Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC năm 2013, tỷ phú Mỹ Warren Buffett cho rằng sai lầm của bố mẹ là đợi con đến tuổi thiếu niên mới dạy về tiền bạc. Ông cho rằng việc giáo dục tài chính nên bắt đầu sớm hơn từ mầm non vì thói quen tốt phải được hình thành từ nhỏ.
Ở quốc gia này, giáo dục về quản lý tiền bạc đã được lồng ghép trong các chương trình học. Tuy nhiên tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn là điều khá mới mẻ cả ở trong gia đình lẫn nhà trường.
Khoa học & Phát triển đã có cuộc trò chuyện với TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - một trong những người sáng lập “Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam” nhằm kết nối các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, người làm thực tiễn và chuyên gia hoạch định chính sách để đưa vấn đề giáo dục tài chính trở nên phổ biến hơn trong xã hội.
Là người đã theo đuổi lĩnh vực tài chính cá nhân trong một thời gian dài và có không ít kinh nghiệm, chị có thể chia sẻ những góc nhìn về việc giáo dục tài chính ở Việt Nam cũng như tầm quan trọng của nó?
Khi đi học tập tại nước ngoài và tham gia các hội thảo quốc tế, tôi nhận ra rằng giáo dục tài chính là một vấn đề cực kì quan trọng, liên quan đến trình độ hiểu biết và dân trí tài chính của cả một quốc gia. Nó ảnh hưởng không chỉ đến từng cá nhân mà cả hộ gia đình, doanh nghiệp, từ đó gây tác động đến nền kinh tế nói chung. Đó là một hiệu ứng lâu dài.
Tôi cũng nhận ra rằng lĩnh vực này ở Việt Nam có rất ít người nghiên cứu và đào tạo. Tại nhiều nước phát triển, các kiến thức và kỹ năng cơ bản về tài chính và quản lý tài chính đã được đưa vào chương trình giáo dục từ rất sớm, thậm chí là từ cấp mầm non, tiểu học thông qua nhiều thức, nhưng ở Việt Nam thì gần như không có. Văn hóa Á Đông của chúng ta thường nghĩ tiền bạc là một vấn đề khá nhạy cảm, tránh nói đến những thứ liên quan đến tiền bạc hoặc không dạy cho trẻ sớm do lo ngại chúng có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Dịch Covid-19 vừa rồi khiến tất cả mọi người phải nhìn nhận lại tình hình tài chính của mình. Rất nhiều người mất việc, rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Có thể nói, tiền bạc là vấn đề mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt và thường xuyên tiếp xúc từ nhỏ tới lớn, do vậy không thể tránh nhắc tới nó. Và nếu như bố mẹ, thầy cô không dạy con về tiền bạc, thì ai sẽ là người dạy? Nếu không có người định hướng và cung cấp các kiến thức chuẩn mực, thì con trẻ có thể phải tự quan sát, tự học và gặp nguy cơ không biết quản lý tài chính khi lớn lên hoặc gặp nhiều vấn đề quản lý tài chính khác.
Trên thực tế, không chỉ Việt Nam hay các nước kém phát triển mới gặp các vấn đề về giáo dục tài chính, mà ở các nước phát triển cũng gặp rất nhiều vấn đề liên quan tới hiểu biết tài chính cho người dân. Ví dụ gần đây, trong một phóng sự trên truyền hình cho thấy, giới trẻ Hàn Quốc chi tiêu rất nhiều bằng thẻ tín dụng dẫn đến gánh nặng nợ nần lớn, thậm chí có người tự tử vì không trả được nợ bởi họ không biết cách sử dụng thẻ tín dụng một cách khôn ngoan và không được trang bị những kiến thức quản lý tài chính cơ bản.
Do vấn đề của mỗi nước là khác nhau nên việc giáo dục tài chính cũng sẽ không đồng nhất. Chẳng hạn ở những nước phát triển đã có sản phẩm tài chính tương đối đa dạng và phức tạp như Âu Mỹ thì việc giáo dục có thể tập trung giúp người tiêu dùng phân biệt và nâng cao năng lực sử dụng các sản phẩm đó, trong khi ở Việt Nam thị trường tài chính chưa phát triển, giáo dục tài chính bước đầu phải đi từ việc phổ cập “biết đọc biết viết” những khái niệm cơ bản như lãi suất, tiết kiệm, đầu tư hay bảo hiểm.
Mạng lưới Tài chính Cá nhân Việt Nam là một sáng kiến rất thú vị. Trong thời gian qua, chị và các đồng nghiệp đã tạo ra được những sản phẩm giáo dục gì để đóng góp cho công cuộc giáo dục tài chính nói trên?
