Mỗi sản phẩm khoa học ra đời đều có những câu chuyện riêng của nó. Với VIPDERIVIR, một sản phẩm nghiên cứu của PGS. TS Lê Quang Huấn (Viện Công nghệ sinh học) và các cộng sự tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với mục tiêu điều trị bệnh COVID-19, đã phải hứng chịu rất nhiều sóng gió ngay sau buổi họp báo trực tuyến ngày 10/8/2021.

Có lẽ, ngay từ thời điểm ra mắt, VIPDERVIR đã nhận được sự chú ý của đông đảo người dân – những người đang mong chờ một phương thuốc đặc trị COVID, bên cạnh các liều vaccine tiêm chủng, và cả giới chuyên môn – những nhà nghiên cứu y dược cổ truyền, hóa dược, hợp chất thiên nhiên, dược học… quan tâm đến việc chuyển hóa một bài thuốc cổ truyền thành một sản phẩm dưới dạng bào chế hiện đại và được tuyên bố sẽ thành thuốc nay mai. Giữa làn sóng bủa vây của đại dịch và gánh nặng bệnh tật, còn gì vui hơn khi từ một buổi họp báo, người ta có thể đón nhận được thông tin tốt lành: nếu vượt qua được “cửa ải” thử nghiệm lâm sàng và được Bộ Y tế cấp phép, VIPDERVIR sẽ được chính thức đưa vào điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa ở Việt Nam.

Nhưng thật ra, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.

PGS. TS Lê Quang Huấn (bên phải) phát triển sản phẩm dựa trên một phương thuốc cổ truyền. Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Thuốc hay chưa phải là thuốc?

Ngay tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục KHCN và Đào tạo (Bộ Y tế) đã cho biết, theo hồ sơ đề xuất thử nghiệm lâm sàng VIPDERVIR của PGS.TS Lê Quang Huấn và cộng sự, sản phẩm này sẽ hướng đến đích là “thuốc điều trị chứ không phải hỗ trợ điều trị”. Do xuất phát của sản phẩm nghiên cứu này là phương thuốc từ y học cổ truyền nên “Hội đồng đạo đức [trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế)] đã chấp nhận cho thử nghiệm giai đoạn hai và ba, đối tượng đích là bệnh nhân”. Trong cuộc họp, PGS.TS Chu Hoàng Hà, Viện phó Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cũng giới thiệu bài thuốc được PGS. TS Lê Quang Huấn khai thác từ y văn cổ truyền và một số tài liệu nghiên cứu sau này như “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi.

Vậy VIPDERVIR có những ưu điểm gì khiến nó có thể thuyết phục được các thành viên của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia chấp thuận qua vòng thử nghiệm tiền lâm sàng? Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), sản phẩm này có biện chứng rất rõ về y học cổ truyền và việc phân tích dựa trên các hợp chất theo phương pháp hiện đại. Khi nhìn vào mấy chục thành phần của VIPDERVIR với xuyên tâm liên, thanh hao hoa vàng, diếp cá, hoàng cầm, đinh hương, cam thảo, sài hồ, hòe hoa…, ông phân tích, “sự phối ngũ của bài thuốc này rất tuyệt vời” (phối ngũ là việc sử dụng hai vị thuốc trở lên căn cứ vào yêu cầu điều trị, tính năng dược vật tạo thành các bài thuốc dùng trên lâm sàng). “Bài thuốc này có hai chủ vị để điều trị là xuyên tâm liên và thanh hao hoa vàng. Xuyên tâm liên từ trước đến nay vẫn được sử dụng rất nhiều trong việc điều trị các bệnh cảm cúm – chứng ôn bệnh, ôn dịch; thanh hao hoa vàng từng được bà Đồ U U (Trung Quốc) chiết xuất ra chất Artemisinin (thanh hao tố) để điều trị sốt rét mà người ta vẫn gọi là chứng ngược tật”. Trước đó, Trung Quốc và Thái Lan cũng đã tuyên bố rộng rãi về việc sử dụng xuyên tâm liên như vị chủ của sản phẩm điều trị bệnh nhân thể nhẹ và vừa.

Tuy nhiên, không thể nhắm mắt lạm dụng xuyên tâm liên vì nó ẩn chứa một số tác dụng phụ khiến “nếu sử dụng kéo dài thì bản thân tính vị khổ, hàn sẽ làm tổn thương dương khí của cơ thể, trong khi sau quá trình nhiễm virus người bệnh vốn đã bị tổn thương dương khí rồi”, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh diễn giải. Vì vậy việc “bổ sung diếp cá, hòe hoa để thanh nhiệt, ngoài ra còn có hoàng cầm, đinh hương, trong đó đinh hương kiện tì ích khí, bổ thận nên làm giảm tác dụng phụ của xuyên tâm liên và thanh hao hoa vàng. Cam thảo để điều hòa, dẫn thuốc, sài hồ cũng có tác dụng hòa hoãn để điều hòa cơ thể, để cơ thể cảm thấy thoải mái”, ông nói. “Qua nghiên cứu, chúng tôi cũng phát hiện ra, đa phần bệnh nhân mắc Covid-19 đều ở thể nhiệt nhưng cũng có tính hàn nhưng [bài thuốc] đã bổ sung đinh hương để hạn chế tính hàn”.

