Từ lâu, các bác sĩ cho rằng căng thẳng là nguyên nhân gây ra các bệnh loét dạ dày. Bác sĩ Robin Warren và người đồng nghiệp Barry Marshall đã chứng minh rằng căn nguyên gây bệnh thực ra là một loại vi khuẩn.

Năm 1984, bác sĩ Robin Warren và người cộng sự là bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Barry Marshall đã đăng một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet. Bài báo này cho biết họ đã phát hiện một vi khuẩn có hình xoắn ốc thường sinh sôi nảy nở trong dạ dày của các bệnh nhân bị loét và viêm dạ dày. Vi khuẩn này được gọi là Helicobacter pylori.

Bác sĩ Warren lần đầu chú ý tới vi khuẩn này trong một mẫu sinh thiết dạ dày vào năm 1979 tại Bệnh viện Hoàng gia Perth, nơi ông là bác sĩ bệnh học chính. Ông nhận thấy vi khuẩn trên mô của một bệnh nhân bị loét. Từ lâu, Warren đã suy nghĩ về “thuyết vi trùng” gây ra bệnh loét, nhưng ôngcó rất ít bằng chứng để củng cố ý tưởng này và hầu như chẳng có ai ủng hộ.

Bác sĩ Marshall, khi đó còn là nhà nghiên cứu lâm sàng trẻ tuổi, đã quan sát thấy những cái nhìn khó chịu về bác sĩ Warren trong các hội nghị y khoa. “Cứ hễ ông ấy đề cập tới những vi khuẩn này thì các bác sĩ khác sẽ cười ‘ha ha ha, Robin lại nói về vi khuẩn của ông ấy nữa kìa”, bác sĩ Marshall sau này hồi tưởng.

Mẫu sinh thiết mà bác sĩ Warren thấy đã cung cấp cho ông một manh mối quan trọng. Ông đã tuyển Marshall về làm cùng mình và họ bắt đầu nghiên cứu các mô lấy từ bệnh nhân bị loét dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác. Gần như mọi mẫu thu thập được đều cho thấy sự tồn tại của cùng loại vi khuẩn. Họ gọi nó là Helicobacter pylori, hay là H. pylori: “helico” chỉ hình dạng xoắn ốc của vi khuẩn, và roi của vi khuẩn xoắn lại khiến vi khuẩn này di chuyển; còn “pylori” chỉ đầu ra của dạ dày, được gọi là môn vị, và chính tại đây H. pylori lần đầu tiên được phát hiện . Đặc điểm lớn nhất của H. pylori là nó phát triển trong điều kiện không có oxy và khi tiếp xúc với oxy, nó sẽ dần chết đi. H. pylori cũng dễ bị tổn thương trong điều kiện khô và được phân loại là trực khuẩn gram âm.

Bác sĩ Warren (phải) với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Barry Marshall vào năm 1984. Nguồn: Đại học Tây Úc
Bác sĩ Warren (phải) với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Barry Marshall vào năm 1984. Nguồn: Đại học Tây Úc

Kết luận của bài báo đã lật đổ quan niệm truyền thống vốn tồn tại hàng thế kỷ về nguyên nhân gây ra bệnh loét là do căng thẳng, ăn đồ cay hoặc uống rượu. Các nhà phân tâm học thậm chí từng viết về “tính cách loét dạ dày tá tràng”. Bác sĩ thường chỉ định cho các bệnh nhân về nhà ăn uống đạm bạc và giảm bớt tác nhân gây căng thẳng. Bắt đầu từ năm 1977, bác sĩ mới kê cho bệnh nhân các thuốc như Tagamet và Zantac để kháng acid trong dạ dày gây nóng rát. Những ca bệnh nghiêm trọng đôi khi phải điều trị bằng phẫu thuật.

Khi nghiên cứu này được công bố, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa đều cho thấy thái độ hoài nghi. Họ tỏ ra lo ngại, không biết có nên tin tưởng những phát hiện có tiềm năng thay đổi hệ thống từ hai nhà nghiên cứu vô danh ở Úc hay không. Và ý tưởng vi khuẩn thậm chí có thể phát triển trong dạ dày được cho là lộng ngôn.

“Trong khoảng 100 năm, hay khoảng 1.000 năm, giáo trình tiêu chuẩn trong y học luôn dạy rằng dạ dày có tính vô trùng và không gì có thể phát triển trong đó bởi vì dịch vị dạ dày sẽ ăn mòn tất cả”, bác sĩ Warren trả lời báo The New York Times vào năm 2005, sau khi ông và bác sĩ Marshall giành được Giải Nobel về Sinh lý học hoặc Y học. “Vì thế mọi người tin rằng không có vi khuẩn nào tồn tại trong dạ dày được. Khi tôi nói rằng là có, không ai tin hết”.

