Dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị COVID-19 song nhiều quốc gia đã phê chuẩn thuốc kháng virus và một số loại thuốc kháng thể khác để điều trị cho bệnh nhân.

Các công ty và nhóm nghiên cứu trên thế giới tìm kiếm các loại thuốc điều trị Covid-19 | Ảnh minh họa: ABS
Các công ty và nhóm nghiên cứu trên thế giới tìm kiếm các loại thuốc điều trị Covid-19 | Ảnh minh họa: ABS

SARS-CoV-2 và các biến chủng của nó sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại như cúm mùa. Do đó, các nhóm nghiên cứu và các công ty dược trên khắp thế giới đang chạy đua nghiên cứu phát triển các loại thuốc đặc trị COVID-19 để giảm khả năng nhập viện vì bệnh nặng cho bệnh nhân.

Cơ chế sinh bệnh của COVID-19 có thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu chủ yếu là quá trình virus SARS-CoV-2 nhân lên. Sau đó, diễn tiến bệnh được thúc đẩy bởi các phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cơ thể đối với virus, dẫn đến các tổn thương mô.

Dựa trên sự hiểu biết này, giới nhà khoa học cho rằng các liệu pháp tấn công trực tiếp vào virus corona sẽ có hiệu quả nhất trong giai đoạn đầu của bệnh. Họ muốn kiểm soát quá trình nhân lên này bằng cách dùng các thuốc kháng virus hoặc liệu pháp dựa trên kháng thể. Những loại thuốc này có tác động trước khi vật chủ phát triển được đáp ứng miễn dịch hiệu quả.

Ngoài ra, họ cũng cân nhắc các thuốc chứa chất điều biến miễn dịch và một số thuốc hỗ trợ khác. Chúng có thể có lợi hơn trong giai đoạn sau của bệnh COVID-19 sau khi cơ thể phát triển đáp ứng miễn dịch nhưng không đủ để chống chọi với virus hoặc quá mức làm tổn hại đến cơ thể.

Dù hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị COVID-19 song nhiều quốc gia đã phê chuẩn một số loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

CÁC DÒNG THUỐC ĐIỀU TRỊ CHÍNH

* Thuốc kháng virus

Remdesivir là loại thuốc kháng virus duy nhất hiện được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ tháng 2/2021 để điều trị COVID-19 cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên và nặng tối thiểu 40kg.

Remdesivir vốn được nghiên cứu để chữa bệnh Ebola hoành hành ở Tây Phi vào năm 2014, nhưng sau đó không được sử dụng rộng rãi do dịch bệnh biến mất. Cơ chế của thuốc này là ức chế cạnh tranh với RNA polymerase, một loại enzyme mà các dòng corona virus thường sử dụng để nhân lên trong cơ thể người, khiến enzyme này mất tác dụng, từ đó làm giảm lượng virus trong cơ thể.

Tuy nhiên, sử dụng remdesivir khá phức tạp - phải dùng theo đường tĩnh mạch mỗi ngày, thường dùng ở những bệnh nhân đã mắc bệnh nặng, cần phải thở oxy.

Favipiravir cũng là loại thuốc kháng virus có cơ chế tương tự như Remdesivir. Thuốc có sẵn dưới dạng dùng theo đường uống và theo đường tĩnh mạch. Từ năm 2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng Favipiravir để điều trị COVID-19, sau đó đến Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy….

Tại Mỹ, Favipiravir vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và cho thấy kết quả ban đầu trên các bệnh nhân nhẹ giai đoạn đầu.

Cuối tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học tại Viện Hóa học Việt Nam cũng đã công bố tổng hợp thành công một thuốc kháng virus mới Favipiravir với cơ chế hoạt động tương tự như thuốc Remdesivir trong phòng thí nghiệm.

Ngoài ra còn có Molnupiravirlà một loại thuốc đặc trị COVID-19 tiềm năng, do các chuyên gia của hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và công ty Ridgeback Biotherapeutics (Đức) phát triển. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 cho thấy hiệu quả 100% trên các bệnh nhân. Giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng cũng đang gần đi đến chặng cuối và tỏ ra hứa hẹn, kết quả dự kiến vào mùa thu năm nay. Nếu thuận lợi, Molnupinavir sẽ được đưa ra thị trường trong 4-5 tháng tới.

Molnupinavir có thể sử dụng dạng viên uống. Nếu thử nghiệm thành công, nó sẽ mở ra tương lai điều trị Sars-CoV-2 như điều trị các loại cúm khác. Ngày 9/7 vừa qua, phòng thí nghiệm Hetero của Ấn Độ đang xin cơ quan quản lý cấp phép thuốc Molnupiravir để sử dụng trong chương trình khẩn cấp sau khi nghiên cứu thử nghiệm ban đầu cho thấy thuốc có tác dụng giảm tỷ lệ nhập viện và tăng tốc độ hồi phục của các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ.

