Tại Đài Loan, Quốc Tính Gia (Koxinga) thường được người dân, nhất là từ các cộng đồng ven biển, thờ phụng như một vị thần bảo hộ của cả hòn đảo. Ở bên kia eo biển, ông cũng được ca tụng nhưng với tên là Trịnh Thành Công và không mang màu sắc tín ngưỡng.

Trịnh Thành Công (鄭成功, 1624 – 1662) là nhà lãnh đạo quân sự, chính trị kiệt xuất của triều Nam Minh (1644 – 1662). Ông sinh tại thành phố Hirado thuộc Nagasaki, Nhật Bản; có cha là Trịnh Chi Long1 (1604 – 1661, một thương nhân/hải tặc lừng lẫy) và mẹ là người Nhật (nhưng nguyên quán ở Trung Quốc). Ông đã dành gần 16 năm cuối đời để tổ chức kháng chiến chống nhà Thanh (1636 – 1911) nhưng không thành công, phải đưa gia quyến và tùy tùng vượt biển sang Đài Loan, sau đó đánh bại lực lượng đồn trú của Công ty Đông Ấn Hà Lan và thành lập Vương quốc Đông Ninh (1661 – 1683). Sau khi ông mất (vì bệnh ở tuổi 38), cơ nghiệp được con trai trưởng Trịnh Kinh (1642 – 1681) lên kế tục cho đến khi bị tướng Thi Lang (1621 – 1696) vâng lệnh Khang Hi Đế (1654 – 1722) mang quân sang tiêu diệt vào năm 1683.

Tượng Trịnh Thành Công tại đảo Cổ Lang, Hạ Môn (Phúc Kiến). Ảnh: Wikimedia

Vì nhiều lý do mà một số lực lượng đối lập trong lịch sử đều gọi Trịnh Thành Công là anh hùng, nhưng với những phiên bản câu chuyện hay lời tường thuật khác nhau. Đối với Trung Quốc Đại lục, ông đơn thuần chỉ là một danh tướng và anh hùng dân tộc – người đã công phá pháo đài Zeelandia (nay là thành cổ An Bình ở Đài Nam) do thực dân Hà Lan2 thiết lập và giành lại Đài Loan cho Trung Quốc vào năm 1661. Khi vinh danh ông, họ muốn truyền đạt thông điệp tới người Đài Loan là hãy “trở về với đất mẹ”. Tuy nhiên, giới sử học ở bên kia eo biển lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược: Quốc Tính Gia là cha đỡ đầu của một Đài Loan tự do và được người dân đảo quốc thờ phụng như một vị thần (không ai dám gọi thẳng tên ông mà chỉ dùng Quốc Tính Gia). Ông là một nhà tiên phong khai phá hơn là gánh vác sứ mệnh phục quốc, thu hồi lãnh thổ. Ngay như trận Zeelandia, theo các sử gia Đài Bắc, đoàn tàu chiến của Quốc Tính Gia đã xuất phát từ đảo Ilha Pescadores (Bành Hồ) để tìm kiếm lương thực, bị sóng đánh dạt vào Zeelandia thì dừng chân và cầu nguyện Thiên Hậu Thánh Mẫu (Ma Tổ)3. Cuộc chiến giành lấy Đài Loan do đó chỉ là sự tình cờ; nếu người Hà Lan tỏ ra thân thiện và hào phóng hơn trong việc cung cấp lương thực, nước uống cho người của Quốc Tính Gia thì có lẽ họ vẫn còn ở đó thêm nhiều năm nữa.

Trường Đại học Quốc lập Thành Công (NCKU) ở Đài Nam, một trong 5 trường danh giá nhất Đài Loan, được đặt theo tên của Trịnh Thành Công.

Sự khác biệt trong cách hiểu và diễn dịch về Quốc Tính Gia/Trịnh Thành Công cũng đại diện cho thái độ của mỗi bên về vấn đề chủ quyền Đài Loan lẫn tương lai của hòn đảo. Ở Đại lục chỉ có một nơi tưởng niệm duy nhất dành cho Trịnh Thành Công là tại đảo Cổ Lang thuộc Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) – đối diện với đảo Kim Môn (chỉ cách 2 km) hiện vẫn do Đài Loan kiểm soát. Ông được tạc tượng giống như một viên tướng trẻ mặc giáp, mày râu nhẵn nhụi và sẵn sàng ra trận. Còn tại Đài Loan, Quốc Tính Gia hiếm khi nào được mô tả như một võ tướng; các bức họa thường vẽ ông trong hình hài của một quý tộc thời Minh (1368 – 1644) ăn vận quan phục và để râu – thể hiện sự chín chắn, nghiêm túc. Trong lúc Bắc Kinh muốn tôn vinh một chiến binh đã hoặc sẽ chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực thì dân gian Đài Loan lại chỉ cần một vị thánh bảo hộ, ban phước lành và mở ra cho họ một chương lịch sử mới.

Dưới thời Nhật Bản còn cai trị Đài Loan (1895 – 1945)4, Quốc Tính Gia cũng được vinh danh như là cầu nối văn hóa giữa hai dân tộc. Sau khi chạy khỏi đại lục (1949), Quốc Dân Đảng Trung Hoa lại coi ông như một nhà ái quốc chỉ tạm thời rút về Đài Loan để làm bàn đạp phản công nhà Thanh, đồng thời so sánh ông với Tưởng Giới Thạch (1887 – 1975). Hiện nay, những người thuộc phong trào ủng hộ Đài Loan độc lập thường bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tinh thần không chịu khuất phục của Quốc Tính Gia và tin rằng đó chính là phẩm chất khiến hòn đảo trở nên khác biệt trước Trung Quốc.

Trong văn hóa đại chúng, Trịnh Thành Công còn là nguồn cảm hứng để các nhà phát triển xây dựng một trong số 32 nhân vật lịch sử của game thể loại nhập vai Romance of the Three Kingdoms XI (Tam Quốc Chí) do hãng Koei phát hành. Vở kịch Quốc Tính Gia Hợp Chiến (Kokusen’ya Kassen) do tác giả Chikamatsu Monzaemon viết từ thế kỷ XVIII cũng nhiều lần được trình diễn tại Nhật Bản. Năm 2001, bộ phim điện ảnh Trịnh Thành Công do diễn viên Triệu Văn Trác thủ vai chính cũng được công chiếu và nhận nhiều bình luận trái chiều.