Để giải quyết triệt để vấn đề an toàn nước đô thị, chính phủ các nước cần có tiếp cận toàn diện, kết hợp cơ sở hạ tầng nước bền vững, công nghệ dự báo, công nghệ quản lý nước thông minh với các giải pháp sinh học đa dạng.

Ngập lụt sâu trên đường Mạc Thị Bưởi ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân
Ngập lụt sâu trên đường Mạc Thị Bưởi (Hà Nội) vào ngày 5/6/2024 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Nguồn: Vietnamnews

Tại Diễn đàn Nước Thế giới 2024, được tổ chức từ ngày 18-25/5 tại Bali, Indonesia, nhiều chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các vấn đề về nước mà đô thị đang gặp phải cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trong phiên thảo luận “Quy hoạch và thiết kế đô thị ứng phó với các thách thức về nước như thế nào?” do UNESCO Bắc Kinh tổ chức, ông Saut Sagala, nhà nghiên cứu của tổ chức Sáng kiến Phát triển Khả năng Chống chịu (RDI) chia sẻ, ngập lụt, thiếu nước, và ô nhiễm nước là ba thách thức lớn về nước đối với các đô thị lớn trên thế giới hiện nay.

Ông Sagala dẫn chứng những trận ngập lụt lịch sử trong những năm gần đây ở các thành phố như New York, Hong Kong, và TPHCM.

Đáng chú ý, trận mưa lớn nhất trong 75 năm qua ở Dubai hồi tháng Tư đã khiến thành phố vốn quen với khí hậu sa mạc khô nóng tê liệt nhiều ngày. Điều này cho thấy ngập lụt đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới đến mức báo động.

Ngập lụt làm gián đoạn các hệ thống cấp nước và gây ô nhiễm nguồn nước, khiến cho tình trạng khan hiếm nước sạch càng trở nên trầm trọng. Không chỉ vậy, nước bị ô nhiễm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe đối với sinh vật sống dựa vào nguồn nước, trong đó có con người - ông Sagala chỉ ra.

Tìm kiếm giải pháp hiệu quả

TS. Sagala khuyến nghị một số chiến lược nhằm thúc đẩy nguồn nước bền vững tại đô thị. “Phải phát triển và sử dụng các mô hình đánh giá rủi ro để dự đoán và quản lý tốt hơn các thách thức liên quan đến nước,” ông Sagala nói.

Ngoài ra, các thành phố nên mã hóa dữ liệu các thông tin khí hậu. Từ những thông tin này, các nhà quản lý sẽ lựa chọn địa điểm, thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng nước có khả năng chống chịu phù hợp với các kịch bản khí hậu cụ thể. Cuối cùng, áp dụng quản lý nước thông minh bằng cách thúc đẩy giám sát nhu cầu nước và thất thoát nước kỹ thuật số để quản lý nước hiệu quả và minh bạch hơn.

Bên cạnh những đề xuất liên quan đến hạ tầng, một chuyên gia của ICLEI Africa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường những giải pháp sinh học đa dạng - đặc biệt là tận dụng những vi sinh vật bản địa để giải quyết vấn đề về ô nhiễm nước.

Chẳng hạn, các nhà khoa học hiện nay đã phát triển phương pháp xử lý nước thải ô nhiễm xăng dầu bằng phân hủy sinh học dựa trên hoạt động của vi sinh vật phân hủy dầu tại vùng ô nhiễm xăng dầu. Đây là giải pháp thân thiện môi trường, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái nói chung và khu hệ vi sinh vật nói riêng. “Những giải pháp sử dụng sinh vật bản địa có thể giảm chi phí 10 lần so với đầu tư vào cơ sở hạ tầng lọc nước và lưu trữ”, vị chuyên gia cho biết.


Diễn đàn Nước Thế giới do Hội đồng Nước Thế giới (WWC), có trụ sở tại Marseilles, Pháp,
tổ chức ba năm một lần kể từ năm 1997. Tại Diễn đàn năm nay đã diễn ra hơn 250 phiên thảo luận xoay quanh chủ đề “Nước cho tài sản chung”.



Bài viết nằm trong chương trình World Water Forum Media Fellowship do Mạng lưới Báo chí Trái đất (The Earth Journalism Network) trực thuộc Internews và Australian Water Partnership tổ chức.