Bức tượng Shigir được tìm thấy ở Nga là tượng gỗ lâu đời nhất thế giới với niên đại cách đây hơn 12.000 năm. Nó lớn tuổi hơn nhiều so với bãi đá cổ Stonehenge ở Anh và kim tự tháp ở Ai Cập.

Càng quay ngược trở về quá khứ, các dữ liệu về khảo cổ học ngày càng thưa thớt dần. Nhiều vật liệu được con người sử dụng như gỗ, da, vải,…không thể tồn tại lâu dài và bị phân hủy theo dòng chảy bất biến của thời gian. Trong bối cảnh đó, sự tồn tại của bức tượng gỗ lâu đời nhất thế giới Shigir là một điều kỳ diệu.

Bức tượng gỗ Shigir lâu đời nhất thế giới. Ảnh: Wikimedia.

Bức tượng gỗ Shigir được phát hiện ở độ sâu 4m, trong đầm lầy than bùn Shigir thuộc dãy núi Ural, Nga, vào năm 1890. Do bãi than bùn có tính axit, kháng khuẩn, nên bức tượng gỗ không bị mục nát và còn tương đối nguyên vẹn sau nhiều thiên niên kỷ.

Tượng gỗ Shigir bao gồm mười mảnh gỗ ghép lại, cao khoảng 2,8m, có một khuôn mặt biểu cảm, mắt và chân tay giống như con người. Nó trông giống một cột vật tổ của người xưa [Vật tổ là một vật thể, ý niệm hay biểu tượng linh thiêng có ý nghĩa đối với một cộng đồng người nhất định].

Bức tượng được tạo hình và trang trí bằng dụng cụ thìa đá với các hoa văn hình học, chẳng hạn như chữ V, đường xương cá, đường thẳng, đường nguệch ngoạc, và nhiều nét vẽ trừu tượng khác. Các đường kẻ ngang bắt chéo ở trước ngực dường như đại diện cho xương sườn. Nếu các nét vẽ này là một thông điệp có mục đích thì tượng gỗ Shigir sẽ trở thành mật mã lâu đời nhất thế giới.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, tạo hình gò má cao và mũi thẳng trên mặt của bức tượng phần nào phản ánh hình dáng của cộng đồng người cổ đại đã tạo ra nó.

Năm 1914, Vladimir Tolmachev, nhà khảo cổ người Siberi, tiến hành đo đạc cẩn thận tất cả các mảnh vỡ của bức tượng và thông qua bản phác thảo, ông ước tính chiều cao nguyên gốc của nó là 5,3m. Một đoạn tượng dài khoảng 2m đã bị đánh cắp sau khi trải qua những biến động chính trị ở Nga vào thế kỷ 20. Phần còn lại của bức tượng hiện nay được trưng bày trong Bảo tàng Khu vực Sverdlovsk ở Nga.

Năm 1997, các nhà khoa học Nga kết luận bức tượng gỗ Shigir khoảng 9.750 năm tuổi sau khi sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ. Nhiều người trong cộng đồng khoa học khi đó đã bác bỏ phát hiện này. Họ khó có thể tin rằng các cộng đồng săn bắn hái lượm ở Ural và Siberia đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hoặc hình thành nền văn hóa của riêng họ vào thời điểm cách xa như vậy.

Mặc dù chúng ta không thể biết chính xác tượng gỗ Shigir được sử dụng vào mục đích gì, nhưng sự tồn tại của nó cho thấy năng khiếu nghệ thuật và sự khéo léo trong kỹ năng tạo hình, chạm khắc gỗ của người cổ đại.

Phân tích vào năm 1997 sử dụng mẫu vật ở phía ngoài của tượng gỗ Shigir, chịu tác động của điều kiện môi trường xung quanh và các nỗ lực bảo quản của con người. Vì vậy, một nhóm các nhà khoa học khác đã tiến hành một phân tích kỹ lưỡng hơn vào năm 2018. Họ sử dụng công nghệ phổ khối gia tốc (AMS) để xác định niên đại của mẫu vật nằm ở bên trong lõi bức tượng, và phát hiện nó gần 11.600 năm tuổi.