Năm 2015, trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi tổ chức một hội thảo khoa học, tập trung vào vấn đề tăng cường nhận thức của mọi người vào lĩnh vực khá mới lúc đó là tài chính cá nhân. Hội thảo đã thu hút được gần 30 bài nghiên cứu đến từ nhiều trường trong nước. Điều này cho thấy các giảng viên, nhà nghiên cứu và khối quản lý đã nhận thức được đây là vấn đề quan trọng.
Chính dịp này, những thành viên đầu tiên của mạng lưới đã hình thành. Đa số chúng tôi là thầy cô giảng dạy về tài chính từ các trường như ĐH Kinh tế, Học viện Ngân hàng, Đại học FPT, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa, ĐH Bưu chính Viễn thông... Sau đó, mạng lưới có thêm những giáo sư ở nước ngoài là các thầy cô cũ của chúng tôi hoặc đối tác quốc tế được kết nối thông qua các hội thảo đến từ Mỹ, Úc, Singapore, Đức, Nhật, Ireland… Ngoài ra, mạng lưới cũng có người đến từ khối tư nhân - như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty Fintech hay các hiệp hội – và đơn vị quản lý nhà nước.
Với các cách tiếp cận khác nhau, chúng tôi xây dựng và phát triển các đề tài nghiên cứu và chương trình đào tạo về tài chính cá nhân cho nhiều đối tượng. Ví dụ, với nhóm học sinh phổ thông (từ lớp 1-12), chúng tôi đã tổ chức các khóa đào tạo tài chính ngắn hạn ở nhiều trường và trung tâm tiếng anh; thiết kế boardgame “Đường đua Tài chính” để giúp các em và gia đình vừa học vừa chơi và hợp tác với Quỹ hợp tác phát triển các ngân hàng tiết kiệm Đức để đưa ra các chương trình đào tạo sử dụng boardgame do tổ chức này tài trợ.
Chúng tôi cũng cho ra đời tập san giảng dạy về tài chính cho trẻ em mang tên “Tài chính Học trò”, hiện đã có 5 tập và được khá nhiều phụ huynh đặt mua. Ấn phẩm này được trình bày dưới hình thức dễ hiểu như truyện tranh, tình huống, kể chuyện, hỏi đáp, bài tập nhanh để các em có thể dễ dàng hiểu được những chủ đề như tiết kiệm, chi tiêu, lập ngân sách, kiếm tiền hay quản lý tiền. Nó hướng dẫn các em sự khác biệt giữa “muốn” và “cần” một món đồ, khi nào thì các em được phép đi làm, hay làm sao để khởi nghiệp kinh doanh. Chúng tôi cũng lồng ghép nhiều bài học có giá trị nhân văn, ví dụ con hãy “làm việc để học hỏi chứ đừng làm việc chỉ vì tiền”, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”, …
Bên cạnh đó, tôi và các đồng nghiệp cũng tham gia biên soạn nội dung giáo dục tài chính cho các em học sinh và hướng dẫn cho giáo viên giảng dạy nội dung này trong môn học Giáo dục công dân, Toán, Trải nghiệm… trong Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018. Ngoài ra, chúng tôi đang kết hợp với đối tác từ Singapore để Việt hóa một chương trình đào tạo tài chính cho học sinh phổ thông ở Việt Nam.
Còn với đối tượng lớn hơn đã có những hiểu biết về tiền bạc, chị có cách tiếp cận nào khác?
Sinh viên là nhóm đối tượng quan trọng không kém học sinh, bởi các bạn đã hoặc đang ở ngưỡng cửa cuộc đời và có mức độ tự chủ tài chính nhất định. Nhiều sinh viên đi học xa gia đình, gặp phải những vấn đề khó khăn nhất định trong quản lý tài chính cho riêng mình. Do vậy, tôi kết hợp cùng với đồng tác giả cho ra đời cuốn sách “Chuyện sinh viên đương nhiên hết tiền” kể lại những câu chuyện sinh hoạt nho nhỏ của một cậu thanh niên lên thành phố đi học, đối diện với các nhu cầu thuê nhà, đi lại, làm thêm, gửi tiết kiệm, nhận trợ cấp của gia đình, hay kể cả tình phí hoặc lựa chọn nghề nghiệp. Cuốn sách được thiết kế rất đẹp để các sinh viên cảm thấy nó như một cuốn sách gối đầu giường, một câu chuyện để đồng cảm và phản ánh bản thân, chứ không phải một cuốn giáo trình khó hiểu về tài chính.
Chúng tôi cũng đã đưa môn học “Tài chính cá nhân” vào Khung chương trình đào tạo cho sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng tại Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Đây là một trong những khóa học dài hạn [15 tuần] đầu tiên trong chương trình đào tạo chính quy ở Việt Nam. Chúng tôi cũng kết hợp với một số công ty công nghệ để làm những bài giảng online sử dụng hình thức game hóa (gamification) để sinh viên có thể vừa học vừa chơi và có động lực tham gia vào các bài giảng.
