Các nhà khoa học tại phòng thí Harmo Lab thuộc Đại học Hokkaido (Nhật Bản) đã cho ra đời một AI viết thơ haiku có tên là Issa-kun.

Haiku là một thể thơ cổ điển cực ngắn của Nhật Bản, một bài chỉ có ba câu, gồm mười bảy âm tiết (5-7-5) dài không quá mười hai, mười ba từ, không chấm câu, không đề. Nội dung thường mô tả thiên nhiên bốn mùa và bày tỏ nội tâm cá nhân.

Dự án này bắt đầu từ năm 2017. Các nhà nghiên cứu đã đào tạo mô hình ngôn ngữ của Issa-kun bằng bộ dữ liệu gồm một phần là các bài haiku của những thi sĩ bậc thầy như Kyoshi Takahama và Issa Kobayashi (AI được đặt theo tên của nhà thơ này).

Các thành viên của nhóm nghiên cứu. Ảnh: Harmo lab
Các thành viên của nhóm nghiên cứu. Ảnh: Harmo Lab

Dạng ban đầu của mô hình (Issa-kun bé) phân tích dữ liệu (haiku) chỉ viết bằng chữ hiragana rồi tạo ra các cụm từ bằng chữ hiragana, vì thế một số cụm từ được tạo ra không được mạch lạc.

Còn mô hình cải tiến hơn (Issa-kun lớn) được cho phân tích dữ liệu bằng chữ kanji.

Trong hệ thống chữ viết tiếng Nhật có tới 3 loại chữ khác nhau: chữ Kanji (bắt nguồn từ Hán tự), Hiragana (là kiểu chữ âm tiết truyền thống của tiếng Nhật) và Katakana (được sử dụng để ghi phiên âm các từ mượn nước ngoài).

Tuy nhiên, do ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, từ ngữ mà các nhà thơ cổ sử dụng có điểm khác biệt với thời nay, nên Issa-kun lớn gặp một số rắc rối với kanji. Hơn nữa, khi sáng tác thơ, con người ta bắt đầu với cảm xúc và thông điệp trước khi lựa chọn từ ngữ đắt nhất để truyền đạt tâm tưởng. Còn Issa-kun chỉ bắt chước các mối liên hệ giữa từ ngữ từ dữ liệu đào tạo. Vì thế, tuy AI này có thể tạo ra các cụm từ mạch lạc, song không phải bài nào cũng có giá trị thơ ca.

Để khắc phục những nhược điểm này, nhóm nghiên cứu đã nhờ trợ giúp từ các cộng đồng thơ haiku. Họ đã tham gia (và tổ chức) các buổi họp mặt về haiku, cùng những sự kiện liên quan tới thơ ca hay haiku. Nhờ thế, Issa-kun được học các bài haiku từ những nhà thơ đương đại. Người tham gia cũng nhận xét các đoạn thơ mà Issa-kun viết ra. Từ đây, nhóm nghiên cứu có thể đánh giá mô hình và loại bỏ những đoạn thơ không hay.

“Cuộc thi haiku với chủ đề tình yêu do AI tạo ra” (恋のAI俳句選句対決 ) đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Matsuyama, thủ phủ của thơ haiku, vào năm 2019. Những người tham gia đã xem khoảng 300 bài haiku với chủ đề tình yêu do Issa-kun tạo ra và cuối cùng bình chọn cho đoạn thơ hay nhất. Ảnh: Harmo lab
“Cuộc thi haiku với chủ đề tình yêu do AI tạo ra” (恋のAI俳句選句対決 ) đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Matsuyama, thủ phủ của thơ haiku, vào năm 2019. Những người tham gia đã xem khoảng 300 bài haiku với chủ đề tình yêu do Issa-kun tạo ra và cuối cùng bình chọn cho đoạn thơ hay nhất. Ảnh: Harmo lab

Năm 2018, một đài truyền hình đã mời nhóm nghiên cứu cùng Issa-kun thi làm thơ haiku với con người. Điều này thúc đẩy việc tinh chỉnh AI, để rồi cuối cùng Issa-kun có thể tạo ra bài haiku theo chủ đề từ hình ảnh – tuy vẫn cần sự can thiệp của con người để đánh giá chất lượng sản phẩm.
Bài haiku do Issa-kun (phải) sáng tác từ hình ảnh (trái). Ảnh: Harmo lab
Bài haiku do Issa-kun (phải) sáng tác từ hình ảnh (trái). Ảnh: Harmo lab

Theo các nhà nghiên cứu, họ tạo ra Issa-kun với ý định biến nó thành công cụ giúp đỡ con người trong việc sáng tác, giống như một số nhạc sĩ hiện nay dùng bộ nhạc cụ điện tử tổng hợp thay vì nhạc cụ thật.