Trong bài báo được công bố trên tạp chí Quaternary International vào đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu bao gồm Thomas Terberger tại Đại học Gottingen (Đức), Mikhail Zhilin tại Viện Khảo cổ học RAS (Nga) và Svetlana Savchenko tại Bảo tàng Khu vực Sverdlovsk (Nga) đã tiến hành các phân tích sâu rộng hơn về tượng gỗ Shigir. Họ kết luận bức tượng này thậm chí còn lâu đời hơn. Nó có niên đại cách đây khoảng 12.500 năm, sớm hơn 900 năm so với phân tích trước đó vào năm 2018.

Để so sánh, bãi đá cổ Stonehenge ở Anh được xây dựng cách đây 5.000 năm. Độ tuổi của kim tự tháp Ai Cập cũng chỉ khoảng 4.500 năm.

“Bức tượng gỗ Shigir được tạc từ thân của một cây thông rụng lá với 159 vòng sinh trưởng vào cuối kỷ Băng hà cuối cùng. Khi đó, khí hậu Trái đất có sự thay đổi lớn. Các khu rừng bắt đầu lan rộng trên khắp lục địa Á-Âu do nhiệt độ ngày càng ấm hơn”, Terberger cho biết. “Cảnh quan đã thay đổi và nghệ thuật – những thiết kế tượng hình và động vật hoang dã trước đó thường được vẽ trong hang động và chạm khắc trên đá – của người cổ đại cũng thay đổi theo và trở nên đa dạng hơn”.

Mặc dù chúng ta không thể biết chính xác tượng gỗ Shigir được sử dụng vào mục đích gì, nhưng sự tồn tại của nó cho thấy năng khiếu nghệ thuật và sự khéo léo trong kỹ năng tạo hình, chạm khắc gỗ của người cổ đại.

Bức tượng Shigir là bằng chứng cho thấy những người sống bằng hình thức săn bắn hái lượm cư trú ở Ural trong thời kỳ đồ đá giữa (Mesolithic) có cuộc sống tinh thần phong phú, phức tạp. Cho đến nay, đa số các đồ tạo tác thể hiện trình độ văn hóa và tâm linh của họ đã biến mất hoặc bị phá hủy do sự tàn phá của thời gian.

“Mặc dù những nghệ sĩ cổ đại sống trong các vùng rừng núi có nguồn cung cấp gỗ dồi dào vào thời kỳ đồ đá giữa, nhưng phần lớn tác phẩm nghệ thuật của họ cho đến nay đã không còn nữa. Bởi vì các tác phẩm bằng gỗ sẽ bị xuống cấp qua nhiều thế kỷ, trừ khi chúng được bảo quản trong điều kiện lý tưởng, chẳng hạn như đầm lầy than bùn”, Terberger giải thích.

“Chúng ta phải chấp nhận thực tế đó là các cộng đồng săn bắn hái lượm cũng có những nghi lễ phức tạp và khả năng thể hiện ý tưởng, nghệ thuật rất tinh vi”, Terberger nói. “Tất cả những điều này không bắt nguồn từ các xã hội canh tác nông nghiệp [hoặc từ nông dân] thời cổ đại mà bắt nguồn từ những người săn bắn hái lượm ở thời điểm sớm hơn nhiều”.

Có rất nhiều đầm lầy than bùn nằm rải rác ở khắp Ural, và một số nơi vẫn đang lưu giữ các đồ tạo tác bằng gỗ có niên đại từ hàng nghìn năm trước. Hầu hết chúng vẫn chưa được khám phá do các dự án thám hiểm, khai quật khá tốn kém và mất thời gian. Nhiều bí mật có lẽ vẫn nằm sâu trong lòng đất thêm một khoảng thời gian dài nữa.

“Bức tượng gỗ Shigir là một đồ vật đáng chú ý. Bức tượng nhắc nhở giới khoa học về một sự thật quan trọng, đó là việc thiếu các bằng chứng về nghệ thuật cổ đại không có nghĩa là nó chưa từng tồn tại. Thay vào đó, người cổ đại đã tạo ra các đồ vật nghệ thuật từ những vật liệu dễ hư hỏng, không thể chịu được thử thách của thời gian và do đó không thể xuất hiện trong hồ sơ khảo cổ”, João Zilhão, một học giả tại Đại học Barcelona, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.