Lý giải về điều này, ông Đào Đức Huấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng thực tế những sản phẩm nổi tiếng gắn với sự lựa chọn của rất nhiều người dân Việt Nam, trước kia và hiện nay đều như vậy. Do đó, xét trên góc độ thị trường nội địa, những sản phẩm này đã chiếm lĩnh được thị trường ở các mức độ và phạm vi khác nhau.
Một số doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời đã phát triển những nhãn hiệu gạo riêng. “Vấn đề quan trọng ở đây là phải quản lý và xây dựng được các chuỗi phân
phối phù hợp với sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam. Với các giống lúa
gạo này, khó mở rộng thêm diện tích do là đặc sản. Vì vậy, điều quan
trọng là quản lý và cấu trúc lại thị trường trong nước để nâng cao giá
trị sản phẩm, thay vì tiếp cận thị trường quốc tế” - ông Đào Đức Huấn
gợi ý.
Liên quan đến việc tạo chuỗi giá trị và giống lúa độc quyền để có thể xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, ông Huấn cho rằng, việc nông sản Việt Nam sử dụng nhãn hiệu nước ngoài khi tham gia các chuỗi phân phối là một điểm yếu của chúng ta.
“Đối với sản phẩm lúa gạo cũng khó tránh khỏi vấn đề đó. Nhưng qua đó, chúng ta có thể nhìn thấy hai vấn đề: Thứ nhất là chất lượng gạo Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thứ hai là khả năng và năng lực của hệ thống các doanh nghiệp xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu đồng nghĩa với việc chúng ta phải tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng kênh phân phối riêng đối với các sản phẩm mang thương hiệu, gắn với bao bì, nhãn mác và dấu hiệu nhận diện. Do đó, thương hiệu gạo Việt Nam phải gắn với chuỗi giá trị khép kín, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đảm bảo uy tín và chất lượng của sản phẩm mang thương hiệu quốc gia” - ông Đào Đức Huấn nói.
Cho rằng giống là vấn đề quan trọng góp phần tạo dựng chất lượng sản phẩm, ông Huấn cũng nhấn mạnh, việc chọn giống nào lại phụ thuộc vào định hướng và cách tiếp cận xây dựng thương hiệu quốc gia.
Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam được Chính phủ phê duyệt đã xác định 2 định hướng về thị trường trong xây dựng thương hiệu gạo, đó là: Phát triển phân khúc thị trường gạo chất lượng cao (gạo thơm, đặc sản) tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU...; duy trì và giữ vững sự ổn định tại các thị trường truyền thống với phân khúc gạo trung bình (gạo trắng, hạt dài).
“Với mục tiêu này thì việc xác định giống lúa nào gắn với thương hiệu gạo Việt Nam phụ thuộc vào quá trình đánh giá, chọn lọc và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng của thương hiệu quốc gia trong thời gian tới” - ông Huấn nói.