Phân tích DNA, phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ và nhiều kỹ thuật đo lường tiên tiến khác đang hỗ trợ các nhà khoa học tìm hiểu nguồn gốc của loài chó và khi nào chúng trở thành người bạn thân thiết nhất của con người.

Quá trình tiến hóa của chó nhà đã diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài. Trong đó, sói hoang và chó nhà tiếp tục giao phối với nhau, khiến các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn khi phân tích hóa thạch chó và DNA.

Khi xem xét hóa thạch chó, các nhà nghiên cứu kiểm tra đặc điểm hình thái của chúng: kích thước và sự phân bố răng; kích thước, chiều dài của mõm và hàm dưới; hình dạng của hộp sọ. Sau đó, họ so sánh thông tin thu được với chó hiện đại, sói hiện đại, hóa thạch chó thời kỳ đầu và hóa thạch sói tiền sử.

Hóa thạch chó cổ đại có đặc điểm hộp sọ và mõm ngắn, hàm răng chen chúc và răng nhỏ hơn (do mõm ngắn), vòm miệng và hộp sọ rộng. Ngoài ra, nhờ sử dụng kỹ thuật đo xương tiên tiến là hình thái học hình học để phân tích các đường cong của hộp sọ, nhà khoa học dễ dàng so sánh từng mẫu vật với nhau.

Việc xác định bộ xương không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số hóa thạch chó-sói từ Kỷ Băng hà được phân loại là “chó sơ khai”, tức là chúng đang ở giai đoạn đầu, chuyển tiếp của sự phát triển, giống loài lai giữa chó và sói hơn – những tổ tiên sớm nhất của loài chó nhà. Hóa thạch cổ xưa nhất là một hộp sọ lớn gần 36.000 năm tuổi, khai quật trong hang động ở Goyet, Bỉ vào những năm 1860. Hộp sọ chó Goyet giống chó tiền sử ở thời Đồ đá cũ hơn là sói hiện đại. Một mẫu vật khác được các nhà khảo cổ xếp vào chó sơ khai là hộp sọ hóa thạch khoảng 33.000 năm tuổi, phát hiện trong hang động tại Dãy núi Altai, Siberia vào năm 1975.

Từ phân tích hóa thạch chó, chúng ta có thể biết được nhiều điều về mối quan hệ giữa người cổ đại và chó. Chẳng hạn, hóa thạch chó xưa nhất có niên đại hơn 14.000 năm (gọi là chó Bonn-Oberkassel). Bộ xương của nó cùng hài cốt của một cặp nam nữ được phát hiện vào năm 1914 trong ngôi mộ cổ ở Oberkassel, Đức. Chó Bonn-Oberkassel là chó con, khoảng bảy tháng tuổi. Một cuộc kiểm nghiệm hóa thạch gần đây kết luận nó bị bệnh carê – bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thường xảy ra ở chó non, lây lan nhanh và tỷ lệ chết rất cao. Những người chủ đã chăm sóc chó con trong cơn bệnh trước khi nó mất.

Hóa thạch này cũng là bằng chứng lâu đời nhất về việc chôn cất chó nhà cùng người. Dù được chôn một mình, cùng với những con chó khác, hay cùng người, việc chôn cất chó cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa loài chó và con người đã vượt xa việc nuôi một con vật vì hữu dụng. Nó biểu thị mức độ quan tâm cao độ, gợi ý sự chuyển dịch cuối của chó từ động vật hoang dã sang thú nuôi được cưng chiều.

Hình vẽ trên một quách ở Ai Cập, cho thấy một người đàn ông dắt chó của mình. Ảnh: Richard Barnes
Hình vẽ trên một quách ở Ai Cập, cho thấy một người đàn ông dắt chó của mình. Ảnh: Richard Barnes


Trong những năm 1970, nhóm khảo cổ đã khai quật ba bộ xương chó nhà được chôn cất trong hố nông tại điểm khảo cổ Koster. Trên bộ xương không tìm thấy dấu vết công cụ (cho thấy chúng bị người giết), vì thế họ kết luận những chú chó chết vì nguyên nhân tự nhiên. Xác định niên đại bằng phóng xạ carbon hé lộ bộ xương chó Koster đã 10.000 năm tuổi.

