Trong dự án “Be Internet Awesome” của Google, trẻ em nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, được hướng dẫn những quy tắc cơ bản về các vấn đề an toàn trên không gian mạng để có thể tự tin khám phá và khai thác tối đa các lợi ích từ Internet.

Một em nhỏ
Một em nhỏ trải nghiệm game Interland được triển khai ngoại tuyến tại sân chơi Vui hè an toàn Online do Google tổ chức tại Cung Thiếu nhi Hà Nội sáng 31/5. Nguồn: Google

Việt Nam hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, tương đương 25% dân số. Theo báo cáo của UNICEF công bố vào tháng 8/2022, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ ở độ tuổi 14-15.

Bên cạnh đó, mức độ hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam cũng rất lớn. Thông cáo báo chí của Google dẫn báo cáo năm 2022 của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội đến 5 - 7 giờ mỗi ngày.

Mặt khác, khảo sát do Google thực hiện năm 2022 tiết lộ, trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu chiếc điện thoại đầu tiên vào tuổi lên 9, trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi về an toàn thông tin mạng là 13. Bởi vậy, khoảng thời gian 4 năm trẻ em Việt Nam tham gia tương tác sớm nhưng thiếu sự trao đổi về an toàn mạng ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Theo các chuyên gia, những nguy cơ đó có thể là: tiếp cận những nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm,…); trở nên "nghiện" Internet khi sử dụng quá mức; bị phát tán thông tin cá nhân; bị bắt nạt, dụ dỗ, quấy rối, lạm dụng tình dục, lừa đảo…

Dựa trên báo cáo năm 2021 của The National Center for Missing & Exploited Children (NCMEC) – một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân do Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 1984, các chuyên gia cảnh báo, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á ghi nhận hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nhiều nhất.

Để hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, các chuyên gia cho rằng, có thể sử dụng các giải pháp công nghệ như: công nghệ bảo vệ trên các hệ điều hành, trình duyệt, ứng dụng; các thiết bị, ứng dụng bảo vệ trẻ em trên thiết bị đầu cuối; các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra.

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”, đặt mục tiêu trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; đồng thời phát triển các sản phẩm, ứng dụng giúp trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, hiệu quả và an toàn.

Tuy nhiên, chỉ riêng giải pháp công nghệ sẽ không thể bảo vệ trẻ hoàn toàn khỏi những nguy cơ tiềm ẩn, mà còn cần tăng cường giáo dục ý thức cho trẻ và đồng hành cùng trẻ trên không gian mạng. “Be Internet Awesome” là một dự án được Google thiết kế với các mục đích như vậy. Dự án đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong dự án này, trẻ em được học năm 5 quy tắc sử dụng Internet an toàn, đó là: thông minh (cẩn thận khi chia sẻ), tỉnh táo (để tránh rơi vào cạm bẫy), mạnh mẽ (để bảo vệ bí mật), tử tế (đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn bản thân mình được đối xử), và can đảm (không ngại lên tiếng khi nghi ngờ).

Các kiến thức, kỹ năng, tiêu chuẩn ứng xử trên mạng nêu trên được truyền đạt đến các em qua tựa game Interland – một game thuộc thể loại phiêu lưu, mạo hiểm, tương tự như trò chơi giải đố; qua truyền đạt của thầy cô hoặc cha mẹ; và qua series phim hoạt hình “Internet phiêu lưu ký”.

Trò chơi
Interland gồm 4 minigame riêng biệt. Trong hình là game Tháp kho báu: Bảo vệ bí mật của bạn

Mọi em nhỏ, thầy cô và phụ huynh đều có thể tiếp cận game Interland, series phim hoạt hình “Internet phiêu lưu ký”, giáo án môn an toàn trên mạng phiên bản Việt trong chương trình “Be Internet Awesome” tại đây.

Đặc biệt, từ năm 2021, cùng với các đối tác Việt Nam, Google đã triển khai chương trình “Be Internet Awesome – Em an toàn hơn với Google" đến hơn một triệu học sinh ở 1.115 trường tiểu học trên cả nước. Bên cạnh đó, gần 7.500 thầy cô cũng được tập huấn trực tuyến để có thể dạy cho học sinh môn an toàn mạng một cách sống động.

Ông Marc Woo - Giám đốc điều hành phụ trách Việt Nam của Google Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, chương trình đã tạo ra những thay đổi tích cực. Nếu như trước năm 2021, có hơn 1/3 số phụ huynh Việt Nam được Google khảo sát chưa bao giờ nói chuyện với con về an toàn mạng, thì khảo sát năm 2023 cho thấy 88% phụ huynh đã có thể dễ dàng trao đổi với con về chủ đề này và 64% đã hướng dẫn con về an toàn mạng.

Trong hai ngày 30 và 31/5, Google tổ chức sân chơi Vui hè an toàn Online cho trẻ em với các trò chơi giáo dục thuộc dự án “Be Internet Awesome” được triển khai ngoại tuyến tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Tại đây, cha mẹ của các em cũng được trải nghiệm và hướng dẫn sử dụng những ứng dụng quản lý nội dung như YouTube Kids, YouTube Family Link, YouTube SupeX; tìm hiểu cách định hướng nội dung lành mạnh cho trẻ, đồng thời đặt ra các hạn chế để ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ trẻ tiếp cận những nội dung không phù hợp.

Sau khi sự kiện kết thúc, sân chơi được trao tặng cho Cung thiếu nhi Hà Nội đến hết ngày 31/8/2023.