Nhận thức ngoại cảm (ESP) vi phạm sự hiểu biết của chúng ta về các nguyên lý khoa học cơ bản. Tuy nhiên, các ước tính cho thấy khoảng 2/3 người dân Mỹ tin vào sự tồn tại của nó, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Europe’s Journal of Psychology vào năm 2019. Ngay cả trong giới học thuật, ESP đã tạo nên một cuộc tranh luận khoa học nghiêm túc.
Theo trang web của Đại học Canterbury ở New Zealand, sự hứng thú của con người với ESP bắt nguồn từ phong trào duy linh ở Anh và Mỹ vào thế kỷ 19. Khi đó, các thành viên của tầng lớp thượng lưu thường tổ chức các buổi lễ gọi hồn (séances) nhằm cố gắng giao tiếp với người đã khuất thông qua các dụng cụ và phương tiện. Đến cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học và các nhà tư tưởng bắt đầu tham gia vào những hội nhóm không chỉ quan tâm đến việc giao tiếp với các linh hồn mà còn quan tâm đến một loạt các hiện tượng huyền bí khác, bao gồm thần giao cách cảm và thôi miên. Năm 1882, Hội Nghiên cứu Tâm linh đã ra đời tại London (Anh), và một tổ chức tương tự đã được thành lập tại Mỹ vào năm 1885. Cả hai tổ chức này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Thuật ngữ “nhận thức ngoại cảm” không được sử dụng rộng rãi cho đến những năm 1930, khi nhà tâm lý học J.B. Rhine tại Đại học Duke (Mỹ) mở một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về giác quan thứ sáu. Ông trở nên nổi tiếng với các thí nghiệm liên quan đến một bộ bài gồm 25 tấm thẻ Zener [các tấm thẻ này do nhà tâm lý học Karl Zener thiết kế]. Mỗi tấm thẻ in hình một trong năm biểu tượng: vòng tròn, dấu cộng, hình vuông, ngôi sao và ba đường lượn sóng đặt cạnh nhau.
Rhine yêu cầu những người tham gia nghiên cứu xác định biểu tượng trên mỗi tấm thẻ bài mà không trực tiếp nhìn thấy nó. Về mặt lý thuyết, một người bình thường có 1/5 cơ hội, hoặc 20% cơ hội đoán đúng biểu tượng trên mỗi tấm thẻ bài. Tuy nhiên, Rhine phát hiện mọi người luôn đoán đúng với xác suất lớn hơn 20%. Dựa trên kết quả này, ông phỏng đoán rằng mình đã tìm ra bằng chứng về ESP. Ông xuất bản công trình nghiên cứu của mình trong cuốn sách có tựa đề “Extrasensory Perception” (Nhận thức ngoại cảm) vào năm 1934.
Nghiên cứu của Rhine đã thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực cận tâm lý học mới. Năm 1957, ông thành lập Hiệp hội Cận tâm lý học, một tổ chức chuyên nghiên cứu các trải nghiệm tâm linh, và tổ chức này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Kể từ khi lĩnh vực cận tâm lý học ra đời, một số nhà khoa học đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để điều tra sự tồn tại của ESP. Từ năm 1972 đến năm 1995, CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) chi tổng cộng 20 triệu USD cho các nỗ lực nghiên cứu liên quan đến ESP tại Viện Nghiên cứu Stanford, theo một bài báo đăng trên tạp chí SAGE Open vào năm 2015. Chương trình này, sau đó có biệt danh là “Stargate”, đã khai thác khả năng tâm linh nhằm phục vụ mục đích quân sự và tình báo trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh.
Vào thập niên 1970, giới khoa học bắt đầu tiến hành các thí nghiệm Ganzfeld nhằm chứng minh khả năng thần giao cách cảm của con người, trong đó những người tham gia sẽ ngồi trong phòng tối, bịt mắt và lắng nghe tiếng ồn trắng. Mục đích là để loại bỏ kích thích giác quan của những người tham gia, giúp họ dễ dàng tập trung vào các thông điệp ESP hơn.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia thí nghiệm tập trung vào bất kỳ hình ảnh nào xuất hiện trong tâm trí của họ, trong khi một “người gửi” ngồi ở căn phòng khác xem một hình ảnh ngẫu nhiên và cố gắng truyền thông tin cho người tham gia. Sau đó, những người tham gia sẽ xem một bộ hình ảnh, một trong số đó là hình ảnh mà người gửi cố gắng truyền đạt. Nếu họ lựa chọn chính xác hình ảnh này, họ đã có một “lựa chọn đúng”.
