Khả năng kiểm soát việc học của chính mình, biết đồng cảm và hòa thuận với người khác, biết trân trọng thế giới rộng mở và sự đa dạng về quan điểm - đó là những kĩ năng mà các nhà giáo dục tân tiến trên khắp thế giới đang tìm cách giúp người học thấm nhuần, dù họ vẫn thường bị hạn chế bởi những hệ thống cứng nhắc và nặng về thi cử.

Những kỹ năng của thế kỷ 21 được nhiều nước xác nhận nhất: Giao tiếp; Sáng tạo; Tư duy phản biện; Giải quyết vấn đề. Nguồn: Trung tâm Giáo dục Toàn cầu tại Viện Brookings
Những kỹ năng của thế kỷ 21 được nhiều nước xác nhận nhất: Giao tiếp; Sáng tạo; Tư duy phản biện; Giải quyết vấn đề. Nguồn: Trung tâm Giáo dục Toàn cầu tại Viện Brookings

Tại nhiều nơi trên khắp thế giới, giáo viên và các nhà cải cách giáo dục đang tìm cách giúp học sinh “trở thành người kiến tạo cuộc sống của chính mình” theo như lời của Fernando Reimers, giám đốc chương trình Sáng kiến Đổi mới Giáo dục Toàn cầu (Global Education Innovation Initiative) tại ĐH Harvard.

Rebecca Winthrop, người đứng đầu Trung tâm Giáo dục Toàn cầu (the Center for Universal Education) tại Viện Brookings, cho biết cuộc bầu cử Mỹ đã chỉ ra rằng giáo dục cần vượt ra ngoài khuôn khổ kiến thức học thuật để giải quyết những chia rẽ gây ra bởi tự động hóa, thương mại tự do và những chuyển đổi kinh tế khác.

Reimers tán thành quan điểm này: Hãy trao cho trẻ những kĩ năng phù hợp, chúng có thể trở thành những công dân hữu ích và thực hiện lời hứa vĩ đại của thời kì Khai sáng. Theo đó “những người bình thường có thể tự mình cai trị, được hỗ trợ bởi lý trí và khoa học, bởi khả năng kết nối với những người khác để tự cải thiện bản thân và cộng đồng của mình, có như vậy mới giảm đi sự khổ đau của con người”. Khi không thể trao cho họ những kĩ năng để tham gia vào một nền kinh tế kĩ thuật số, liên kết chặt chẽ và thay đổi nhanh, họ sẽ tìm cách làm phân rã nền kinh tế đó.

Kỹ năng nào quan trọng nhất?

Trong suốt 25 năm qua, hầu hết các quốc gia phát triển đã và đang theo đuổi cải cách giáo dục dựa trên những tiêu chuẩn. Họ xây dựng những bài kiểm tra được chuẩn hóa đối với một số môn chính như toán và đọc, và tìm cách để buộc giáo viên chịu trách nhiệm về kết quả. Nhiều quốc gia hướng đến việc dạy các kĩ năng khác nhưng khi giá trị của một trường học hay của một giáo viên được đo lường bằng bài kiểm tra chuẩn hóa thì việc đáp ứng tiêu chuẩn đó hiển nhiên trở thành ưu tiên hàng đầu.

Nhưng bạn không thể suy nghĩ phản biện nếu không có kiến thức thấu đáo; bạn cũng không thể làm việc hiệu quả hay tham gia tranh luận xã hội nếu bạn không thể kiểm soát cảm xúc, hòa đồng với giáo viên và bạn bè hay nhẫn nại khi gặp tình huống khó khăn.

Nhận thức đó đang dần dẫn dắt một bộ phận giáo viên tới một phong trào sâu rộng hơn: giảm tập trung vào các bài kiểm tra chuẩn hóa và dạy nhiều hơn những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Singapore, đất nước vốn nổi tiếng về áp lực trong học tập, đang giảm tập trung vào điểm số, và coi trọng hơn các vấn đề như sự nỗ lực và sự tự tin. Ở Đan Mạch, sự đồng cảm là một nội dung của chương trình học.

Có khá nhiều các tranh luận vĩ mô về việc kỹ năng nào là quan trọng nhất.

