Tiếng Việt đối với anh Nguyễn Hải Hoành là ngôn ngữ mẹ đẻ; còn tiếng Hán là ngôn ngữ thứ hai mà anh được giáo dục và tiếp thu một cách bài bản và có chất lượng. Cho nên có thể nói những gì mà tác giả sách suy ngẫm rồi nhận xét và bình luận về hai ngôn ngữ này, theo ý kiến của riêng chúng tôi, là sự trải nghiệm và suy tư có cơ sở và vì thế không đơn thuần là một sự suy luận hay nhận xét tùy hứng.
Tôi cho rằng, ở góc nhìn của mình, anh Nguyễn Hải Hoành đã không bị ràng buộc vào khuôn mẫu hàn lâm của người chuyên về
ngôn ngữ học và
nhân học ngôn ngữ; anh lý giải vấn đề ở khía cạnh quan sát sự sử dụng tiếng mẹ đẻ của cộng đồng và chiêm nghiệm ngôn ngữ mà mình được tiếp nhận qua giáo dục ở trình độ cao. Vì thế, những vấn đề mà anh đặt ra liên quan đến tiếng Việt và tiếng Hán là gần gũi và cụ thể hơn đối với đông đảo bạn đọc phổ cập; nhờ đó, có thể những vấn đề mà cuốn “Chân trời ngôn ngữ” của anh đặt ra thiết thực với người đọc với nhiều góc nhìn đa dạng hơn. Có thể nói đây là một ưu điểm của cuốn “Chân trời ngôn ngữ” mà không phải một “chuyên khảo” mang tính chuyên ngành nào cũng có thể có được. Tuy nhiên, chính ưu điểm này trong cuốn sách của anh đồng thời cũng đã hàm chứa một điều đôi khi cần phải được bổ khuyết vì sự biến đổi của ngôn ngữ trong lịch sử bao giờ cũng mang tính quy luật với những biểu hiện khá phức tạp.
Là một người quan tâm, tham gia khảo cứu về lịch sử ngôn ngữ người Việt và cũng đã có những xuất bản phẩm về lĩnh vực này cho nên tôi rất vui khi ở góc nhìn của người không bị ràng buộc vào khuôn mẫu hàn lâm như anh Nguyễn Hải Hoành chia sẻ những kết luận được giới ngôn ngữ học Việt Nam đã công bố ở trong và ngoài nước mà đông đảo bạn đọc còn chưa có điều kiện tiếp cận hoặc khó tiếp cận vì tính hàn lâm của cách viết. Đây là những vấn đề về nguồn gốc tiếng Việt và tiếng Hán, về vấn đề chữ viết mà người Việt dùng trong lịch sử của mình, về những khác biệt trong đặc điểm nội tại chi phối sự khác biệt về chữ viết giữa tiếng Việt và tiếng Hán, về vai trò của tôn giáo trong sự “hoằng dương” hay phổ biến và làm giàu thêm ngôn ngữ đối với tiếng Việt và tiếng Hán.
Tôi rất vui vì chẳng hạn, từ góc nhìn thuần túy của người sử dụng tiếng mẹ đẻ, sách của anh Nguyễn Hải Hoành đã cung cấp thêm cho bạn đọc những minh chứng thể hiện chữ
Quốc ngữ là chữ viết của tiếng Việt hiện nay hội tụ đầy đủ yêu cầu về chữ viết đối với sự phát triển xã hội người Việt, điều mà giới nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam như chúng tôi đã từng nhiều lần thể hiện. Vì trên thực tế, chữ viết với tư cách là ký tự đồ hình của ngôn ngữ, không có một kiểu loại của một ngôn ngữ nào là “hoàn hảo” mà luôn hàm chứa những ưu điểm và nhược điểm khác nhau theo thời gian lịch sử.
Đặc biệt, tôi rất “ấn tượng” về vấn đề mà theo cách nói của anh Nguyễn Hải Hoành tiếng Việt “phải là niềm tự hào” của người Việt và văn hóa Việt mà hiện nay xã hội người Việt còn chưa thật sự chú ý ở nhiều góc độ và hành xử khác nhau. Tôi nghĩ, cái tên ngắn gọn của bài đầu tiên - “Tiếng Việt: niềm tự hào của chúng ta” - mà anh đặt đã nói lên tất cả.
Trong “Lời cuối sách”, tác giả Nguyễn Hải Hoành đã tổng kết mấy vấn đề mà sách này đã đề cập đến. Trong số những nội dung ấy, có những nội dung mà chúng tôi đã trao đổi ở trên; nhưng cũng có những nội dung được anh nêu ra chỉ để lý giải góc độ tiếp cận vấn đề “chân trời ngôn ngữ” của mình. Như anh đã thể hiện ở “Lời đầu sách” là anh viết cho mình, “không nhằm tranh luận với bất cứ ai”. Cho nên, bạn đọc có thể từ góc nhìn của anh Nguyễn Hải Hoành, tạo dựng cho mình một cảm nhận vấn đề liên quan đến tiếng Việt, một tài sản văn hóa vô giá của người Việt, mà mình quan tâm.
Với chất lượng cuốn sách như hiện có, chúng tôi cho rằng đây là một tập bài viết tốt, cung cấp nhiều thông tin bổ ích liên quan đến tiếng Việt và tiếng Hán ở góc nhìn “tài tử” mà một trí thức yêu mến tiếng mẹ đẻ của mình như anh Nguyễn Hải Hoành đã thể hiện. Tôi tin rằng, bạn đọc nào có trong tay cuốn sách cũng sẽ yêu mến nó, hứng thú và say mê đọc cuốn sách như chúng tôi đã đọc nó để viết những dòng này.