Thay vì ứng phó với dịch H5N1 theo kiểu ổ dịch nào bùng phát thì xử lý ổ dịch đó, nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đang thúc đẩy tiếp cận Một sức khỏe, trong đó bảo vệ sức khỏe của một đối tượng đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe của tất cả các đối tượng còn lại trong hệ sinh thái.

Từ tháng 2/2024, Mỹ đã trải qua một đợt bùng phát cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) nghiêm trọng trong đàn bò sữa và gia cầm cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hơn 80 triệu con gà, hàng nghìn con chim hoang dã và hàng chục loài động vật có vú, bao gồm cả gấu Bắc Cực, đã bị nhiễm bệnh [1]. Đáng chú ý, Mỹ đã ghi nhận 17 ca nhiễm ở người, trong đó có sáu công nhân chăn nuôi bò sữa, 10 công nhân nuôi gia cầm và một thành viên cộng đồng không tiếp xúc trực tiếp với trang trại. Tất cả các ca nhiễm đều liên quan đến chủng H5N1 2.3.4.4b, GS. Gregory C. Gray, Đại học Y khoa Texas (Mỹ), thông tin tại “Hội thảo Khoa học Một Sức Khoẻ: Thực tiễn quốc tế và Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” ngày 16/10.

Tại Việt Nam, đầu tháng Tư năm nay, Cục Thú Y và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã kêu gọi cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm virus HPAI khi phát hiện chủng virus tái tổ hợp trên gà và ngan. Kết quả phân tích giải trình tự gen chuyên sâu các chủng virus cúm gia cầm A(H5N1) được lấy mẫu từ các chợ buôn bán gia cầm sống và ổ dịch trong hai năm 2022 và 2023 cho thấy virus cúm gia cầm A(H5N1) thuộc hai chủng 2.3.2.1c và 2.3.4.4b tiếp tục lưu hành tại Việt Nam, trong đó chủng virus 2.3.4.4b được tìm thấy tại các địa phương khác nhau trên toàn quốc. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 129 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao loại A(H5N1), trong đó có 65 trường hợp tử vong [2].

Để tìm hiểu thêm về khả năng lây nhiễm từ động vật sang người của virus H5N1 độc lực cao, GS. Gray và các cộng sự đã tiến hành hai nghiên cứu trên các trang trại bò sữa tại bang Texas, Mỹ. Kết quả, 7/24 mẫu dịch mũi (29%) từ những con bò bệnh ở một trang trại có bằng chứng phân tử về cúm A(H5N1) độc lực cao. Virus này phát triển trong các tế bào MDCK, MDBK, Vero E6 và trứng gà và mang một đột biến PB2-M631L giúp tăng khả năng nhân bản trong tế bào người. Trong một nghiên cứu ở hai trang trại khác đang trong quá trình phục hồi sau dịch H5N1 độc lực cao trên gia súc, các nhà khoa học phát hiện vẫn còn H5N1 độc lực cao trong 64% (9/14) mẫu sữa và 2,6% (1/39) mẫu dịch mũi của bò.

Từ tháng 02/2024, Mỹ đã trải qua một đợt bùng phát HPAI nghiêm trọng trong đàn bò sữa. Nguồn: Dairy Report
Từ tháng 2/2024, Mỹ đã trải qua một đợt bùng phát HPAI nghiêm trọng trong đàn bò sữa. Nguồn: Dairy Report

GS. Gray cho biết các chủng H5N1 mà nhóm nghiên cứu phân lập được có nhiều đột biến liên quan đến khả năng lây nhiễm từ động vật sang người. 14,3% (2/14) công nhân tại các trang trại có triệu chứng gần đây và có kháng thể trung hòa cao đối với một chủng H5N1 liên quan. Bên cạnh đó, nhiều trang trại bò sữa bị ảnh hưởng bởi H5N1 độc lực cao đã báo cáo các trường hợp chim và mèo chết liên quan đến bò sữa bị bệnh. Trong đó, số lượng chim chết gia tăng được phát hiện tại các khu vực chăn nuôi, và mèo được cho là nhiễm bệnh do uống sữa hoặc ăn xác chim chết. Mèo nhiễm bệnh biểu hiện các triệu chứng thần kinh, chảy dịch mũi, và tổn thương nghiêm trọng ở não, phổi và gan.

Theo GS. Gray, cách tiếp cận phòng chống dịch H5N1 ban đầu của Mỹ là kiểu “đập chuột chũi” – ổ dịch nào bùng phát thì xử lý ổ dịch đó, trong khi về lý thuyết, nước này có đủ thời gian để phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa lây lan. “Đây là một phương pháp rất kém hiệu quả”. Ông chỉ ra một số vấn đề trong quy trình phòng chống dịch của Mỹ, bao gồm thiếu lòng tin giữa các trang trại chăn nuôi và cơ quan chính phủ và không có hệ thống giám sát hiệu quả để phát hiện mầm bệnh mới tại các trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, nước này còn phản ứng chậm trễ do 16 cơ quan liên bang chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm (theo ước tính của GS. Gray) đã mất quá nhiều thời gian thảo luận về vai trò của mỗi bên.

Trước tình trạng này, nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã kêu gọi áp dụng tiếp cận Một sức khỏe (One Health), theo đó thừa nhận sức khỏe của con người, động vật nuôi, động vật hoang dã, thực vật và môi trường (bao gồm các hệ sinh thái) có mối liên kết chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau, tức là bảo vệ sức khỏe của một đối tượng đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe của tất cả các đối tượng còn lại trong hệ sinh thái. Phương pháp này huy động các ngành, lĩnh vực và cộng đồng khác nhau ở các cấp độ trong xã hội để hợp tác, nâng cao phúc lợi và giải quyết các mối đe dọa về sức khỏe.

Từ đó, Chính phủ liên bang Mỹ đã có những biện pháp can thiệp như tăng cường an ninh sinh học tại các trang trại, kiểm tra tại lò mổ đối với bò sữa, tổ chức các chương trình giáo dục cho người chăn nuôi hay giám sát xử lý nước thải. Bò sữa bị bệnh cũng được xét nghiệm miễn phí tại các phòng thí nghiệm của Bộ Nông nghiệp Mỹ, và Chính phủ đã tăng cường dự trữ vaccine H5N1 cho bò sữa và người. Ngoài ra, sản phẩm sữa bò và quá trình tiệt trùng sữa được kiểm soát chặt chẽ. Trong tương lai, GS. Gray kỳ vọng những người làm việc với gia súc, gia cầm và vật nuôi sẽ được tiêm vaccine H5N1.

---