Ivermectin, một loại thuốc điều trị một số bệnh nhiễm ký sinh trùng, đã được chứng minh là có hoạt tính kháng virus phổ rộng, ức chế sự nhân lên của SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, các nghiên cứu dược động học và dược lực học cho thấy để đạt nồng độ huyết tương cần thiết để kháng coronavirus thì phải dùng liều lượng cao hơn 100 lần so với liều lượng được cho phép, do vậy chưa được phê duyệt và cũng bị FDA cảnh báo không nên sử dụng.

Tương tự, lopinavir và ritonavir, một dạng phối hợp đã được phê duyệt để điều trị HIV/AIDS, cũng thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng do nồng độ trong huyết tương tạo ra quá thấp và đã được WHO đình chỉ việc thử nghiệm trên bệnh nhân COVID-19 vào đầu tháng 7.

Chloroquine và một phiên bản ít độc hơn của nó là hydroxychloroquine (HCQ) cũng cho thấy khả năng ức chế SARS-CoV-2 nhân lên trong các tế bào ống nghiệm nhưng không ngăn được quá trình nhiễm bệnh ở khỉ và thất bại trong một số thử nghiệm lâm sàng chọn mẫu ngẫu nhiên ở người bệnh giai đoạn sớm và bệnh nhân nằm viện. Cũng có một số báo cáo cho thấy thuốc này có hại trên những bệnh nhân nặng. Do đó, WHO đã tạm dừng các thử nghiệm với HCQ, và FDA của Mỹ đã thu hồi các phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với hai loại thuốc này khi điều trị COVID-19.

* Thuốc kháng thể

Các liệu pháp dựa trên các kháng thể đơn dòng (Mabs) tỏ ra có lợi cho bệnh nhân ngoại trú ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Mabs đã chứng minh làm giảm tải lượng virus trong các chất bài tiết ở đường hô hấp, cải thiện các triệu chứng trên bệnh nhân ngoại trú có nguy cơ cao tiến triển bệnh, giảm số lần nằm viện và số lần đến khám ở phòng cấp cứu. Do thời gian bán hủy dài của hầu hết các Mab (khoảng 3 tuần), nên một lần truyền duy nhất là đủ.

Các thuốc kháng thể này, bao gồm bamlanivimab hoặc phối hợp casirivimab và imdevimab, đã có Giấy phép sử dụng khẩn cấp của FDA vào cuối năm 2020 cho bệnh nhân ngoại trú bị COVID-19. Tuy nhiên, bệnh nhân nằm viện vì COVID-19 không nên sử dụng, ngoại trừ phạm vi thử nghiệm lâm sàng.

Mabs có khả năng phòng ngừa cho những người đã tiếp xúc với những người bị COVID-19 và điều trị nhiễm trùng ở những người đang trong giai đoạn sớm của COVID-19, trước khi họ có đáp ứng miễn dịch hiệu quả. Nó cũng có thể được sử dụng để bảo vệ những người cao tuổi và bệnh nền - những người có thể không có đáp ứng bảo vệ mạnh sau khi tiêm chủng.

Mới đây nhất, ngày 20/7 Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve (gồm bộ đôi kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình. Thuốc Ronapreve cũng được cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc tạm thời ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Canada.

Ngoài ra còn có Hàn Quốc đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên toàn cầu với loại thuốc điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng thể có tên Rekirona do hãng dược Celltrion của Hàn Quốc bào chế. Kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc Rekirona giúp giảm 54% nguy cơ bệnh trở nặng so với những bệnh nhân không được sử dụng thuốc. Hồi tháng 2/2021, Cơ quan An toàn dược phẩm Hàn Quốc đã cấp phép cho Rekirona trở thành thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được sản xuất tại Hàn Quốc.

* Huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục

Huyết tương của những người đã hồi phục sau khi bị COVID-19 có các kháng thể có khả năng trung hòa virus. FDA đã cho phép sử dụng khẩn cấp huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục trên những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng tức thì nếu bác sĩ của bệnh nhân đó yêu cầu phải dùng thuốc mới nghiên cứu để cấp cứu.

Giấy phép này của FDA đã được cập nhật vào tháng 2/2021 sau những kết quả nghiên cứu mới hơn. Theo đó chỉ nên sử dụng huyết tương của bệnh nhân hồi phục có chuẩn độ cao, chỉ dùng dùng đối bệnh nhân nằm viện trong giai đoạn đầu và những người bị suy giảm miễn dịch không tạo ra đủ kháng thể nội sinh. Huyết tương của bệnh nhân hồi phục chuẩn độ thấp không được phép sử dụng.

* Thuốc điều biến miễn dịch

Nhóm thuốc corticosteroid, đặc biệt là dexamethasone, được dùng khi đáp ứng miễn dịch/viêm tăng quá mức có thể giúp cải thiện khả năng sống sót trên những bệnh nhân nằm viện cần oxy bổ sung, đặc biệt thấy có tác dụng lớn nhất ở bệnh nhân cần phải thở máy.

