Bác sĩ người Ý Sanctorio Sanctorius là người đầu tiên sử dụng nhiệt kế trong y học để đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân, nhằm xác định xem họ có bị sốt hay không. Tuy nhiên, nhiệt kế ông dùng là loại nhiệt kế không khí có độ chính xác không cao.

Hơn một năm qua, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiệt kế trở thành dụng cụ y tế không thể thiếu ở khắp nơi trên thế giới. Người ta dùng các loại nhiệt kế hiện đại để đo nhiệt độ cơ thể tại những cửa hàng, sân bay, bảo tàng, bệnh viện,…nhằm phát hiện người có dấu hiệu bị sốt, có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2. Một số loại camera ảnh nhiệt thậm chí có thể xác định nhiệt độ cơ thể người ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp với họ.

Hình minh họa nhiệt kế không khí của Sanctorius (bên phải), một loại nhiệt kế không có thang chia độ. Ảnh: Wellcome Collection.

Hiện tại, chúng ta biết rõ mối liên hệ giữa cơn sốt và nhiệt độ cơ thể tăng cao. Nhưng trong quá khứ, điều này không phải lúc nào cũng như vậy.

Sự khởi đầu của việc đo lường cơn sốt xảy ra cách đây hơn 400 năm. Vào đầu thế kỷ 17, nhà khoa học người Anh Robert Fludd đã tìm cách phát triển một thiết bị dùng để đo nhiệt độ. Trên bán đảo Ý, nhà bác học Galileo Galilei và người bạn thân của ông là Giovanni Francesco Sagredo cũng tiến hành các hoạt động sáng chế tương tự. Vì vậy, chúng ta không thể biết rõ ai là người đầu tiên đã chế tạo nhiệt kế.

Tuy nhiên, các nhà sử học thừa nhận rằng bác sĩ Sanctorio Sanctorius (1561 – 1636), một thành viên trong nhóm bạn bè ở thành phố Venice của Galileo, là người đầu tiên áp dụng nhiệt kế vào lĩnh vực y tế. Ông đã đưa phương pháp định lượng vào khoa học sự sống và được coi là cha đẻ của thí nghiệm định lượng hiện đại trong y học. Ông sử dụng nhiệt kế do mình tạo ra để đo thân nhiệt của bệnh nhân, nhằm xác định xem họ có bị sốt hay không.

Đây là điều khá mới mẻ. Mặc dù ngày nay chúng ta tin tưởng vào những con số và phép đo [đặc biệt là về vấn đề y tế], nhưng vào thời của Sanctorius, người ta không nghĩ rằng các vấn đề như sức khỏe hoặc bệnh tật có thể được ghi lại bằng con số, chứ chưa nói đến việc đo lường. Nói đúng hơn, mọi người chỉ dựa vào kinh nghiệm của các thầy thuốc và bác sĩ. Thông qua việc thường xuyên sờ trán bệnh nhân, họ có thể đánh giá mức độ tồi tệ của cơn sốt.

Bác sĩ Sanctorio Sanctorius. Ảnh: Wikimedia.

Các phép đo và quan niệm của Sanctorius về cơn sốt không phù hợp với cách hiểu hiện đại. Ông đã sử dụng sự giãn nở vì nhiệt của không khí trong nhiệt kế, thay vì chất lỏng giống như các nhiệt kế đo sốt truyền thống ngày nay.

Bởi vì không khí giãn nở và co lại do sự thay đổi của cả nhiệt độ và áp suất khí quyển, nên nhiệt kế không được bịt kín của Sanctorius nhạy cảm với cả hai yếu tố này. Do đó, các kết quả đo nhiệt độ cơ thể bằng nhiệt kế của Sanctorius sẽ bị sai lệch do ảnh hưởng của áp suất khí quyển.

