Nhiều loài động vật và thực vật độc đáo, chỉ sinh sống ở những địa điểm thắng cảnh kỳ vĩ nhất thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng lên, theo một nghiên cứu khoa học mới được công bố trên tạp chí Biological Conservation (Bảo tồn Sinh học).

Một nhóm các nhà khoa học toàn cầu đã phân tích gần 300 điểm nóng đa dạng sinh học trên đất liền và trên biển. Đây là những địa điểm tập trung rất nhiều loài động thực vật đặc biệt. Nhiều điểm nóng trong số này có các loài 'đặc hữu', chỉ sinh sống ở duy nhất một vị trí địa lý, chẳng hạn như một hòn đảo hoặc một quốc gia.

Nhóm phát hiện, nếu hành tinh nóng lên thêm 3°C thì một phần ba số loài đặc hữu sống trên đất liền và khoảng một nửa số loài đặc hữu sống ở biển đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ở vùng núi, 84% số loài động vật và thực vật đặc hữu đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở mức gia tăng nhiệt độ này; trong khi trên các hòn đảo, con số lên đến 100%.

Ngoài việc tuyệt chủng hoàn toàn, 92% số loài đặc hữu trên đất liền và 95% số loài đặc hữu ở biển cũng phải đối mặt với những hậu quả rất tiêu cực, chẳng hạn như giảm thiểu về số lượng, nếu nhiệt độ tăng 3°C. Trong khi đó, các chính sách năng lượng và khí hậu hiện tại của hầu hết các quốc gia đang đưa thế giới đi theo hướng làm nhiệt độ nóng lên khoảng 3°C.

Báo tuyết Himalaya.

Những loài đặc hữu bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu bao gồm tất cả các loài vượn cáo chỉ tồn tại ở Madagascar; sếu xanh – vốn là loài chim quốc gia của Nam Phi; và báo tuyết, một trong những loài động vật độc đáo nhất của dãy Himalaya.

Nghiên cứu cho thấy, so với các loài phổ biến rộng rãi, tồn tại ở nhiều địa điểm, các loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao gấp 2,7 lần nếu tình trạng nhiệt độ tiếp tục tăng không kiểm soát. Do chỉ sống ở một nơi nhất định, và biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi môi trường sống riêng biệt duy nhất của chúng, các loài này chắc chắn sẽ biến mất khỏi Trái đất. Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng thì những nơi như các đảo Caribe, Madagascar và Sri Lanka có thể phải chứng kiến ​​hầu hết các loài thực vật đặc hữu của họ tuyệt chủng ngay sau năm 2050. Các vùng nhiệt đới cũng đặc biệt dễ bị tổn thương, với hơn 60% các loài đặc hữu nhiệt đới đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng dưới tác động của riêng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta duy trì được các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris - giữ cho nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2°C và lý tưởng hơn là ở mức 1,5°C thì phần lớn các loài này sẽ được cứu. Sẽ chỉ có 2% các loài đặc hữu trên đất liền và 2% các loài đặc hữu ở biển đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nếu nhiệt độ tăng 1,5ºC; tỷ lệ tuyệt chủng sẽ là 4% với cả hai nhóm loài nếu nhiệt độ tăng 2ºC.

Nguồn:

Media Climate Net,Biological Conservation