Trong cuốn Becoming Brilliant: What Science Tells Us About Raising Successful Children (tạm dịch: Để trẻ giỏi giang: Điều khoa học dạy chúng ta về nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công), Kathy Hirsh-Pasek (ĐH Temple) và Roberta Golinkoff (ĐH Delaware) đã lập sơ đồ các kỹ năng quan trọng nhất và cách chúng hiện hữu trong các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ nhỏ. (Ví dụ, kỷ cương đối với một đứa trẻ 5 tuổi sẽ khác với một cậu bé tuổi teen.)

Họ gọi các kỹ năng này là “Sáu C”: Cộng tác (collaboration); Giao tiếp (communication); Nội dung (content); Tư duy phản biện (critical thinking); Cải tiến sáng tạo (creative innovation); và Sự tự tin (confidence).

Cuộc tranh luận về các kỹ năng không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ. Bà Winthrop (Viện Brookings) lên sơ đồ về một phong trào mà bà gọi là “Độ rộng của kỹ năng” trên toàn thế giới. Bà và các đồng nghiệp nghiên cứu 102 nước, và điều khiến bà ngạc nhiên là: “Sự thay đổi trong tư duy đã diễn ra rồi”, bà nói. Hàng loạt các quốc gia tuyên bố rằng khả năng giao tiếp và sáng tạo là những mục tiêu hàng đầu; tư duy phản biện và giải quyết vấn đề cũng được đề cập trong tuyên bố sứ mệnh, chương trình học, và các tài liệu về cải cách giáo dục (xem đồ họa). “Chúng tôi thực sự không biết rằng hầu hết các hệ thống giáo dục lại muốn đi theo hướng này.”

Các kỹ năng trở nên quan trọng không phải bởi các học giả nghĩ vậy. Một nghiên cứu cho thấy những trẻ thể hiện phẩm chất kiên trì và khả năng kiểm soát bản thân sẽ học giỏi hơn những trẻ có IQ cao hơn chúng. Thực tế công việc cũng không cần những người đạt điểm cao trong các bài thi chuẩn hóa, mà là những nhân lực có khả năng phân tích để kết hợp cùng người khác giải quyết vấn đề.

Hơn nữa, tự động hóa đang khiến vô số lao động mất việc làm, và rất ít người có cơ hội được đào tạo lại. Bà Winthrop cũng chỉ ra một sự sụt giảm đáng kể trong số lượng công việc yêu cầu các hoạt động lặp đi lặp lại, bao gồm cả kỹ năng cần có nhận thức như kế toán, và kỹ năng tay chân như làm việc trong dây chuyền sản xuất. Trong khi đó, những công việc phân tích không lặp lại, và các công việc đòi hỏi kỹ năng giao tiếp như điều dưỡng lại đang gia tăng nhu cầu.

Làm chủ nền giáo dục của chính mình

Viện nghiên cứu Trường học thuộc ĐH Chicago (The University of Chicago Consortium on School Research) định nghĩa tính tự chủ là “Khả năng một người tự quyết định và đóng vai trò chủ động trong cuộc sống của mình, hơn là trở thành một sản phẩm của hoàn cảnh của anh ta.” Khi Viện xây dựng khung nền cho sự thành công của lứa tuổi thanh niên, tính tự chủ là một yếu tố quan trọng.

“Mọi đứa trẻ cần biết thực hiện quyền làm chủ đối với nền giáo dục của chúng, và phát triển khả năng tự chủ để giải quyết vấn đề trong hiện tại, đó là cách duy nhất mà chúng có thể xử lý được các vấn đề lớn hơn trong tương lai,” trích lời Wendy Kopp, người sáng lập Teach for All, một hệ thống hỗ trợ tuyển dụng giáo viên và phát triển các nhà lãnh đạo về giáo dục tại địa phương.

Tính tự chủ bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Giáo viên hiểu rằng trẻ em phát triển tốt khi chúng đóng vai trò chủ động trong học tập; khi chúng biết và có thể tự chiêm nghiệm về quá trình học (siêu nhận thức và tư duy); và khi chúng có thể thấu hiểu người khác (sự đồng cảm).

Tại Khan Lab School ở Mountain View, California, học sinh tự chọn mục tiêu học tập, lên lịch trình để đạt được chúng, và tự học cùng với sự giúp đỡ của “người cố vấn”. Công nghệ số có mặt ở khắp mọi nơi, và trẻ được tín nhiệm để vận hành chúng.