Galileo và Sagredo đã nhanh chóng nhận ra điều này khi họ sử dụng nhiệt kế không khí của Sanctorius trong các nghiên cứu không liên quan đến lĩnh vực y tế. Họ nhận ra dữ liệu đo bất thường, nhưng hiện tượng áp suất khí quyển và tác động của nó vẫn còn chưa được giới khoa học biết đến vào thời điểm đó. Từ quan điểm ngày nay, những nhiệt kế như vậy có vẻ không hữu ích lắm. Nhưng vào thời của Sanctorius, đây là công cụ đầu tiên có thể sử dụng để thu thập thông tin về nhiệt độ nóng và lạnh mà không cần đến giác quan của con người.

Sau này, các nhà khoa học đã thay thế không khí trong nhiệt kế bằng một chất lỏng đựng trong ống thủy tinh đậy kín để tránh bị ảnh hưởng của áp suất khí quyển.

Mặc dù Sanctorius đã sử dụng thuật ngữ “temperamentum” trong tiếng La tinh để diễn tả nhiệt độ, nhưng quan niệm về nhiệt độ của ông rất khác so với ngày nay. Ông ủng hộ thuyết thể dịch (humoral theory) trong y học để giải thích cách thức cơ thể người hoạt động. Lý thuyết này cho rằng sức khỏe con người phụ thuộc vào tỷ lệ cân đối của bốn thể dịch trong cơ thể bao gồm: máu, đờm, mật đen và mật vàng. Những thể dịch này được gán cho bốn tính chất chính là nóng, lạnh, ẩm và khô. Sự cân bằng là điều rất quan trọng. Nếu một trong những tính chất chính của thể dịch quá mạnh hoặc quá yếu, nó có thể gây ra bệnh tật.

Theo thuyết thể dịch, một căn bệnh sẽ được chữa khỏi nếu chúng ta khôi phục sự cân bằng của bốn thể dịch. Điều này có thể đạt được thông qua một số phương pháp điều trị tương đối vô hại bao gồm tập thể dục, uống thuốc thảo dược và thay đổi chế độ ăn uống. Các phương pháp điều trị khác như rút bớt máu ra khỏi cơ thể, uống thuốc xổ,…có khả năng gây hại nhiều hơn là có lợi.

Khi Sanctorius sử dụng nhiệt kế, điều mà ông cố gắng làm là đo nhiệt độ nóng và lạnh trên da của bệnh nhân nhằm xác định sự thay đổi của bốn thể dịch trong cơ thể so với trạng thái cân bằng, khỏe mạnh. Từ đó, ông có thể chẩn đoán tình trạng sức khỏe của họ.

Trong suốt một thời gian dài, nhiệt độ cơ thể chỉ là một trong nhiều thông số cho phép các bác sĩ phân biệt giữa cơ thể khỏe mạnh và cơ thể đang nóng sốt. Các yếu tố khác như mạch đập, hô hấp, sắc thái của da, nước tiểu,…cũng biểu hiện đặc điểm của cơn sốt.

Vì vậy, mặc dù việc chẩn đoán và điều trị sốt là mối bận tâm của các bác sĩ thời Phục Hưng, nhưng họ không sử dụng rộng rãi nhiệt kế của Sanctorius trong thực hành y tế hằng ngày, do nhiệt độ tăng cao đơn giản không được coi là yếu tố chính của cơn sốt. Đối với các bác sĩ vào thời điểm đó, việc đo nhiệt độ cơ thể chỉ là thứ yếu.

Mãi đến thế kỷ 19, nhiệt kế đo sốt mới được sử dụng phổ biến trong hoạt động khám lâm sàng, cũng như trở thành dụng cụ y tế không thể thiếu trong các hộ gia đình. Ngày nay, người ta định nghĩa sốt là một dấu hiệu y khoa, đặc trưng bởi sự gia tăng nhiệt độ của cơ thể cao hơn khoảng dao động nhiệt độ bình thường từ 36,5°C đến 37,5°C, và sốt là một triệu chứng có thể gặp ở các bệnh khác nhau.