Nhưng đây chưa phải hóa thạch chó nhà lâu đời nhất. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh xương 10.150 năm tuổi ở Alaska, Bắc Mỹ. Ban đầu, họ cho rằng đây là xương của gấu cổ đại, nhưng DNA chứng minh nó của chó nhà. Phân tích sâu thêm cho thấy nó có họ hàng gần với tổ tiên loài chó sống ở Siberia 23.000 năm trước. Hai điều này cho thấy thợ săn Siberia từ Kỷ Băng hà đã thuần hóa chó, và đã đưa chó đi cùng khi di cư tới Bắc Mỹ khoảng 4.000 năm trước – sớm hơn niềm tin trước đây, trước khi sông băng tan chảy. Khi lần theo dấu vết của loài chó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn con người đã di chuyển thế nào.

Hài cốt của con chó nhà 10.000 năm tuổi được phát hiện ở Thung lũng sông Illinois. Ảnh: Del Baston
Hài cốt của con chó nhà 10.000 năm tuổi được phát hiện ở Thung lũng sông Illinois. Ảnh: Del Baston

Các nhà nghiên cứu còn phân tích bộ gene ty thể của chó từng được giải trình tự và phát hiện tất cả chó châu Mỹ cổ đại bắt nguồn từ một tổ tiên chung ở Siberia khoảng 23.000 năm trước. Chó cổ đại ở Bắc Mỹ hầu như biến mất sau vài nghìn năm, có khả năng là do người châu Âu đã mang giống chó riêng tới châu Mỹ và chúng nhanh chóng chiếm lĩnh nơi đây.

Nhiều nghiên cứu tập trung vào ba vùng địa lý chính – châu Á, Trung Đông và châu Âu – được cho là nơi bắt nguồn các loài chó thuần hóa. Một số người tin rằng chó được thuần hóa hai lần, ở các địa điểm khác nhau; trong khi những người khác cho rằng thuần hóa là sự kiện chỉ diễn ra duy nhất một lần.

Một số nghiên cứu dựa trên DNA cũng gợi ý có hai dòng giống. Nghiên cứu lớn năm 2022 phân tích DNA của loài sói cổ tìm thấy bằng chứng cho thấy hai sự kiện thuần hóa có thể diễn ra ở Đông Á và Trung Đông. Hai nghiên cứu công bố năm 2021 chỉ ra bằng chứng về nơi khởi nguyên của loài chó thuần hóa: một nghiên cứu truy tìm nguồn gốc của loài chó ngược về Siberia 23.000 năm trước, cái còn lại xác định loài sói Nhật Bản tuyệt chủng là phân loài có họ hàng gần nhất với chó nhà, gợi ý tổ tiên của chúng sống ở Đông Á.

Phân tích DNA ty thể – kỹ thuật có độ nhạy cao, xem xét một loại DNA cụ thể trong các hóa thạch cổ – đã mở ra con đường cho các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định khung thời gian cho nguồn gốc của loài chó hiện đại. Loài chó và sói xám có chung tới 99,9% DNA, vì thế nhà nghiên cứu có thể phân tích các biến thể di truyền. Tuy nhiên, phân tích DNA không phải lúc nào cũng rõ ràng, khiến họ chưa thể đi tới kết luận. Họ cũng khó sử dụng những đặc điểm quan sát được như kích thước cơ thể, độ dài và màu lông, hình dạng đầu và chân trong các cá thể của một loài để so sánh chó ngày nay với tổ tiên của chúng, một phân loài của sói xám mà ta vẫn chưa biết.

Tuy bằng chứng hóa thạch chỉ ra việc thuần hóa chó diễn ra vào khoảng 14.000 năm trước, nhưng nghiên cứu dựa trên DNA chỉ ra sói và chó chia tách sớm hơn nhiều. Nghiên cứu DNA năm 2022 phân tích 72 bộ gene sói cổ đại trong 10.000 năm, kết luận nhiều khả năng chó xuất hiện cách đây 40.000 năm trước, khá trùng với khung thời gian mà một số nghiên cứu trước đó vạch ra. Chẳng hạn, vào năm 2017, các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ gene từ ba hóa thạch chó cổ đại từ Đức và Ireland. Sau khi so sánh các bộ gene cổ đại với dữ liệu di truyền từ hơn 5.000 chó và sói hiện đại, nhóm ước tính chó và sói đã chia tách từ 37.000 tới 41.000 năm trước. Nghiên cứu đó cũng xác định loài chó chia thành hai quần thể từ 17.000 tới 24.000 năm trước: chó phương Đông (tổ tiên của các giống chó Đông Á) và chó phương Tây (tiền thân của các giống chó châu Âu, Nam Á, Trung Á và châu Phi). Dựa trên những khung thời gian này, họ ước tính việc thuần hóa chó diễn ra từ 20.000 tới 40.000 năm trước.

Nguồn:

nationalgeographic