“Khả năng tự chủ là yếu tố hàng đầu trong các hoạt động của chúng tôi”, bà Orly Friedman, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khan, cho hay.

Nếu chúng ta trao cho lũ trẻ quyền quyết định về thời gian, bà nói, thì đôi khi chúng sẽ lãng phí thì giờ, cũng hệt như người lớn. “Chúng tôi hiểu rằng phải có một sự đánh đổi hợp lý; giảm một chút hiệu quả để có được kết quả dài lâu trong việc học sinh tự chủ với nền giáo dục của mình, điều này là bình thường.” Theo bà, cho học sinh nhiều quyền lựa chọn giúp đảm bảo rằng chúng sẽ học tập suốt đời, đây là một yếu tố thiết yếu để có thể thích nghi với thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng.

Cho trẻ em đóng vai trò lớn hơn trong giáo dục có thể giúp tạo ra các nhà lãnh đạo tương lai, nhưng trẻ em cũng cần phải biết cách hòa đồng với người khác và hiểu quan điểm của người xung quanh.

Michele Borba, nhà tâm lý giáo dục và tác giả của cuốn “Unselfie: Tại sao những trẻ biết đồng cảm thành công trong thế giới vị kỷ của chúng ta” (Unselfie: Why Empathetic Kids Succeed in Our-All-About-Me World), viết rằng sự gia tăng của lòng tự ái và mất đi sự đồng cảm là những lý do chính tại sao gần một phần ba trẻ em ở Mỹ bị trầm cảm và hay gặp những hội chứng sức khỏe tinh thần hơn.

“Chính chúng ta cần giúp trẻ hiểu chúng là ai và làm thế nào để chúng phù hợp với thế giới,” bà Diane Robinson, Phó giám đốc Global Nomads - một mạng lưới ảo cho phép trẻ em kết nối, trò chuyện và học về sự đồng cảm, nhấn mạnh. Khi chiến tranh Iraq nổ ra, Global Nomads đã kết nối điện thoại để học sinh ở Iraq liên lạc với trẻ em ở Connecticut. Các học sinh Mỹ nói về việc cha của chúng phải tham gia một cuộc chiến mà chính họ cũng không hiểu rõ, còn trẻ em Iraq bày tỏ lo ngại về việc thành phố và nhà của mình bị đánh bom. Một thập kỷ sau, một số học sinh vẫn nhớ lại cuộc điện thoại đó và tầm quan trọng của việc xem xét quan điểm của người khác.

Theo Bộ Giáo dục Mỹ, một học sinh có năng lực toàn cầu là một người có thể đánh giá được thế giới xung quanh, xem xét các quan điểm, giao tiếp hiệu quả với các chủ thể khác nhau và thực hiện hành động.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các trường học của Mỹ, khái niệm “toàn cầu” lại mang hình thức một lễ hội ẩm thực diễn ra mỗi năm một lần. Chỉ có bốn tiểu bang của Mỹ ưu tiên một số loại năng lực văn hóa và năng lực toàn cầu.

Những người khác đang cố gắng tìm cách để nhân rộng nhận thức mang tính toàn cầu bằng cách xuất bản các tài liệu giảng dạy. Reimers (ĐH Harvard) và các đồng nghiệp của ông đã viết một chương trình có tính toàn cầu dành cho lứa tuổi từ mẫu giáo đến lớp 12 được gọi là Phát triển thế hệ công dân toàn cầu: Một khóa học quốc tế (Empowering Global Citizens: A World Course). Ban đầu nó được thiết kế độc quyền cho một trường tư thục ở thành phố New York, nhưng sau đó ông đã biến nó thành khóa học miễn phí. Khóa học dựa trên thực hiện dự án, mang tính liên ngành, có tính thực hành và khuyến khích tinh thần làm chủ - đó là tất cả các thuật ngữ nóng của giáo dục thế kỷ 21.

Reimers cho rằng chúng ta cần khóa học này bởi chúng ta đang trong thời điểm cố gắng để toàn cầu hóa phù hợp và dễ tiếp cận với nhiều người hơn, hoặc chúng ta có thể biến nó thành một hạt nhân của sự phân chia sâu sắc hơn và sự phá hủy tiềm tàng. “Sự việc diễn tiến theo hướng nào phụ thuộc vào những gì giáo viên làm,” ông viết.