợi cho tưới tiêu. Vào thời điểm những năm 1970 đó, tất cả các tổ chức nông nghiệp và cơ quan phát triển đã phát huy các “phép lạ mới” và kỹ thuật tưới tiêu. Các giống lúa phù hợp với vùng đất cao hay cánh đồng chiêm trũng dần biến mất.

Một trong các điểm yếu của hệ thống thủy lợi là làm cạn kiệt nhanh chóng lượng nước ngầm. Nông dân bị ràng buộc một cách chặt chẽ với nguồn cung cấp hạt giống và các yếu tố đầu vào. Tất cả những điều đó cộng với sự gia tăng chi phí hóa chất nông nghiệp và máy móc khiến nhiều nông dân phải bán đất và chuyển đến các thành phố để kiếm kế sinh nhai.

Trong tình hình đó, hành động của những người như Srinivasamurthy chính là điều cần thiết để tái lập sự đa dạng sinh học. Nhiều nông dân khác cũng có chung ý tưởng với Srinivasamurthy và bảo tồn các giống lúa bản địa bắt đầu trở thành một phong trào trong lặng lẽ.


Những nỗ lực của chính phủ Ấn Độ

Ngoài những trường hợp mang tính cá nhân, tự phát, Ấn Độ còn có một số tổ chức phi chính phủ và chính phủ đang nỗ lực bảo tồn các giống lúa bản địa. Có thể kể đến một số cơ quan tiêu biểu như Phòng thí nghiệm kiểm định hạt giống tiểu bang (SSTL) ở Bhubaneshwar, Viện Nghiên cứu lúa gạo trung ương (CRRI) ở Cuttak, Odisha và Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) ở New Delhi.

Mục tiêu của các đơn vị này là nuôi cấy các giống lúa bản địa, bảo tồn chúng để từ đó nghiên cứu, lai tạo, cho ra đời các giống năng suất cao. Đơn cử như CRRI đã thu thập được gần 30.000 giống bản địa, bảo quản ở điều kiện 40C và độ ẩm tương đối 30%. Sau khâu thu thập giống là công việc của các nhà di truyền học, “thanh lọc” ra những giống bản địa quý, phù hợp với nhu cầu. Các giống quý này thường có nhiều điểm yếu như năng suất thấp, hình thức xấu... và các nhà khoa học cần sử dụng các biện pháp kỹ thuật để phát huy điểm mạnh, hạn chế các điểm yếu, tăng khả năng chống chọi cho chúng để có thể đưa vào sản xuất.

Ấn Độ từ lâu cũng đã liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế trong vấn đề bảo tồn các giống lúa quý. Điển hình là việc 5.000 giống lúa thuộc các bang miền đông bắc nước này đã được chuyển đến Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines vào năm 1965. Động thái này hiện đã cho thấy hiệu quả; hàng loạt giống lúa ở vùng Assam vốn đã biến mất tại Ấn Độ nhưng hoàn toàn có thể phục hồi nhờ được bảo tồn tại IRRI.

“Trái đất đang đối mặt với sự thay đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán kéo dài, tần suất bão, lũ lụt tăng cao, đất nhiễm mặn ngày càng nhiều. Tất cả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề sản xuất lương thực. Trong bối cảnh đó, các giống lúa bản địa có thể sẽ là cứu tinh của con người bởi chúng rất phù hợp với các vùng đất quê hương, sống được trong các điều kiện khắc nghiệt” - tờ Sourcetrace nhận định.

Vấn đề hiện nay là làm sao giải quyết được điểm yếu cố hữu của chúng là năng suất thấp và tìm thị trường.