Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại 40 trường đại học cho thấy, nguồn thu từ hoạt động KH&CN, sản xuất và dịch vụ chiếm 4% tổng ngân sách, nhưng nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 0,4%.


Kết quả khảo sát hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2011-2016 do Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Vũ Văn Tích - Trưởng ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội - làm chủ nhiệm, được thực hiện tại 142 trường đại học cho thấy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ rất thấp so với tổng nguồn thu của các trường.

“Các trường có nguồn thu từ các đề tài chứ chưa có nguồn thu từ sản phẩm của đề tài” - đó là nhận định của nhóm nghiên cứu sau khảo sát. Thực tế này cũng biểu hiện qua thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại 40 trường đại học: Nguồn thu từ hoạt động KH&CN, sản xuất và dịch vụ chiếm 4% tổng ngân sách, nhưng nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 0,4%.

Nguồn thu từ hoạt động KH&CN, sản xuất và dịch vụ chiếm 4% tổng ngân sách, nhưng nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 0,4% - Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại 40 trường đại học.


Nguyên nhân một phần là hiện còn nhiều quy định gò bó khiến các giảng viên, nhà khoa học không có động lực để nỗ lực đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế; một phần do nhiều trường không đặt nặng phần thu khi kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho doanh nghiệp. “Nếu thu nhiều, thậm chí các nhà khoa học có thể ra ngoài mở công ty và như vậy càng khó kiểm soát hơn” - PGS-TS Võ Trung Hùng - Trưởng ban KHCN và Môi trường, Đại học Đà Nẵng - nhận xét.

Việc Đại học Đà Nẵng chỉ yêu cầu các giảng viên nộp lại 2% doanh thu từ mỗi hợp đồng chuyển giao sản phẩm (đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ) được tạo ra từ đề tài nghiên cứu tại trường có vẻ là một cách chấp nhận thực tế trên, đồng thời tranh thủ khuyến khích hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đăng ký sáng chế của các nhà khoa học.


Tuy nhiên, thực tế rất ít trường đại học có quy chế rõ ràng về việc quản lý tài sản trí tuệ - từ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, các quy định ràng buộc cũng như tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ sản phẩm làm ra. Vì vậy, không ít kết quả nghiên cứu có giá trị được tạo ra từ nguồn vốn của trường đã được các cá nhân tham gia tạo ra nó chuyển giao ra ngoài bằng những con đường không chính thức. Hậu quả là ngân sách thất thu, nhà khoa học cảm thấy mình không được thừa nhận và sự lãng phí tiềm lực KH&CN là điều dễ nhận ra.

Làm thế nào để giải bài toán này vẫn là một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đang tìm lời đáp. Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất là phải tạo ra được cơ chế rõ ràng về quyền sở hữu, quy trình quản lý cũng như phân phối lợi nhuận từ sản phẩm nghiên cứu tại các trường. “Có cơ chế, tài sản trí tuệ sẽ được ứng dụng rộng rãi, thu được tiền đầu tư cho ngân sách, nhà khoa học lại được thừa nhận và mọi thứ minh bạch. Không có cơ chế, thậm chí chúng ta còn mất đi tiềm lực KH&CN của trường, viện và quốc gia” - PGS Tích nhận định.