Nghiên cứu này cũng xung đột với lời quảng cáo của các công ty dược phẩm, họ đã bỏ ra hàng triệu đô la để phát triển nhiều loại thuốc giảm acid trong dạ dày. Những thuốc này quả thực giúp người bệnh hết viêm loét, nhưng căn bệnh này luôn tái đi tái lại và được đánh giá là bệnh mãn tính. Nghiên cứu của bác sĩ Warren và Marshall cho rằng thuốc kháng sinh sẽ là một cách điều trị hiệu quả hơn.

“Viễn cảnh thuốc kháng sinh có thể chữa trị bệnh loét là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khả năng sinh lời khổng lồ của những loại thuốc kỳ diệu mới được phát triển gần đây để ngăn tiết acid dạ dày và chữa lành vết loét nhanh chóng”, bác sĩ William S. Hughes viết trong “The Great Ulcer War” (2014), cuốn sách về cuộc chiến của hai nhà nghiên cứu người Úc nhằm chứng minh rằng H. pylori gây ra loét.

Mệt mỏi trước những thái độ hoài nghi và phản đối sau khi bài báo được công bố, bác sĩ Marshall đã nảy ra một ý tưởng không được chính thống cho lắm: tự lây nhiễm vi khuẩn H. pylori cho mình. Vào tháng 7/1984, bác sĩ Marshall đã uống dung dịch chứa vi khuẩn để chứng minh mối liên hệ chắc chắn giữa vi khuẩn H. pylori và các vết loét. Các động vật thí nghiệm như lợn và chuột đã miễn dịch với vi khuẩn này. Còn bác sĩ Warren đã bị nhiễm H. pylori và họ lo ngại rằng ông đã tạo ra miễn dịch rồi.

Sau khoảng ba ngày, bác sĩ Marshallbắt đầu phát bệnh. “Tôi bắt đầu nôn mửa. Tôi thức dậy vào giữa đêm, không thể ăn uống tử tế được, tôi còn đổ mồ hôi đêm. Sau một tuần, tôi đi nội soi và thấy vi khuẩn đã bùng phát mạnh”. Xét nghiệm cho thấy H. pylori đã sinh sôi quanh một phần dạ dày bị viêm của ông. Bác sĩ Marshall đã khỏe hơn sau một đợt dùng kháng sinh, qua đó thúc đẩy phát hiện của họ hướng tới phương pháp chữa trị.

Tuy nhiên, sự hy sinh vì khoa học của bác sĩ Marshall vẫn chưa đủ để thuyết phục giới y khoa. Phải mất gần một thập niên thì các bác sĩ mới đón nhận phát hiện này và thay đổi cách họ điều trị các bệnh loét: bằng kháng sinh, giống như họ điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nào.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, khoảng 2/3 dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn H. pylori, thường nhiễm từ hồi bé, nhưng vi khuẩn này gây ra vấn đề sức khỏe ở một số ít người. Việc nhiễm H. pylori cũng có thể dẫn tới gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày hoặc u lympho, được gọi là loại u lympho liên quan đến niêm mạc, hay MALT.

Các bác sĩ chưa hiểu rõ lý do chính xác vì sao H. Pylori gây ảnh hưởng ác liệt ở một số người. Nhưng khi chuyện này xảy ra, vi khuẩn có thể gây ra các vết loét bằng cách phá hủy niêm mạc dạ dày và khiến nó dễ bị dịch tiêu hóa tấn công. Ủy ban Nobel cho biết H. Pylori gây ra hơn 90% các vết loét dạ dày tá tràng và 80% các bệnh loét đường tiêu hóa trên. Các nguyên nhân khác là do lạm dụng một số loại thuốc có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Nhờ nghiên cứu này mà ngày nay các bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng được kê thuốc kháng sinh, cũng như xét nghiệm hơi thở không xâm lấn để chẩn đoán loét, tránh phải dùng sinh thiết. Trong nghiên cứu y khoa rộng hơn, công trình của bác sĩ Warren và Marshall cũng đưa ra lý thuyết về các yếu tố vi khuẩn có thể tồn tại trong các bệnh do viêm, chẳng hạn như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, và là tác nhân tiềm ẩn gây ung thư.

Nguồn:

washingtonpost, nytimes, otsuka