Tuy nhiên, phần lớn các tài sản này không được chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ một cách chính thức nên nguồn lợi thu được chưa tương xứng với giá trị thật. Đây cũng là tình trạng đang diễn ra ở nhiều trường đại học.
Chuyển giao theo đường không chính thức
Câu chuyện được Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Huỳnh Quyền - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ (SHTT) và CGCN, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM - chia sẻ sau đây đang là bức tranh chung tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam: ĐH Quốc gia TPHCM từng nổi tiếng với sản phẩm chip vi mạch, chip vi xử lý 8 bit, 32 bit và lõi IP ngoại vi cho các chip này do Trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế vi mạch (ICDREC) sản xuất với nguồn đầu tư từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013-2020.
Mới đây, ICDREC đã CGCN cho Công ty Senvi với giá 6 tỷ đồng và trước đó chuyển giao cho Công ty VHES với giá 3 tỷ đồng. Đến nay, ICDREC đã thu 68 tỷ đồng từ CGCN, 31 tỷ đồng từ việc sản xuất và cung cấp thiết bị dựa vào công nghệ.
Theo PGS Huỳnh Quyền, ở đây ICDREC đã góp sản phẩm KH&CN với doanh nghiệp để hình thành công ty mới. “Đa số các công ty mới hình thành còn non trẻ, doanh thu chưa có hoặc thấp. Doanh thu từ CGCN dựa chủ yếu vào quy mô nhỏ” - PGS Quyền nói.
Theo ông, thành công của ICDREC cho thấy sự gia tăng niềm tin của doanh nghiệp vào kết quả nghiên cứu từ ĐH Quốc gia TPHCM, sự kết nối với doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo sản phẩm khoa học có khả năng cạnh tranh. Mặc dù vậy, hoạt động nghiên cứu, CGCN tại trường đại học này cũng không nằm ngoài sự tác động của các yếu tố trong nền kinh tế đang phát triển.
Ông Quyền phân tích: “Tình trạng sử dụng công nghệ không phép rất phổ biến, hoặc doanh nghiệp chưa đánh giá cao hoạt động R&D nên chưa định giá xứng đáng các kết quả nghiên cứu. Doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ vẫn e dè trước các thủ tục pháp lý liên quan đến CGCN. Do vậy, lợi nhuận từ CGCN thông qua chuyển giao chính thức quyền SHTT còn rất hạn chế, phần lớn được thực hiện dưới dạng không chính thức, cụ thể là các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu trực tiếp chuyển giao bằng cách đóng góp sản phẩm KH&CN với doanh nghiệp để hình thành công ty mới”.
PGS-TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban KH&CN, ĐH Quốc gia Hà Nội - cũng chia sẻ, có nhiều sáng chế được tạo ra ở đây nhưng con số chuyển giao ra doanh nghiệp rất hãn hữu. Bởi từ sáng chế, kết quả nghiên cứu đến sản phẩm là một quá trình dài, phải sản xuất thử nghiệm nhiều lần, sau đó sản xuất đại trà rồi mới đưa vào sản xuất mở rộng.
“Hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học gồm 4 bước: Nghiên cứu khám phá, nghiên cứu triển khai, nghiên cứu sản xuất thử nghiệm trong các vườn ươm công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. Hầu như không trường nào ở nước ta đi trọn 4 bước này, dẫn đến thiệt thòi” - PGS Tích nói và thừa nhận, ở ĐH Quốc gia Hà Nội có hiện tượng nhà khoa học nghiên cứu bằng tiền của Nhà nước, của trường, nhưng khi ra kết quả, vì không có cơ chế minh bạch nên họ đã để vợ hoặc anh em đứng tên thành lập doanh nghiệp, sử dụng kết quả đó, khiến Nhà nước không thu được lợi ích từ phần tài sản trí tuệ do mình đầu tư.
“Đá sân ngoài” - cần tỷ lệ chia minh bạch
Chỉ ra cái khó khiến các kết quả nghiên cứu phải đi đường vòng để chuyển giao, PGS Tích cho rằng Việt Nam đang thiếu mô hình tổ chức, cơ chế để thúc đẩy, còn nhiều điểm vướng về luật, đặc biệt là Luật Công chức, viên chức: “Để giải quyết, tôi cho rằng đầu tiên phải xây dựng mô hình tổ chức, sau đó tạo cơ chế để khai phóng, phát huy tối đa tài sản trí tuệ, được cộng đồng khoa học hưởng ứng để tạo thành thị trường KH&CN. Phải làm sao kết hợp nhà khoa học với doanh nghiệp để cùng đầu tư trí tuệ, cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính”.
PGS Tích nêu một số mô hình có thể áp dụng cho Việt Nam, như mô hình spin-out - doanh nghiệp kết hợp với nhà khoa học hoặc nhà trường để tạo doanh nghiệp mới, hoặc mô hình spin-off - nhà khoa học tự mở doanh nghiệp.
“Thế giới rất phát triển mô hình này để tạo cơ hội cho nhà khoa học nghiên cứu đến tận cùng sản phẩm của mình, đưa ra được thị trường thông qua thị trường chứng khoán. Khi đó các doanh nghiệp khác sẽ biết đến, sẽ mua sản phẩm đó để mở rộng sản xuất” - ông Tích nói và nhấn mạnh, điểm vướng ở Việt Nam là nhà khoa học là công chức, viên chức không được phép lập hay làm chủ doanh nghiệp. Còn các nước phát triển - nơi có thị trường KH&CN phát triển rất mạnh - thường áp chế độ khoán.
“Một giảng viên đại học Việt Nam phải dạy 270 tiết/năm và phải công bố 2 bài báo. Nên cho phép họ dành thời gian còn lại sau khi đảm bảo tiêu chí đó để lập doanh nghiệp, kiếm đề tài, dự án. Nếu các dự án đó sử dụng đến thời gian, cơ sở vật chất của trường thì phải trả phần trăm” - PGS Tích nêu quan điểm. “ĐH Công nghệ Nanyang Singapore có quy định rất cụ thể về tỷ lệ chia này, có trường hợp phải nộp 10%, có trường hợp nộp 40%... vì đã dùng thời gian, trang thiết bị của trường để làm cho bên ngoài. Các giảng viên rất hào hứng và chỉ sau 8 năm thực hiện mô hình này, họ đã có hơn 8.000 sản phẩm công nghệ, lượng sáng chế rất lớn”.
Theo ông, nếu làm được như vậy, hằng năm thay vì báo cáo đã làm bao nhiêu đề tài, dự án, các đơn vị sẽ cho biết số sản phẩm, doanh thu được tạo ra. Khi đó, Bộ KH&CN sẽ thống kê được có bao nhiêu sản phẩm góp phần làm tăng GDP. “Nếu không có cơ chế, những người giỏi, năng động sẽ bị soi xét, ghen tị rằng cũng hưởng lương như nhau sao lại ra làm bên ngoài, dù họ đem lại giá trị lớn” - PGS Tích kỳ vọng. “Việc nhà khoa học thành lập doanh nghiệp không chỉ cho ra sản phẩm mà còn tạo được môi trường rèn luyện cho sinh viên. Ở môi trường này, sinh viên mới được đào tạo thực sự, nếu không sẽ chỉ là sách vở”.