Tại châu Á-Thái Bình Dương, các bác sĩ đang triển khai một cách điều trị mới hiệu quả hơn và nhanh hơn cho bệnh lao kháng thuốc. Điều này đã mang lại cho chúng ta hy vọng về “một kỷ nguyên mới” giải quyết được một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới.

Phác đồ BPAL điều trị từ 6 đến 9 tháng thay thế cho phác đồ điều trị 18 đến 24 tháng được khuyến nghị trước đây, bao gồm cả thuốc tiêm, dành cho bệnh nhân mắc bệnh lao kháng thuốc cao. Ảnh: kncvtbc.org
Phác đồ BPAL điều trị từ 6 đến 9 tháng thay thế cho phác đồ điều trị 18 đến 24 tháng được khuyến nghị trước đây, bao gồm cả thuốc tiêm, dành cho bệnh nhân mắc bệnh lao kháng thuốc cao. Ảnh: kncvtbc.org

Vào năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính châu Á-Thái Bình Dương xuất hiện nhiều bệnh nhân nhất trong tổng số 10,6 triệu ca mắc mới bệnh lao kháng thuốc trên toàn thế giới, và hơn một nửa số người chết trong 1,3 triệu ca tử vong thuộc khu vực này.

Tuy rằng những người mắc bệnh lao có thể khỏi bệnh nhờ điều trị bằng kháng sinh, thế nhưng hơn 3% số bệnh nhân bệnh lao mới lại kháng các loại thuốc được kê đơn thông thường.

Cho tới gần đây, người mắc bệnh lao được điều trị theo phác đồ tiêm thuốc hằng ngày – thường gây kích ứng và đau đớn cho họ, hoặc phải uống một vốc thuốc liên tục trong 18 tháng hoặc hơn, với tác dụng phụ nặng nề như buồn nôn, thậm chí dẫn tới mù lòa trong những trường hợp nghiêm trọng. Những tác dụng phụ không mong muốn như vậy thường khiến người bệnh nản lòng và từ bỏ việc điều trị sớm.

Giờ đây, một phác đồ thuốc điều trị mới với số thuốc cần uống ít hơn và bớt tác dụng phụ đang được triển khai tại châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Philippines, Việt Nam và Indonesia. Tại những nước này, các cuộc thử nghiệm cho thấy tỷ lệ chữa trị thành công đạt được hơn 90% sau sáu tháng.

Phác đồ điều trị mới này có tên là BPaL, do Liên minh Bệnh lao phi lợi nhuận phát triển. Nó kết hợp các loại kháng sinh bedaquiline, pretomanid và linezolid. Kể từ năm 2019, phác đồ BPaL đã được hơn 60 quốc gia chấp nhận theo quy định. WHO đã cập nhật hướng dẫn chữa trị bệnh lao vào năm 2022, cho phép sử dụng phác đồ BPaL, bao gồm loại kháng sinh thứ tư là moxifloxacin hoặc không.

Phác đồ này đã thay đổi cuộc sống của đầu bếp người Philippines là ông Efifanio Brillante. Brillante bị chẩn đoán mắc bệnh lao kháng thuốc vào tháng 6/2022, ban đầu ông được điều trị bằng phương pháp cũ. Người đàn ông 57 tuổi này phải uống tới 20 viên thuốc một ngày, nhưng thuốc lại khiến ông thấy buồn nôn tới mức không thể làm việc hay ăn uống. Chính vì thế, ông đã dừng việc chữa trị chỉ sau hai tuần, dù biết rõ quyết định này có thể cướp đi sinh mạng của chính mình. Chia sẻ với AFP về tình trạng bệnh, ông Brillantecho biết: “Mắc bệnh này khổ lắm. Tôi nằm bẹp trên giường suốt, có lúc còn không thở nổi”.

Một tháng sau, ông Brillantetham gia thử nghiệm chữa trị bằng phác đồ BPaLtại Bệnh viện Đa khoa Tưởng niệm Jose B Lingad ở tỉnh Pampanga, phía Bắc thủ đô Manila (Philippines). Ông chỉ cần uống ba tới bảy viên thuốc mỗi ngày và khỏi bệnh chỉ sau sáu tháng. Ông Brillantebày tỏ: “Tôi rất biết ơn vì mình được chữa khỏi bệnh. Nếu không tham gia thử nghiệm BPaL thì chắc tôi được chôn trong nghĩa trang rồi”.