Tương tự kết quả nghiên cứu trước đó của Rhine, những người tham gia lựa chọn đúng hình ảnh với tỷ lệ cao hơn so với xác suất thông thường dựa trên cơ hội, theo một nghiên cứu đánh giá tổng hợp về kết quả của hàng chục thí nghiệm Ganzfeld được công bố trên tạp chí American Psychologist vào năm 2018.
Ngày nay, nghiên cứu về ESP xuất hiện cùng với nghiên cứu tâm lý học chính thống trên các tạp chí nổi tiếng được bình duyệt ngang hàng, bao gồm American Psychologist và Journal of Personality and Social Psychology.
Tranh cãi khoa học về ESP
“Trong khoa học, nếu bạn khám phá ra điều gì đó và tuyên bố nó là sự thật, thì các nhà khoa học khác theo quy trình tương tự cũng sẽ tìm ra kết quả tương tự”, James Alcock, giáo sư tâm lý học tại Đại học York ở Toronto, cho biết. “Nhưng điều này không xảy ra với ESP”.
Đôi khi một số kết quả nhất định – chẳng hạn như kết quả từ các thí nghiệm Ganzfeld – có vẻ như lặp lại. Nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng các nghiên cứu này, chúng ta sẽ thấy những khác biệt nhỏ trong cả phương pháp và kết quả. Ví dụ, nhiều nghiên cứu phát hiện thí nghiệm ganzfeld có hiệu quả với các bức ảnh, trong khi một số nghiên cứu khác bổ sung thêm video và phát hiện những người tham gia đoán chính xác video nhưng không đoán đúng ảnh. “Dường như không ai có thể lặp lại chính xác cùng một thí nghiệm và thu được kết quả giống hệt nhau”, Alcock cho biết.
Thêm vào đó, các kết quả dường như cung cấp bằng chứng cho ESP không khác biệt nhiều so với xác suất đoán đúng dựa trên cơ hội về mặt lý thuyết. Trong một thí nghiệm gây tranh cãi của giáo sư tâm lý học Daryl Bem tại Đại học Cornell (Mỹ) được công bố trên tạp chí The Journal of Personality and Social Psychology vào năm 2011, tỷ lệ những người tham gia đoán đúng hình ảnh và video chỉ cao hơn 3% so với xác suất ngẫu nhiên. Những người hoài nghi cho rằng đây là một sự khác biệt nhỏ, có thể xảy ra do phương pháp luận sai lầm và các phân tích thống kê không phù hợp.
Dù vậy, vẫn có rất nhiều người tin vào ESP, và họ thường trích dẫn các giai thoại và kinh nghiệm cá nhân để làm bằng chứng cho hiện tượng này. Ví dụ, một số người tuyên bố luôn có thể cảm nhận khi nào một thành viên cụ thể trong gia đình sắp gọi điện.
Tuy nhiên, các thành kiến nhận thức của con người đã được giới khoa học biết rõ có thể giải thích cho hiện tượng này, theo một bài báo đăng trên tạp chí Journal of Cognitive Neuroscience vào năm 2008. Con người luôn có xu hướng tìm kiếm hoặc nhận ra sự liên kết, sự tương quan trong một chuỗi các sự kiện ngẫu nhiên. Ví dụ, khi người bạn thân nữ của bạn gọi điện ngay sau khi bạn nghĩ về cô ấy, bạn sẽ có cảm giác như giác quan thứ sáu của mình đang hoạt động, mặc dù hai sự kiện trên nhiều khả năng xảy ra do trùng hợp ngẫu nhiên.
Mọi người cũng luôn tìm kiếm các ví dụ để hỗ trợ cho niềm tin mà họ đang nắm giữ – một hiện tượng gọi là thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias). Dù cố ý hay trong vô thức, họ sẽ bỏ qua các bằng chứng trái ngược, chẳng hạn như hàng nghìn lần người bạn thân gọi điện trong khi bạn không nghĩ đến cô ấy, hoặc những lần bạn nghĩ đến người bạn thân nhưng cô ấy không gọi.