Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ nhất vừa công bố danh sách chín nhà khoa học Việt Nam có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được vinh danh.
Tương tự như giải thưởng
Quả cầu Vàng dành cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam (dưới 35 tuổi) thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, Khuê Văn Các cũng là giải thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhưng dành cho các nhà khoa học trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Giải thưởng được trao cho sáu lĩnh vực: Luật học; Giáo dục học; Kinh tế học; liên ngành Văn hóa-Nghệ thuật; liên ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học; và liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học.
Theo quy tắc, hằng năm, giải thưởng sẽ xét tặng tối đa cho 10 cá nhân xuất sắc, dưới 35 tuổi, đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong nước hoặc nước ngoài.
Tiêu chí lựa chọn các cá nhân xuất sắc bao gồm: tác giả/đồng tác giả của các công trình khoa học có giá trị, đóng góp tích cực vào sự phát triển khoa học xã hội và nhân văn; ứng dụng kết quả các công trình nghiên cứu vào thực tiễn, có sức lan tỏa giá trị tốt đẹp đến thanh thiếu nhi và xã hội; có các công trình nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn của Việt Nam hay được ứng dụng tại Việt Nam…
Năm nay, trong lần đầu tổ chức, Giải thưởng đã nhận đươc 55 hồ sơ (46 hồ sơ hợp lệ, 9 hồ sơ không hợp lệ), trong đó hầu hết ứng viên đang làm việc tại Việt Nam, chỉ có hai người công tác tại nước ngoài (Nga và Anh).
Xét theo học vị, có 25 người là tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 12 cử nhân và ba sinh viên
Số ứng viên dưới 30 tuổi chiếm hơn 30%. Ứng viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2004 (20 tuổi).
Kết quả, ngày 14/11, Ban tổ chức đã chọn ra chín ứng viên để trao giải, đó là:
• ThS. Trần Linh Huân (1992), giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM (Ngành Luật học)
• ThS. Tạ Thanh Trung (1998), Phó Trưởng phòng Đào tạo, Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Giáo dục Sài Gòn (Ngành giáo dục học)
• TS. Phan Tấn Lực (1991), giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Kinh tế Tài chính, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương (Ngành kinh tế học)
• TS. Lê Trần Phước Mai Hoàng (1992), giảng viên Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM (Ngành kinh tế học)
• ThS. Hoàng Hữu Phước (1992), Phó Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (Liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật)
• TS. Phan Duy Anh (1990), giảng viên Bộ môn Lý luận Chính trị, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM (Liên ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học)
• ThS. Nguyễn Hữu Hoàng (1993), nghiên cứu sinh, Đại học Xã hội Quốc gia Nga (Liên ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học)
• TS. Lý Viết Trường (1994), nghiên cứu viên, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội (Liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học)
• TS. Nguyễn Vũ Kỳ (1990), Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế - Chính trị Nhật Bản, Khoa Nhật Bản học,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia TPHCM (Liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học)
Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)