Căn bệnh chữa được

Bệnh lao, hay từng được gọi là bệnh lao phổi, xảy ra là do một loại vi khuẩn chủ yếu tấn công lá phổi và lây truyền qua không khí từ người nhiễm bệnh, chẳng hạn như khi ho hắng.

Tuy quốc gia nào cũng xuất hiện căn bệnh này, thế nhưng những người nghèo hơn phải sống ở nơi mật độ dân cư cao và làm việc tại chỗ chật ních người có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn. Tám quốc gia có số bệnh nhân chiếm tới 2/3 số ca mắc mới vào năm 2022 là: Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Pakistan, Nigeria, Bangladesh và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc điều trị bệnh lao kháng thuốc là bệnh nhân chịu điều trị dứt điểm, uống đủ số thuốc được kê. Ngay cả ở những quốc gia điều trị miễn phí bệnh lao, người bệnh cũng tốn tiền đi tới bệnh viện và mất thu nhập, thậm chí họ còn mất việc do bệnh tật và tác dụng phụ của thuốc – những điều này khiến nhiều người ngừng điều trị.

Ở nước ta, hầu hết người được chẩn đoán mắc bệnh lao đều tới từ hộ gia đình có thu nhập thấp, theo bà Hoàng Thị Thanh Thủy –Trưởng Đơn vị Quản lý Lao kháng thuốc–Chương trình chống lao Quốc gia. Bà Thanh Thủy cho biết gần như tất cả người mắc bệnh lao kháng thuốc đều phải chịu những chi phí “cao ngất” trong thời gian điều trị. “Mọi trở ngại này có thể ảnh hưởng tới việc bệnh nhân không tuân theo phác đồ điều trị, dẫn tới việc điều trị không hiệu quả và gia tăng tình trạng kháng thuốc”.

Ngoài ra, việc xác định người mắc bệnh lao cũng là một thách thức. TạiIndonesia, ông Imran Pambudi thuộc Bộ Y tếcho biết một số cơ sở chữa bệnh vẫn không thể chẩn đoán được chính xác căn bệnh này.

Nỗi sợ bị xã hội kỳ thị khi mắc bệnh cũng là một vấn nạn phổ biến. Bà Irene Flores, người đứng đầu thử nghiệm BPaL tại Bệnh viện Đa khoa Jose B Lingad Memorial ở Philippines cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng giáo dục người dân rằng bệnh lao có thể chữa được. Nếu họ tới khám sớm thì chúng tôi có thể ngăn ngừa các biến chứng”.

Cần đầu tư nhiều hơn

Sau nhiều năm sụt giảm, số bệnh nhân mắc bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc bắt đầu tăng trở lại trong đại dịch COVID-19, do việc chẩn đoán và điều trị bị gián đoạn.

Sau những nỗ lực phi thường trên toàn cầu để phát triển vaccine chống lại virus corona, WHO đã kêu gọi tăng cường tài trợ để chống lại bệnh lao.

“Bệnh lao không còn là vấn đề ở những quốc gia có thu nhập cao nữa, chính vì thế động lực tài trợ cho nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị bệnh lao mới đã cạn kiệt”, Sandeep Juneja, Phó Chủ tịch cấp cao về Tiếp cận thị trường của Liên minh Bệnh lao cho biết.

Để hỗ trợ tăng tốc triển khai phác đồ BPaL, có hoặc không có moxifloxacin, tổ chức này đã thiết lập một “trung tâm tri thức” tại Manila để cung cấp khóa đào tạo và hỗ trợ cho các quốc gia khác.

Ấn Độ đã phê duyệt BPaL, họrất nóng lòng đưa phác đồ điều trị mới vào các cơ sở y tế do nước này có số ca mắc bệnh vượt trội trên thế giới.

Ravikant Singh, người sáng lập nhóm vận động Doctors For You cho biết: “BPaLphải được triển khai sớm vì nó sẽ giúp bệnh nhân bớt đau đầu và gánh nặng tâm lý, bên cạnh việc giảm chi phí điều trị về lâu về dài”. Junejacho biết phác đồ mới đã được chứng minh là có hiệu quả, song vẫn còn nhiều thứ phải làm. “Tôi hy vọng đây chỉ là bắt đầu của một kỷ nguyên mới cho việc điều trị bệnh lao, sau này chúng có thể đơn giản hơn, thậm chí thời gian điều trị còn ngắn hơn nữa”.

Nguồn: medicalxpress