Giống lúa tẻ Dao – một giống lúa đặc sản có nguy cơ bị thải loại của đồng bào dân tộc Dao – bước đầu đã được phục tráng thành công nhờ công nghệ sinh học.

Đây là kết quả của đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học phục tráng giống lúa tẻ dao theo hướng tăng năng suất chất lượng” do trường Đai học Tây Bắc tiến hành từ năm 2014,Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga làm chủ nhiệm.

Giống lúa tẻ Dao thường được trồng ở bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai), với đặc điểm: hạt to, dài, thơm dẻo như gạo nếp, có giá trị dinh dưỡng cao.

Tuy nhiên, do tập quán canh tác phụ thuộc vào tự nhiên, không bón phân, canh tác trên đất dốc bạc màu nên năng suất thấp. Bên cạnh đó, do người dân đưa giống lúa mới vào canh tác xen canh nên giống lúa tẻ Dao đã bị lai tạp, thoái hóa nghiêm trọng.

Lúa tẻ Dao được trồng thử nghiệm tại bản bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai)
Lúa tẻ Dao được trồng thử nghiệm tại bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai)

Để phục tráng giống lúa quý này, báo Sơn La cho biết,năm 2014, trường Đại học Tây bắc kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã tiến hành trồng thử nghiệm lúa tẻ Dao, rồi năm 2015 trồng thử nghiệm 20 dòng lúa tẻ Dao được chọn tạo bằng công nghệ nuôi cấy bao phấn. Sau khi thu hoạch, các nhà nghiên cứu nhận thấy, có một số dòng như TD05, TD16, TD18 đã đạt năng suất bình quân gần tương đương với năng suất trước khi bị thoái hóa (18,4-19,7 tạ/ha so với năng suất trước đây là 20 tạ/ha).

3 dòng lúa nổi bật nhất đã được trồng thử nghiệm với 5 mô hình (2 mô hình sản xuất lúa cạn, có bón phân hóa học; 2 mô hình sản xuất lúa ruộng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng gieo sạ có tỉa thưa, cấy dặm; 1 mô hình sản xuất lúa ruộng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng gieo mạ trên nương và cấy xuống ruộng) trên diện tích 5.000m2. Kết quả cho thấy, các mô hình sản xuất lúa dưới ruộng sinh trưởng phát triển tốt hơn, bông to, dài hơn các mô hình sản xuất lúa trên nương.

Với kết quả đạt được, Đề tài đã được nghiệm thu với mức đạt yêu cầu, là cơ sở để phát triển giống lúa tẻ Dao theo hướng sản xuất hàng hóa.