Trong tháng 10 này, Trường ĐH Kinh tế chúng tôi đã phối hợp với Vụ Truyền thông của Ngân hàng Nhà nước để tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” cho sinh viên toàn miền Bắc. Chúng tôi không kỳ vọng dạy được nhiều kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cho sinh viên trong cuộc thi này, thay vào đó muốn lan tỏa và tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc hiểu biết tài chính. Khi nhận thức thay đổi, sinh viên sẽ có thể tự trang bị kiến thức, học hỏi kỹ năng và thay đổi thái độ về quản lý tài chính của mình.
Một nhóm đối tượng khác chúng tôi hướng tới là các gia đình trẻ và những người đang đi làm. Bên cạnh việc phát hành sách, chuyên đề, chúng tôi cũng tổ chức các khóa học offline và online về tài chính để trang bị những kiến thức cơ bản nhất trong việc ra quyết định tài chính chung giữa vợ chồng, bố mẹ và con cái. Những buổi đầu tiên rất ít người tham dự, nhưng dần dần nhiều người đã biết đến và trao đổi cởi mở hơn.
Chúng tôi cũng đang làm việc với nhiều đơn vị fintech như Finhay, Money Lover và MBBank để biên soạn những bài học tài chính nhỏ trên website hoặc ứng dụng của họ. Dĩ nhiên, chúng tôi đưa ra các thông điệp truyền thông mang tính giáo dục, chẳng hạn như “phân biệt các hình thức tín dụng chính thức và lừa đảo”, “lợi ích của việc tiết kiệm sớm”, “cách xây dựng con đường đến tự do tài chính”, …Khi khách hàng có kiến thức và thông tin chính xác họ có khả năng lựa chọn dịch vụ tài chính và đưa ra những quyết định tài chính thông minh hơn. Đây cũng là một hình thức giáo dục thông qua internet và thông qua chính các công ty cung cấp dịch vụ tài chính. Một mặt, khách hàng của các công ty được hưởng lợi từ việc hiểu biết hơn, mặt khác các công ty cũng cần đào tạo khách hàng để tránh rủi ro cho cả khách hàng và công ty của mình, đồng thời khẳng định chất lượng dịch vụ của mình và có thể khuyến khích khách hàng tiếp cận thêm những dịch vụ mới.
Dưới tư cách là người đào tạo, tôi thấy việc hợp tác với các tổ chức tài chính rất hữu ích. Nếu dạy trong lớp học, chúng tôi chỉ truyền đạt được tới 30-50 người thì khi đưa lên các kênh truyền thông online của doanh nghiệp, lượng tiếp cận kiến thức có thể lên tới hàng trăm nghìn người.
Có thể nói thời gian qua, chị và đồng nghiệp đã đặt rất nhiều viên gạch nền cho việc giáo dục tài chính xuyên suốt từ lứa tuổi nhỏ tới lớn. Vậy còn những dự tính trong tương lai?
Tùy theo đối tượng mục tiêu mà chúng tôi đã có những cách tiếp cận và hình thức truyền đạt thông tin, đào tạo khác nhau. Chúng tôi đặc biệt coi trọng và chú ý tới đối tượng trẻ em vì đây là đối tượng dễ tác động và tạo dựng thói quen, hành vi tài chính tốt. Với đối tượng sinh viên và người đi làm, chúng tôi cố gắng thay đổi nhận thức, tác động đến việc thay đổi các thói quen cũ chưa tốt và hình thành những thói quen tốt mới. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn hướng đến lâu dài và ổn định nhất là xây dựng được các chương trình đào tạo chuẩn hoá quốc tế và đưa ra những nghiên cứu góp phần tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách về giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy may mắn, và tự tin vì đi đúng hướng, nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, nhiều tổ chức cùng tham gia trong công cuộc đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam. Càng ngày càng có nhiều tín hiệu tích cực, chẳng hạn Bộ GD&ĐT đã đưa nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Đầu năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt “Chiến lược tài chính Toàn diện quốc gia”, trong đó giáo dục tài chính được xem là một trụ cột để người dân có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính chính thức một cách hiệu quả, thông minh nhất.
Khi các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những quyết định như vậy thì những đơn vị đào tạo như chúng tôi cũng thuận lợi hơn rất nhiều trong việc liên kết với các nguồn lực để củng cố hoặc phát triển sản phẩm giáo dục mới. Trên thực tế, giáo dục tài chính không phải là nhiệm vụ của một mình trường đại học hay trường phổ thông, mà là nhiệm vụ của cả xã hội, trong đó các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp cho đến người dân, các bậc phụ huynh đều cần chung tay thực hiện.
Trân trọng cảm ơn chị!