Thuốc ức chế cytokine: Các cytokine là các protein do một số tế bào nhất định trong cơ thể người tạo ra để báo hiệu một đáp ứng miễn dịch phối hợp với nhiễm trùng, viêm và chấn thương. Nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ra bão cytokine, khiến cơ thể tự gây hại cho chính mình và dẫn đến tử vong.

Do vậy, một số loại thuốc nhắm đích cytokine, bao gồm siltuximab, tocilizumab, sarilumab, anakinra, thuốc ức chế Janus kinase (JAK) và thuốc ức chế Bruton’s tyrosine kinase (BTK) đã được đề xuất để điều trị COVID-19. Ủy ban hướng dẫn điều trị COVID-19 của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) lưu ý rằng phần lớn thuốc ức chế loại này đang ở trạng thái không nên sử dụng để điều trị COVID-19 ngoài phạm vi thử nghiệm lâm sàng.

Interferon là một họ cytokine có đặc tính kháng virus. Trong thử nghiệm đối chứng với giả dược, interferon beta-1a dạng hít có lợi trên những bệnh nhân nằm viện bị COVID-19 không cần trợ thở. Ủy ban Hướng dẫn Điều trị COVID-19 của NIH khuyến cáo không nên sử dụng interferon để điều trị bệnh nhân bị COVID-19 nặng hoặc nguy kịch, ngoài phạm vi thử nghiệm lâm sàng.

* Thuốc chống đông máu

Hầu như tất cả mọi người nhập viện với COVID đều nhận được thuốc để giúp ngăn ngừa cục máu đông. Các bác sĩ thường kê toa heparin liều thấp hoặc enoxaparin. Ủy ban của NIH cho biết hiện không đủ dữ liệu để khuyến cáo hay phản đối việc sử dụng thuốc làm tan huyết khối hoặc sử dụng liều chống đông máu cao hơn, do vậy các bác sĩ luôn cần cân bằng nguy cơ chảy máu nguy hiểm khi kê đơn đầy đủ liều.

* Điều trị bằng y học cổ truyền

Thảo dược và y học cổ truyền (sử dụng một mình hoặc kết hợp với tây y) có thể cải thiện kết quả của bệnh nhân cho bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên cần thận trong khi diễn giải tuyên bố.

Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thúc đẩy mô hình sử dụng thuốc đông – tây y kết hợp trong phác đồ điều trị bệnh COVID-19. Các loại thuốc thảo dược, chẳng hạn như xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) được cho rằng có thể hỗ trợ để làm giảm tải lượng virus, kháng virus cho những người bệnh có triệu chứng nhẹ. Tuy vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên tự ý sử dụng các sản phẩm này nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Mặc dù kết quả trong phòng thí nghiệm về dược phẩm có nguồn gốc thảo dược cho kết quả khả quan với virus corona, nhưng do số lượng và chất lượng các nghiên cứu lâm sàng của nó đối với điều trị COVID-19còn chưa cao, nên một số chuyên gia của WHO cho rằng chưa có đầy đủ bằng chứng cho thấy loại thảo dược này là phương thuốc hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2. Thái Lan và nhiều nước châu Á đã đưa một số loại thuốc y học cổ truyền vào hỗ trợ điều trị COVID-19.

Ở Việt Nam, đầu tháng 8/2021, các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học & công nghiệp Việt Nam đã tuyên bố kết quả thành công bước đầu trong phòng thí nghiệm khi đưa nhiều loại thảo dược cổ truyền thành một sản phẩm bào chế hiện đại mang tên Vipdervir. Sản phẩm đã bắt đầu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Nếu thuận lợi, loại dược phẩm này có khả năng được cấp phép lưu hành vào cuối năm 2021.

HI VỌNG ĐAN XEN

Nhìn chung, các nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 hiện vẫn còn nhiều thách thức, vì không phải loại thuốc nào cũng có tín hiệu tích cực. Trong khi cuộc đua điều chế vaccine đã có những sản phẩm về đích và đang được sử dụng rộng rãi, thì đến nay cuộc đua nghiên cứu và phát triển thuốc đặc trị COVID-19 vẫn còn bỏ ngỏ.

Giống như việc khởi động một bộ máy, vai trò của vaccine là kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, trong khi đó các loại thuốc điều trị hiệu quả phía sau phải tham gia hỗ trợ cơ thể trong nhiều quá trình hoạt động phức tạp tiếp theo để chống lại kẻ thù - từ ngăn chặn virus lây lan đến tấn công vào virus và bảo vệ cơ thể khỏi những cơ chế quá khích, đồng thời đủ chọn lọc để tránh can thiệp vào các tế bào khỏe mạnh.

Việc virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục khiến việc tìm ra một loại thuốc hiệu quả cũng là một thách thức lớn. Các biến thể Alpha và Delta có khả năng kháng thuốc, do vậy việc phát triển các thuốc kháng virus hiệu quả cần nhắm vào các mục tiêu bảo tồn bên trong hiếm khi thay đổi ngay cả khi bề mặt virus biến dạng. Đó là một quy trình phức tạp và vô cùng tốn kém.