Mặt trăng được đánh giá là lựa chọn đúng đắn để con người mở rộng các hoạt động ra ngoài quỹ đạo thấp của Trái đất và làm căn cứ tiến tới chinh phục hành tinh đỏ sao Hỏa.

Tại cuộc họp thường niên lần thứ 68 quy tụ 4.000 chuyên gia vũ trụ trên thế giới tại Adelaide thuộc Australia, Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết Mặt trăng là “nơi đúng đắn” để con người mở rộng các hoạt động kinh tế ra ngoài quỹ đạo thấp của Trái đất, thậm chí từ Mặt trăng thì sao Hỏa sẽ là đích đến cuối cùng.

Ảnh mô phỏng căn cứ Mặt trăng. Ảnh: ESA
Ảnh mô phỏng nơi cư trú trên Mặt trăng. Ảnh: ESA

“Chúng ta đang sống trong quỹ đạo thấp của Trái đất trong suốt 17 năm qua trên một trạm vũ trụ quốc tế và chúng ta đang trên hành trình tiến tới sao Hỏa” – chuyên gia Piero Messina thuộc ESA nói với AFP tại hội nghị.

“Và trong hành trình đó, chúng tôi tin rằng có một cơ hội để tạo ra nơi ở bền vững vĩnh viễn trên bề mặt của Mặt trăng” – Piero Messina cho biết thêm.

Messina khẳng định mục tiêu trực tiếp hơn là phải có một nơi định cư vĩnh viễn trên Mặt trăng, thậm chí là cho robot lên đó thì sẽ được thực hiện vào cuối thập nhiên tới.

“Có một loạt nhiệm vụ đã được lên kế hoạch trên Mặt trăng trong vòng 10 năm tới, và tất cả những nhiệm vụ này sẽ tạo ra một phong trào, một thời khắc và tạo ra kho dữ liệu phong phú giúp thúc đẩy xây dựng làng trên hành tinh này” – Messina nói.

Tại làng Mặt trăng sẽ có các robot giúp con người tránh khỏi các bức xạ. Ảnh: ESA
Tại làng Mặt trăng sẽ có các robot giúp con người tránh khỏi các bức xạ. Ảnh: ESA

“Tôi nghĩ ngay bây giờ cần bắt đầu thảo luận, bắt đầu lên kế hoạch để xây dựng một thứ gì đó như trạm vũ trụ nhưng dựa trên cơ sở hợp tác liên quốc tế, mang tính toàn cầu thực sự” – Messina nhấn mạnh.

Cơ quan ESA tuyên bố làng định cư trên Mặt trăng sẽ là nơi thay thế cho Trạm vũ trụ quốc tế trên quỹ đạo – một cơ sở sẽ hết thời hạn hoạt động vào năm 2024.

Cùng với ESA, Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ (NASA) cũng đang tiến hành một dự án xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên trên Mặt trăng trong một chương trình mang tên Deep Space Gateway (Cánh cổng vào không gian sâu).

Cấu trúc mô phỏng nhà ở có thể chống lại bức xạ và các tiểu thiên thạch. Ảnh: ESA
Cấu trúc mô phỏng nhà ở có thể chống lại bức xạ và các tiểu thiên thạch. Ảnh: ESA

Hôm thứ Tư (27/9/2017), Cơ quan vũ trụ Roscosmos Nga và NASA của Hoa Kỳ cũng đã ký một hợp tác để xây dựng cơ sở trên Mặt trăng để thực hiện các hoạt động khoa học trên bề mặt Mặt trăng.

Hội nghị tập hợp hàng ngàn các chuyên gia vũ trụ lần này còn được hãng Lockheed Martin tiết lộ kế hoạch Mars Base Camp (Căn cứ trên sao Hỏa) dự kiến đưa người lên hành tinh đỏ vào năm 2028.

Năm ngoái, Jan Woerner - người đứng đầu ESA đã vạch ra kế hoạch xây làng trên Mặt trăng. Đây sẽ là căn cứ để thay thế cho Trạm vũ trụ quốc tế vì trạm này không thể hoạt động vĩnh viễn được. Làng trên Mặt trăng với ý tưởng cốt lõi là con người có thể làm việc và sinh sống ở cùng một nơi, có sự kết hợp năng lực về công nghệ không gian của nhiều quốc gia, với sự trợ giúp của các rô-bốt và phi hành gia.