Các nhà nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả của việc giáo dục các biện pháp an toàn cho trẻ em Việt Nam khi lên mạng.
Ước tính, số người sử dụng internet trong năm 2023 vào khoảng 5,4 tỷ người, tương đương 67% tổng dân số thế giới. Đáng chú ý, có đến 75% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-24 sử dụng internet. Tuy nhiên, việc tiếp cận internet cũng đi kèm với vô số vấn đề an ninh. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với việc giáo dục cho trẻ em các kỹ năng an toàn khi lên mạng.
Theo Hasebrink cùng đồng nghiệp (2008), ba nhóm nguy cơ thường gặp trên mạng gồm: nội dung (bao gồm nội dung khiêu dâm, bạo lực, phân biệt chủng tộc và lời khuyên không phù hợp), liên hệ (liên quan tới theo dõi thông tin cá nhân, dụ dỗ tình dục, tương tác với người lạ và tự hại), và cách hành xử (các hoạt động như bắt nạt trên mạng, gửi tin nhắn gợi dục, cờ bạc và hacking – xâm nhập trái phép).
Để tìm hiểu hiệu quả của việc giáo dục an toàn trên mạng cho trẻ em, nhà nghiên cứu Phạm Trường từ Trường Cao học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Hiroshima, đã hợp tác cùng một số đồng nghiệp Việt Nam ở Nhật Bản.
Cụ thể, họ tiến hành thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên với 1.399 học sinh trong độ tuổi từ 13-15 ở 22 trường THCS tại TP. Hòa Bình để đánh giá tác động của chương trình an toàn trên mạng đối với hành vi của các em khi truy cập internet.
Chương trình mà họ sử dụng là Swipe Safe của tổ chức phi chính phủ quốc tế ChildFund Australia, được triển khai từ năm 2017 tại sáu thành phố và huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn và Cao Bằng. Mục đích chính của chương trình là giáo dục các em về rủi ro trên internet cùng các chiến lược bảo vệ; đồng thời trang bị cho cha mẹ và giáo viên kiến thức để trở thành đối tác an toàn trên mạng của các em.
Khi tiến hành nghiên cứu, họ chỉ định ngẫu nhiên học sinh tham gia vào chương trình an toàn, nhằm đánh giá tác động của chương trình đối với hành vi của các em khi lên mạng. Thứ hai, họ sử dụng thử nghiệm danh sách – đây là phương pháp đặt câu hỏi gián tiếp nhằm giảm thiểu định kiến khi đo lường các hành vi nhạy cảm. Ở bước này, họ so sánh sự khác biệt giữa kết quả thu được từ thử nghiệm danh sách với câu trả lời cho các câu hỏi trực tiếp thông thường và chứng minh khả năng trả lời sai lệch tiềm ẩn trong các nghiên cứu sử dụng phương pháp hỏi trực tiếp. Thứ ba, để đánh giá tác động lan tỏa của chương trình học kỹ năng, họ thiết lập hai nhóm đối chứng: một nhóm ở cùng trường với các đối tượng được học kỹ năng an toàn, và một nhóm ở trường khác.
Kết quả, việc tham gia vào chương trình giúp học sinh giảm 9,3-16,8 điểm phần trăm việc tiết lộ danh tính trên các trang mạng xã hội; tăng biện pháp bảo mật tài khoản trực tuyến lên 8,9-17,9 điểm phần trăm; và giảm tương tác của các em với người lạ trực tuyến xuống 13,6-23,4 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, qua kết quả đo được từ các thử nghiệm danh sách, nhóm tác giả nhận thấy chương trình giúp giảm 34,7-47 điểm phần trăm các hành vi trực tuyến nhạy cảm và rủi ro (như tiết lộ thông tin cá nhân của người khác và xem các nội dung khiêu dâm) – kết quả này khó mà thu được nếu dùng cách đặt câu hỏi trực tiếp truyền thống.
Nhóm cũng quan sát thấy bằng chứng về hiệu ứng lan tỏa đối với học sinh cùng trường không tham gia chương trình đào tạo ở hai kết quả: tiết lộ tình trạng mối quan hệ, và việc gửi đi lời mời kết bạn hoặc chấp nhận lời mời từ người lạ.
Kết quả từ thử nghiệm ủng hộ việc triển khai các chương trình giáo dục nhằm tăng cường an toàn của trẻ em khi lên mạng.
Nguồn: