Thành công giải mã di truyền vào những năm 1960 đã mở đường cho những phát hiện mới, cho phép các nhà khoa học chèn DNA từ cóc, ruồi giấm và virus vào vi khuẩn để tạo ra những sinh vật chưa từng tồn tại trong tự nhiên – quá trình này được gọi là cắt nối gene. Các thí nghiệm như vậy giúp nhà khoa học nghiên cứu gene trong tế bào sống. Thế nhưng, một số sinh vật mới ra đời lại chứa các gene gây bệnh ung thư, và ngành khoa học này quá mới nên không một ai có thể biết liệu vi khuẩn được tạo ra trong phòng thí nghiệm có an toàn hay không.
Vấn đề này gây tranh cãi kịch liệt giữa các nhà khoa học, nhưng công chúng không hề được cảnh báo về những lo ngại tiềm tàng. Mãi tới năm 1973, khi tiến sĩ Maxine Singer, một nhà quản lý ở Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cùng đồng nghiệp gióng lên hồi chuông cảnh báo qua một bức thư đăng trên tạp chí Science thì người dân mới biết tới. Bức thư này được gửi thay mặt cho các nhà khoa học cùng tham dự một hội nghị về di truyền. Nó lưu ý rằng kỹ thuật cắt nối gene mang lại nhiều hứa hẹn cho sức khỏe con người, nhưng đồng thời cũng cho phép tạo ra những sinh vật “có hoạt động sinh lý không thể dự đoán được bản chất”.
“Một số phân tử lai như vậy có thể gây nguy hiểm cho nhân viên phòng thí nghiệm và công chúng”, lá thư tiếp tục. “Mặc dù cho tới nay chưa có mối nguy hiểm nào được xác minh, sự cẩn trọng cho thấy chúng ta cần xem xét nghiêm túc mối hiểm nguy tiềm ẩn”. Lá thư kêu gọi Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, tổ chức cố vấn phi lợi nhuận cho chính phủ liên bang về chính sách xã hội, giải quyết vấn đề này.
Điều xảy ra sau đó là những cuộc tranh luận căng thẳng liên tiếp trong năm năm, kiểm tra niềm tin của công chúng vào khoa học -một điều sẽ lặp đi lặp lại trong các thập niên tiếp theo khi các nhà khoa học tìm được cách điều khiển tế bào gốc phôi, nhân bản toàn bộ sinh vật và chỉnh sửa gene. Biểu tình nổ ra tại nhiều thành phố đại học, nơi cư dân và nhân viên trường cảm thấy họ là chuột bạch trong các thử nghiệm đánh giá mức độ an toàn của công nghệ mới. Cơ quan lập pháp New York đã bỏ phiếu cấm công nghệ này, nhưng Thống đốc Hugh L. Carey đã phủ quyết dự luật do lo ngại về quyền tự do học thuật.
Đáp lại lá thư đăng trên tạp chí Science, Viện Hàn lâm Quốc gia tập hợp một ủy ban cố vấn nhỏ gồm những người có ảnh hưởng lớn trong giới khoa học, bao gồm James D. Watson, người cùng với Francis H.C. Crick đã phát hiện ra cấu trúc xoắn kép của DNA. Đứng đầu ban cố vấn là Paul Berg, nhà sinh học phân tử thuộc Đại học Stanford, ông nhận giải Nobel Hóa học vào năm 1980 cho khám phá về cắt nối gene.
Ủy ban đã đi tới nhất trí tự nguyện tạm ngừng tất cả thí nghiệm cắt nối gene liên quan tới các chủng kháng kháng sinh hoặc virus gây ung thư, cho tới khi xây dựng được các hướng dẫn cụ thể. Tiến sĩ Singer đã cởi mở tìm kiếm khuyến nghị từ cộng đồng khoa học rộng hơn, và giúp lãnh đạo Hội nghị Asilomar về DNA tái tổ hợp (đặt theo tên của trung tâm hội nghị ở Pacific Grove, California, nơi nó tổ chức vào tháng 1/1973). 150 nhà khoa học từ 12 quốc gia đã tham dự hội nghị gây nhiều tranh cãi này.
Tại một thời điểm, tiến sĩ Watson đột ngột kêu gọi chấm dứt lệnh tạm dừng. Bà Singer đã lập tức đứng dậy hỏi điều gì đã thay đổi trong sáu tháng qua khiến ông Watson từ bỏ phong trào mà ông chung tay phát động. Sau này, khi nhớ lại khoảnh khắc ấy, tiến sĩ Singer chia sẻ: “Động lực của chúng tôi là cho phép nghiên cứu tiếp tục với ít rủi ro nhất có thể. Vì sao không dừng lại và đợi một thời gian? Tại sao điều đó lại không thể chấp nhận được”.
Trong năm tiếp theo, tiến sĩ Singer hợp tác với các đồng nghiệp tại NIH và cố vấn bên ngoài để xây dựng khuyến nghị thành hướng dẫn liên bang. Thành quả là hướng dẫn được ban hành vào giữa năm 1976, thiết lập các mức độ kiểm soát vật lý và sinh học tăng dần, tùy theo bản chất của thí nghiệm. Thí nghiệm có mức độ rủi ro cao sẽ phải tiến hành trong phòng cách ly kiểu “khu vực nóng” với hệ thống thông gió và nước tách biệt. Các nhà nghiên cứu chỉ được phép sử dụng vi khuẩn không thể tồn tại ngoài phòng thí nghiệm. Thí nghiệm với mầm bệnh chết người đều bị cấm.
Tuy vậy, sự ra đời của hướng dẫn không chấm dứt cuộc tranh luận. Tiến sĩ Singer là người mạnh mẽ ủng hộ việc cho phép thí nghiệm cắt nối gene được tiếp tục theo các quy định được đề ra. Bà tham gia chống lại lệnh cấm của thành phố ở Cambridge; tranh luận với một giáo sư nhân văn tại diễn đàn công khai ở Đại học Michigan; và xuất hiện trước Quốc hội từ năm 1976 đến năm 1978 để đề xuất hơn mười dự luật quy định việc cắt nối gene.
Cuối cùng, không có lệnh cấm nào được ban hành và những hạn chế của NIH dần được nới lỏng khi các nhà khoa học hiểu hơn về công nghệ này. Ngày nay, cắt nối gene thường xuyên được sử dụng trong các thí nghiệm, trong quá trình tạo ra các công cụ nghiên cứu, thuốc công nghệ sinh học và cây trồng kháng bệnh.
Đối với tiến sĩ Singer, cuộc tranh cãi về cắt nối gene là một bài học cho thấy chúng ta cần phải có giáo dục về khoa học, một mục tiêu mà bà tiếp tục theo đuổi. Bà tin rằng công chúng hiểu biết khoa học là điều cần thiết cho tiến bộ khoa học, bởi vì khoa học xuất phát từ tính hiếu kỳ của con người, nó cần được khuyến khích chứ không phải sợ hãi.
Maxine Frank sinh vào ngày 15/2/1931, cha bà là luật sư còn mẹ là nội trợ. Maxine theo học trường công lập tại Brooklyn, nơi bà gặp được một giáo viên hóa học tuyệt vời tại trường trung học Midwood, người khơi dậy niềm yêu thích của bà đối với khoa học. Bà tiếp tục theo đuổi môn khoa học này tại Trường Swarthmore. Singer lấy bằng cử nhân năm 1952, nhận được học bổng của Quỹ Khoa học Quốc gia, chuyên hỗ trợ các nghiên cứu sau đại học.
Năm 1957, Singer nhận bằng tiến sĩ hóa sinh tại Đại học Yale. Tuy luận án của bà về hóa học protein, nhưng cố vấn đã hướng bà chuyển nghiên cứu hậu tiến sĩ sang một lĩnh vực mới, hứa hẹn hơn: DNA và RNA, các axit nucleic nắm giữ chìa khóa để hiểu về di truyền, tiến hóa và bệnh tật. Theo lời khuyên, bà nhận học bổng tại Viện Viêm khớp, Chuyển hóa và Bệnh Tiêu hóa Quốc gia và làm việc với tiến sĩ Leon Heppel, một trong số ít nhà khoa học nghiên cứu về hóa học axit nucleic. Singer đã dùng enzyme để xây dựng một loạt các chuỗi RNA tạo thành từ nhiều chuỗi hóa chất bazơ, chẳng hạn như UUU. Bà chia sẻ sợi RNA với đồng nghiệp Marshall W. Nirenberg, người đã sử dụng chúng để giải mã mã di truyền. Nhờ khám phá này mà ông được nhận giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 1968.
Nguồn: nytimes