Cuộc thi đã tổ chức trao giải vào ngày 10/4 vừa qua tại Hà Nội.
Mặc dù là cuộc thi đầu tư chứng khoán đầu tiên sử dụng công nghệ giả lập, giải đấu đã thu hút được gần 1.600 thí sinh thi đấu, đến từ 128 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Trong số đó không chỉ có những trường với truyền thống giảng dạy về kinh tế - tài chính mà còn nhiều trường chuyên về luật, công nghệ, khoa học, kỹ thuật,...
Tính đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/01, giải đấu đã diễn ra sôi động tới phút cuối với gần 14.600 lượt giao dịch trên cả hai thị trường chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh. Cá biệt, có thí sinh đã thực hiện hơn 470 giao dịch trên một thị trường trong hơn một tháng thi đấu.
Dù các nhà đầu tư sinh viên đa phần chưa từng có kinh nghiệm đầu tư thực tiễn, nhưng kết quả lợi nhuận thu được vô cùng ấn tượng. Trung bình, tỷ lệ giao dịch có lợi nhuận trên mỗi thị trường cơ sở và phái sinh lần lượt vào khoảng 64 và 67%.
Tỷ lệ lợi nhuận cao nhất của cá nhân trên thị trường phái sinh là 114,85%. Con số này ở thị trường cơ sở là 69,08%. Đặc biệt, thí sinh đứng đầu bảng xếp hạng thị trường cơ sở đạt kỷ lục với duy nhất 3 lần thực hiện giao dịch, lội ngược dòng và đứng đầu bảng xếp hạng chung cuộc.
BTC cho biết mặc dù chứng khoán phái sinh là một khái niệm "mới mẻ" với nhiều người Việt Nam nhưng thị trường này lại thu hút được sự tham gia lớn hơn của các thí sinh.
Sinh viên Lê Thị Ngọc Ánh (ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) là người giành giải nhì chung cuộc của thị trường phái sinh. Mặc dù chưa từng có bất kì kiến thức đầu tư tài chính nhưng em đã cùng một người bạn bước vào cuộc thi theo cách vừa tìm tòi vừa chỉ bảo lẫn nhau.
"Trước đây, nghe mọi người nói đến chứng khoán nhưng em chưa có hứng thú và là sinh viên cũng không có tiền nên chẳng dám đầu tư. Tuy nhiên, tiền vốn giả lập và thị trường mô phỏng 'gần như thật' đã tạo cơ hội để chúng em có dũng khí tham gia và hiểu hơn cách vận hành thị trường chứng khoán," Ngọc Ánh chia sẻ. "Giờ đây đã có một chút tích lũy, có lẽ em sẽ học hỏi thêm để lúc nào đó bước chân vào thị trường thật. Em biết thị trường thật sẽ khó hơn rất nhiều, bởi mỗi quyết định đưa ra đều gắn với đồng tiền thực sự của mình."
Ngược lại, sinh viên Đào Thanh Tuấn (Khoa Kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), người đoạt giải toàn năng dẫn đầu trên cả hai thị trường, là một người đã có kinh nghiệm.
Tuấn từng biết đến thị trường ngoại hối (Forex) và tham gia một cuộc thi trước đó cho sinh viên mang tên "Bản lĩnh nhà đầu tư" (một cuộc thi chuyên về kiến thức kinh tế-tài chính, thuyết trình bảo vệ danh mục đầu tư và cũng sử dụng ứng dụng đầu tư giả lập iWin).
Tuy nhiên cậu thú nhận mình cũng phải nghiên cứu rất nhiều trước khi bắt tay vào đặt bất kì lệnh giao dịch nào. "Đấu trường này giúp em cải thiện yếu tố tâm lý, rèn tính kiên trì và kỉ luật khi thực hiện giao dịch", Tuấn nói.
Trong cuộc đua đến ngôi vị dẫn đầu, đã có lúc cậu dao động trước một đối thủ cạnh tranh ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thậm chí cân nhắc thay đổi danh mục đầu tư với kì vọng duy trì lợi thế. Cuối cùng, sau nhiều lần đấu tranh tâm lý và thử-sai, cậu rút ra được bài học đáng nhớ là, "muốn thành công thì phải đi con đường riêng của mình".
Bài học của Tuấn cũng khá giống với lời khuyên của ông
Trần Quang Bình, giám đốc chi nhánh SSI Mỹ Đình, khi được hỏi "làm thế nào để đầu tư sinh lời", "nên chọn
mã chứng khoán nào để đầu tư", "cách nhanh nhất để mua chứng khoán mang
lại lợi nhuận", "nên đặt khoản cắt lỗ nào để giảm rủi ro"...
"Hãy trải nghiệm," ông Bình nhấn mạnh. "Các bạn nên đi vào thị trường, mở một tài khoản ảo (hoặc tốt nhất là tài khoản thật), đặt các lệnh giao dịch và chịu mất tiền vài lần. Sau đó, hãy tự tìm hiểu vì sao mình bị mất. Như vậy, kinh nghiệm của các bạn sẽ lên rất nhanh", ông nói.
Đưa chứng khoán thành một chương trình phổ cập
PGS.TS Nguyễn Văn Định, phó chủ nhiệm Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội,
cho biết, sinh viên giờ đây may mắn hơn những thế hệ đầu tiên tham gia
vào thị trường chứng khoán Việt Nam cách đây 20 năm như ông vì đã có
những công cụ để tiếp cận thị trường gần như thật.
So sánh với thị trường chứng khoán Mỹ, nơi ít nhất 60% hộ gia đình có tài khoản chứng khoán để đầu tư và tham gia cấp vốn cho các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Văn Định cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Hiện nay, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam mới có gần 3 triệu tài khoản, một con số còn khá khiêm tốn và cần thúc đẩy hơn nữa. Trong tiến trình đó, giáo dục đóng vai trò quan trọng để thay đổi nhận thức, phổ cập tài chính và đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai.
"Chúng tôi tin rằng tất cả các trường đều phải đưa tinh thần đầu tư và các kiến thức nền về đầu tư tài chính vào trong chương trình giảng dạy của mình", TS. Nguyễn Văn Định khẳng định. Cuộc thi Student Traders League 2020 là minh chứng rõ ràng cho việc sinh viên từ những khối ngành ngoài kinh tế-tài chính cũng rất quan tâm đến đầu tư chứng khoán.
Hiện Khoa Quốc tế đang đưa vào những công nghệ giảng dạy mới, giúp sinh viên tiếp
nhận kiến thức một cách dễ dàng nhất.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán SSI cho biết sẽ tiếp tục tổ chức rất nhiều cuộc thi cho sinh viên và nhà đầu tư trên khắp cả nước để xây dựng cộng đồng, góp phần tạo ra những nhà đầu tư có kiến thức và kỹ năng, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh.