Giống gạo màu do nhóm tác giả Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chọn tạo, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có thể triển khai sản xuất đại trà tại khu vực Đông Nam Bộ.

Gạo màu (đen, đỏ, tím) được ghi nhận chứa chất chống oxy hóa anthocyanin nhiều hơn gạo trắng. Chất này có vai trò hỗ trợ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng như làm hạn chế nguy cơ béo phì, giảm phản ứng viêm, chống lão hoá và tác dụng kháng virus,…

Trong khi nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… rất chú trọng việc chọn tạo các giống lúa màu cải tiến phù hợp với hệ canh tác hiện đại, Việt Nam mới chỉ có một số ít công trình nghiên cứu về giống lúa màu cho các tỉnh phía Bắc. Giống lúa màu cải tiến trồng ở các tỉnh phía Nam chủ yếu do các doanh nghiệp tuyển chọn từ nguồn nhập khẩu, hầu hết thiếu tính pháp lý về nguồn gốc giống nên chưa được khuyến cáo áp dụng. Ngay cả hai giống lúa màu được công nhận lưu hành cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ nhiều năm trước là ST đỏ và Cẩm Cai Lậy cũng rất ít được sử dụng.

n
Thử nghiệm trồng giống lúa màu tại đồng ruộng. Ảnh: SKH

Để bổ sung giống lúa màu mới cho sản xuất, nhóm tác giả ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã thực hiện đề tài “Chọn tạo giống lúa màu đặc sản và xây dựng mô hình sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ”.

Vật liệu tổ hợp trong nghiên cứu gồm các dòng giống lúa thu thập như Tím TL, Tím TL1 (hai dòng lúa tím đen du nhập từ Thái Lan), LĐ2 (dòng lúa tím đen của Công ty Nông Tín), VND26 (dòng lúa đỏ đột biến), giống Ngọc đỏ hương dứa (NĐHD) ở Đồng Tháp,…

Nhóm áp dụng phương pháp chọn lọc phả hệ cho đến khi có được dòng thuần, chọn lọc so sánh dòng thuần để xác định giống khảo nghiệm giá trị canh tác. Nguồn gen nhập nội còn phân ly được theo dõi, chọn cá thể qua nhiều thế hệ để có dòng thuần tham gia thí nghiệm theo mục tiêu nghiên cứu.

Cụ thể, nhóm đã triển khai lai 20 tổ hợp và chọn lọc các thể lai để trồng khảo nghiệm và đánh giá chất lượng một số dòng chọn lọc có triển vọng. Từ thí nghiệm chọn lọc so sánh dựa trên các tiêu chí đánh giá về nguồn gốc, đặc tính nông sinh học, tính chống chịu sâu, bệnh, năng suất và chất lượng, nhóm nghiên cứu xác định được sáu dòng thuần lúa màu triển vọng từ thí nghiệm, gồm: SR20, SR22, SR21, SR202, SR161, SR16.

Kết quả trồng khảo nghiệm trong ba vụ (Đông Xuân, Hè Thu 2021, Đông Xuân 2021 – 2022), tại TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh cho thấy, các giống khảo nghiệm có thời gian sinh trưởng từ 94 - 113 ngày, cao 95 - 114 cm, ít đổ ngã, chống chịu được rầy nâu và bệnh hại chính (đạo ôn, bạc lá, vàng lá). So với giống đối chứng (ST đỏ), các giống khảo nghiệm có độ thuần cao, thời gian sinh trưởng ngắn và chống chịu sâu, bệnh tốt hơn gồm: SR20, SR22 và SR21. Ba giống này cũng đều có năng suất bình quân cao hơn so với ST đỏ (5,08 tấn/ha). Nghiên cứu còn cho thấy, SR20, SR22 và SR21ST chứa hàm lượng anthocyanin tương đương ST đỏ (50mg/kg) hoặc cao hơn hẳn, như giống gạo màu tím đen SR22 chứa lượng anthocyanine 167mg/kg. Điều này cho thấy, hàm lượng anthocyanin liên quan rõ rệt đến màu hạt gạo lứt, màu càng đậm thì lượng anthocyanin càng cao và ngược lại.

n
Các giống lúa màu triển vọng. Ảnh: SKH

Đánh giá chỉ tiêu chuyển hóa đường cho thấy, cả sáu giống lúa thuần đều có chỉ số GI (chỉ số đường huyết) ở mức thấp (46,6 - 54,8), so với mức trung bình của ST đỏ (55,9) và mức cao của gạo xát trắng giống phổ biến (71,9).

Sáu giống này còn thể hiện ưu thế vượt trội về chỉ tiêu hàm lượng vitamin B1 so với ST đỏ (1.082mg/kg), nhất là giống gạo tím đen SR22 (4.031mg/kg), SR 20 (2.014mg/kg), SR 21 (1,076mg/kg).

Căn cứ kết quả khảo nghiệm, giống SR20 và SR22 đạt yêu cầu về giá trị sử dụng để công nhận lưu hành theo TCVN13381-1:2023. Nhóm tác giả cũng đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa màu đặc sản hướng hữu cơ ở vùng Đông Nam bộ, có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.