Từng được coi là mô hình lý tưởng để chuyển giao công nghệ (CGCN) ra doanh nghiệp, nhưng mô hình trung tâm CGCN thuộc trường đại học ở nhiều quốc gia đang bộc lộ nhiều điểm yếu.

Thậm chí, nhiều khi việc chọn công nghệ để chuyển giao được thực hiện theo cách... ngẫu nhiên.

Nhiều nhiệm vụ, giảm hiệu quả chuyển giao

Hai chuyên gia của Đại học (ĐH) Columbia (Mỹ) là Orin Herskowitz - Phó Chủ tịch Trung tâm CGCN và Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Brady Butterfield - chuyên gia phân tích hồ sơ - vừa đăng một báo cáo gây chú ý với tiêu đề “Giữ hay giết chết sáng chế: Tình trạng khó xử của các trung tâm chuyển giao công nghệ” trên tạp chí Tech Ventures.

Hai ông cho rằng, khác các công ty hay nhà đầu tư mạo hiểm, tối ưu lợi nhuận không phải là mục đích chính của các trung tâm CGCN trong trường đại học. “Nhiệm vụ của trung tâm dạng này là chuyển giao các nghiên cứu mang tính hàn lâm sang ứng dụng vì lợi ích của xã hội, theo tốc độ của thị trường; hỗ trợ nghiên cứu, giảng dạy ở trường đại học bằng việc tạo ra các quỹ, tìm đối tác phù hợp; giảng dạy và phục vụ sinh viên trong các vấn đề liên quan như việc kinh doanh, SHTT, thương mại hóa công nghệ...” - báo cáo viết.

Phòng thí nghiệm Đại học Louisville, Kentucky, Mỹ. Ảnh: Đại học Louisville
Phòng thí nghiệm Đại học Louisville, Kentucky, Mỹ. Ảnh: Đại học Louisville

Những trung tâm này còn phải gánh vác các trách nhiệm vô hình khác như thu hút và giữ chân giảng viên, đảm bảo sự hài lòng của sinh viên, trình diễn khả năng công nghệ trong các ngành đặc thù, xây dựng cơ sở hạ tầng cho cộng đồng, phát triển các công nghệ mà nhờ đó sinh viên có thể tự lập công ty riêng, cung cấp các công nghệ hỗ trợ cần thiết cho cuộc sống dù nó không kiếm ra tiền...

Chính những nhiệm vụ “không lời” này đã ảnh hưởng tới quyết định chọn công nghệ chuyển giao của trung tâm, khiến rất nhiều sáng chế không được cấp phép chuyển nhượng hoặc nếu cấp phép cũng không bao giờ xuất hiện trên thị trường.

Chọn công nghệ theo kiểu "ngẫu nhiên"

Theo lẽ thường, nguồn lợi từ việc CGCN có thể rất lớn với các trường đại học, nhất là những trường có nhiều bằng sáng chế. Ngành công nghiệp CGCN Mỹ mỗi năm tạo ra 2,7 tỷ USD lợi nhuận từ phí bản quyền - theo Hiệp hội Quản lý công nghệ trường đại học.

Số tiền này tập trung chủ yếu ở 20 trường và phần lớn đến từ vài giấy phép sang nhượng bản quyền (0,5% số giấy phép sang nhượng đang có hiệu lực đem về khoảng 1 triệu USD/năm).

Herskowitz và Butterfield cho biết, khi đưa ra quyết định thương mại hóa bằng sáng chế nào, người quyết định sẽ ưu tiên những sáng chế có thể đáp ứng hầu hết chủ thể cũng như mọi nhiệm vụ mà trung tâm CGCN được giao.


“Do mỗi bằng sáng chế có tính riêng biệt, cần nhiều thời gian từ lúc đưa ra quyết định chuyển giao tới lúc có thể biết sự thành bại của nó trên thị trường, các nhân viên trong trung tâm CGCN thường phải nỗ lực hết sức để dự đoán tương lai dựa vào trực giác, sự phân tích và kinh nghiệm bản thân. Điều này sẽ dần ảnh hưởng tới những nhân viên khác và thành một quy trình hoạt động tiêu chuẩn của tổ chức” - trích báo cáo.

Nhiều nghiên cứu thực hiện từ năm 2004-2011 chỉ ra rằng, việc chuyển giao bằng sáng chế, lixăng do các nhà nghiên cứu trong viện, trường tạo ra thông qua các trung tâm CGCN có thể dẫn tới đánh giá sai giá trị của bằng sáng chế một cách có hệ thống.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Columbia, Mỹ đối với 25 viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu như ĐH Standford, ĐH California, ĐH Harvard, ĐH Princeton, ĐH Oxford... vào tháng 6/2016 cũng cho thấy nhiều trường chọn công nghệ chuyển giao theo kiểu ngẫu nhiên và chỉ từ 5-20% số bằng sáng chế của trường đại học được cấp lixăng.

“Tính ngẫu nhiên trong cách tiếp cận của một tập thể người buộc chúng tôi đặt câu hỏi liệu lĩnh vực CGCN của chúng ta thực sự có chiến lược về SHTT, hay đơn thuần chỉ là tập hợp của những hoạt động thực tiễn đúc kết từ lịch sử?” - Herskowitz và Butterfield viết.

Nhận thấy nhiều hạn chế trong công tác chuyển giao, không ít trung tâm đang thay đổi mô hình hoạt động theo hướng mở hơn, tránh lặp lại những sai lầm cũ.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia của Isis Enterprises - một tổ chức tư vấn về đổi mới sáng tạo thuộc Đại học Oxford, để các trung tâm CGCN hoạt động hiệu quả, cần có một chiến lược quản lý danh mục sáng chế linh hoạt với 3 bước chính. Đầu tiên là phải có quy trình xét duyệt tích hợp, tích hợp công tác khảo sát và đánh giá thị trường để nhận dạng nhanh chóng đối tượng chuyển giao giấy phép tiềm năng.

Bước tiếp theo là phân tích danh mục sáng chế thường xuyên để tránh lãng phí nguồn lực và tiền bạc. Các trường/khoa cho phép trung tâm CGCN tiếp cận nguồn bằng sáng chế, nhận diện các dự án chuyển giao bằng đang bị ngừng lại hoặc gặp khó khăn để tránh.

Cuối cùng là đưa ra quyết định một cách nhanh chóng - thậm chí trước khi thu thập được ý kiến phản hồi của thị trường, đồng thời có chính sách tập trung ủng hộ những bằng sáng chế khả thi nhất.