Với vai trò là động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cơ chế bảo hộ quyền SHTT đã và đang phát huy hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Để mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn lợi ích của việc bảo vệ quyền SHTT, ông có thông điệp gì muốn chia sẻ?
Để SHTT thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trước tiên doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức về tài sản trí tuệ và giá trị của nó trong khối tài sản của mình. Nhận thức được giá trị thì doanh nghiệp sẽ biết cách bảo vệ và nâng cao giá trị này. Việc bảo hộ SHTT khi gắn bó với lợi ích thiết thực của doanh nghiệp mới thực sự mang lại hiệu quả.
Như truyền thông đã đưa tin, đầu tháng 7 vừa qua, Forbes đã công bố danh sách 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam, trong đó có thể thấy các thương hiệu trải đều trên nhiều lĩnh vực, từ các doanh nghiệp công nghệ như Viettel (849,6 triệu USD), FPT (176,2 triệu USD) tới các doanh nghiệp dịch vụ như Vietcombank (137 triệu USD) hay sản phẩm tiêu dùng như Biti’s (20 triệu USD), Thiên Long (15,3 triệu USD).
Trong đó, Vinamilk với giá trị lên tới hơn 1,7 tỷ USD đứng đầu danh sách. Rõ ràng những công ty này không chỉ tập trung đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà còn chú trọng bảo vệ và phát triển các giá trị tài sản trí tuệ của mình để đạt được thành công như ngày hôm nay.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn với nguồn lực tài chính hùng mạnh mới tập trung phát triển tài sản trí tuệ mà ngay cả các doanh nghiệp vửa và nhỏ, thậm chí các doanh nghiệp mới khởi nghiệp (startup) cũng đã phải quan tâm tới tài sản trí tuệ của mình và tiến hành bảo vệ quyền SHTT một cách kịp thời, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn dựa trên những sáng tạo đổi mới về công nghệ.
Ngay từ lúc hình thành ý tưởng, các doanh nghiệp này đã bắt đầu hình thành tài sản trí tuệ như bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, hay tên tuổi của doanh nghiệp sẽ phát triển sau tất cả những tài sản đó… Nếu chú trọng đến việc gây dựng và phát triển tài sản trí tuệ ngay từ những bước đầu, tôi tin rằng các doanh nghiệp này không chỉ lớn mạnh mà còn tránh được những rắc rối pháp lý về sau.
Vậy để hỗ trợ các nỗ lực khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng thị trường KH&CN gắn nghiên cứu với doanh nghiệp, thời gian tới, Cục SHTT sẽ có những chiến lược hành động cụ thể nào?
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo luôn là mục tiêu thường xuyên và lâu dài, bởi lẽ chỉ có đổi mới sáng tạo thì mới thực sự thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ và SHTT thì vấn đề cần quan tâm là phải tạo ra được cơ chế phù hợp để các nhà nghiên cứu, nhà sáng tạo nhận được lợi ích kinh tế xứng đáng từ kết quả sáng tạo của mình thông qua việc khai thác một cách có hiệu quả giá trị thương mại của các kết quả sáng tạo đó.
Vì thế, không gì khác hơn là phải tạo lập được một thị trường KH&CN thông qua việc gắn kết các kết quả nghiên cứu của viện nghiên cứu, trường đại học với nhu cầu ứng dụng và thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Với vai trò của mình, Cục SHTT đang triển khai các hoạt động nhằm thiết lập mạng lưới trung tâm phát triển tài sản trí tuệ ở các viện, trường và doanh nghiệp; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tại Việt Nam và công nghệ mới của nước ngoài không được bảo hộ hoặc đã hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong khuôn khổ các hoạt động chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, hình thành nên một thị trường tài sản trí tuệ, đưa tài sản trí tuệ trở về đúng giá trị thực của mình trong đổi mới và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với hoạt động thúc đẩy hình thành và phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, cục đã tiến hành một loạt hoạt động mang tính thí điểm chuyên môn như: Phối hợp nghiên cứu phương pháp định giá và thương mại hóa tài sản trí tuệ tại Việt Nam với Cơ quan SHTT Vương quốc Anh và Công ty cổ phần sữa Việt Nam; tham gia triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia, tham gia các chương trình phát triển thương hiệu cho những sản phẩm quốc gia như gạo, cá tra…; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam...
Đối với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, trong những năm qua Cục SHTT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó tập trung vào công tác tư vấn, hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp đăng ký, bảo hộ quyền SHTT.
Cục cũng đã phối hợp với nhóm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp KisStartup tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo chuyên đề về SHTT cho các doanh nghiệp startup. Trong năm tới, cục sẽ tiếp tục phối hợp với KisStartup và các trường đại học triển khai các chương trình đào tạo tư vấn. Dự kiến hai hội thảo chuyên đề về SHTT cho doanh nghiệp starup cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong khuôn khổ sự hỗ trợ này.
3. Cải tiến công tác xử lý đơn là một trong các hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Việc này đang được Cục SHTT triển khai như thế nào, thưa ông?
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về SHTT, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hơn nữa hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, Cục SHTT đang và sẽ triển khai một cách đồng bộ các hoạt động nhằm cải tiến mạnh mẽ công tác xử lý đơn, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý đơn sở hữu công nghiệp (SHCN). Theo đó, quy trình, thủ tục xử lý đơn đăng ký xác lập quyền được rút ngắn, đơn giản hóa và minh bạch hơn. Quy chế thẩm định đơn đăng ký xác lập quyền cho từng đối tượng SHCN cũng sẽ được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho công tác thẩm định đơn SHCN.
Thứ hai là tăng cường nguồn nhân lực. Đội ngũ thẩm định viên SHCN sẽ được tăng cường cả về lượng (thông qua tuyển dụng mới) và chất (bằng cách đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn). Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn để xây dựng định mức lao động hợp lý nhằm tạo cơ sở cho việc tổ chức, quản lý công việc thẩm định, phát huy tối đa năng lực và năng suất lao động của thẩm định viên.
Thứ ba là tăng cường năng lực hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác thẩm định đơn SHCN. Cục SHTT đang nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện một cách căn bản việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào xử lý đơn SHCN. Hệ thống cơ sở dữ liệu và các công cụ tra cứu SHCN cũng cần được hoàn thiện để phục vụ công tác thẩm định đơn một cách hiệu quả nhất.
Thứ tư, từng bước tiến tới xã hội hóa một số khâu trong xác lập quyền SHCN, trước mắt là xây dựng cơ chế huy động các cơ sở nghiên cứu, đào tạo tham gia vào một số công đoạn nhất định của công việc thẩm định đơn đăng ký sáng chế.
Thứ năm là nâng cao chất lượng của dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động xác lập quyền của các tổ chức đại diện SHCN, theo đó Cục SHTT sẽ tăng cường hoạt động quản lý các tổ chức đại diện SHTT, thường xuyên tổ chức các kỳ thi cấp thẻ người đại diện SHCN, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, người đại diện SHCN đang hành nghề, hỗ trợ chuyên môn cho các tổ chức đại diện SHCN thông qua các khoá đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn.
Với những giải pháp lớn nêu trên, tin rằng công tác xử lý đơn SHCN của Cục SHTT sẽ có sự phát triển cả về lượng và chất, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về xác lập quyền SHCN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!