Theo TS Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cần sớm thành lập ngân hàng gene để duy trì và bảo tồn nguồn gene một cách chủ động.
Theo TS Phạm Công Thiếu - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, để phục vụ cho việc nghiên cứu, lưu giữ các nguyên liệu di truyền của nguồn gene vật nuôi, Nhà nước đã đầu tư cho viện một phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật với hệ thống thiết bị hiện đại.
Trong giai đoạn 2011-2015, viện đã cứu vãn được một số nguồn gene quý như bò u đầu rìu (Nghệ An), gà Hồ (Bắc Ninh), lợn Móng Cái (Quảng Ninh), gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà Mía (Sơn Tây- Hà Nội), vịt Kỳ Lừa (Lạng Sơn), vịt Bầu Bến (Hòa Bình)…
Gà quý phi được nuôi giữ tại Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Châu Long
Tuy nhiên, đối với viện nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, việc bảo tồn nguồn gene gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc Việt Nam chưa hình thành được mạng lưới quỹ gene đầy đủ để khai thác tối đa nguồn gene đa dạng cho công tác chọn tạo giống.
PGS-TS Phạm Công Hoạt - Trưởng phòng KH&CN nông nghiệp, Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN - cho hay: “Năm 2015, Bộ KH&CN đã trình và được Thủ tướng ký Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có mục tiêu tư liệu hóa nguồn gene, xây dựng hệ thống dữ liệu quỹ gene quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu và trao đổi thông tin trong mạng lưới quỹ gene quốc gia”.
Ngoài mạng lưới quỹ gene quốc gia, TS Nguyễn Văn Trọng cho rằng cần sớm thành lập ngân hàng gene để duy trì và bảo tồn nguồn gene một cách chủ động: “Một số giống hiện chưa khai thác, phát triển được thì nên bảo tồn trong ngân hàng. Đây cũng là một hình thức lưu giữ bền vững các nguồn gene”.
Về các giải pháp khoa học để bảo tồn, khai thác và phát triển hiệu quả nguồn gene động vật, ông Hoạt cho biết Bộ KH&CN tập trung vào công nghệ sinh học - bao gồm các công nghệ gene, tế bào, vi sinh, protein. “Sau vụ chú bò tót cuối cùng ở vùng rừng giáp ranh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận chết, bộ đã phê duyệt nhiệm vụ có sử dụng công nghệ nhân bản để bảo tồn loài này” - ông Hoạt nói.