Tuy đưa một bài thuốc cổ truyền thành một sản phẩm bào chế hiện đại như VIPDERVIR không phải dễ thực hiện nhưng không phải là không làm được, nhất là sau thành công với ba loại thuốc đã được cấp phép lưu hành là viên nén Jinhua Qinggan, viên nhộng Lianhua Qingwen và thuốc tiêm Xuebijing của các nhà khoa học Trung Quốc vào năm 2020. PGS. TS Lê Quang Huấn cho biết tại buổi họp báo, bài thuốc cổ phương mà ông khai thác là nền tảng để ông và cộng sự bắt đầu một nghiên cứu mới. “Chúng tôi đã sử dụng công nghệ hiện đại tin sinh học (Docking với phần mềm AutoDock), công nghệ sinh học mới để sàng lọc các hoạt chất chính có trong các thảo dược có ái lực liên kết mạnh với các đích phân tử là protein gai của SARS-CoV-2 và thụ thể ACE2 - các phân tử liên quan tới quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus, kết hợp với kết quả đúc rút từ một số công bố quốc tế gần đây của các nhà khoa học Trung Quốc để xác định tổ hợp các loại thảo dược chứa các hoạt chất đã sàng lọc có ái lực liên kết cao với các phân tử đích”, ông giới thiệu sơ bộ về quá trình hiện đại hóa bài thuốc cổ phương.

Mặc dù quá trình sàng lọc hoạt chất (có thuốc hóa dược) tạo ra các tổ hợp thuốc in silico (trên máy tính), được thử nghiệm in vitro (trong ống nghiệm) trên mẫu virus H5N1 tại phòng thí nghiệm Viện Công nghệ sinh học, trên mẫu virus SARS-CoV-2 ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, in vivo (trên cơ thể sống) của thỏ tại Bộ môn Dược lý (ĐH Y Hà Nội) cho một số kết quả mong đợi về khả năng ức chế tăng sinh của virus, kích hoạt tế bào miễn dịch của vật chủ nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định tác dụng của sản phẩm và gọi nó là thuốc. Ông Nguyễn Ngô Quang cũng thừa nhận “không nên gọi ngay là thuốc, nó chỉ là kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng. Nếu đưa thông tin là thuốc điều trị thì cộng đồng sẽ hiểu là [Viện] đưa ra thuốc có thể sử dụng được”.

Ba ngày sau trên báo Sức khỏe và đời sống, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đồng tình với nhận định này khi nêu rõ sự phức tạp của quá trình đưa một chất tiềm năng trở thành thuốc: trong khoảng 10 loại chất được thử lâm sàng trên người, trung bình chỉ một chất vượt qua được ba pha thử nghiệm và đủ tiêu chuẩn được cấp phép là thuốc. Bà cũng lưu ý thêm một chi tiết chưa được ai chú ý trong buổi họp báo, “một sản phẩm đưa vào thử nghiệm lâm sàng nói chung chỉ nên đặt tên bằng mã số nghiên cứu, không nên thiết kế nhãn với các thông tin như thuốc đã được cấp phép lưu hành. Đương nhiên, các thông tin ban đầu nếu đưa vào nhãn của sản phẩm thử nghiệm sẽ không chính xác bởi mục đích của thử nghiệm lâm sàng là nhằm tìm ra các thông tin, đặc tính của thuốc để đưa lên nhãn”.

Sóng gió từ nhà tài trợ

Những bàn tán về sản phẩm VIPDERVIR chưa dừng lại ở chi tiết là thuốc hay không là thuốc, thậm chí, nó còn gây bất ngờ với cả người trong cuộc - ở đây là các nhà khoa học và các nhà quản lý.

Trong buổi họp báo, có một chi tiết khiến ai cũng cảm thấy vui: việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm VIPDERVIR ở Viện Hàn lâm có nhà tài trợ là Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, một công ty hoạt động trong các lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ năm 2005. Tại thông cáo báo chí của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng nêu rõ, công nghệ bào chế thuốc điều trị COVID-19 của Việt Nam là kết quả của sự phối hợp giữa Viện Công nghệ sinh học với Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, Công ty Cổ phần Hóa dược Việt Nam. Ông Nguyễn Ngô Quang cho rằng, trong sản phẩm này có sự kết hợp của bốn nhà: ngoài nhà khoa học của khối nghiên cứu cơ bản và khối lâm sàng, nhà quản lý, nhà sản xuất, còn có nhà tài trợ. “Có thể nghiên cứu cơ bản mà PGS. TS Lê Quang Huấn triển khai có sự đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng để đi thêm các bước đánh giá tiền lâm sàng và lâm sàng thì phải có các nhà tài trợ. Nếu không có họ thì dự án vẫn có thể tiến hành nhưng sẽ là trong thời gian rất dài”, ông nhấn mạnh đến vai trò của công ty Vinh Gia và cho biết thêm, “dự án này có công ty Vinh Gia nên tiến độ triển khai rất nhanh. Tôi hi vọng là người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với thuốc trong thời gian nhanh nhất”.

Nếu tiến triển theo đúng cách thức này thì đây thực sự là một ví dụ đẹp về sự hợp tác giữa nhà nghiên cứu và nhà tài trợ khi cùng góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện sản phẩm và làm ra được sản phẩm có khả năng tham gia điều điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa như mong đợi. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra trên chặng đường còn nhiều gian truân: sau buổi họp báo ngày 10/8, công ty Vinh Gia quảng cáo về sản phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR C, được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành ngày 29/6, với công dụng được cho là “hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do virus, do sức đề kháng kém gây ra”.

Đó là lý do vào ngày 12/8, Viện Công nghệ sinh học đã có Công văn số 421/CHSH nêu rõ việc Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đơn phương sản xuất, đăng ký lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR-C là không đúng với nội dung hợp đồng Hợp tác công nghệ sản xuất (chế phẩm VIPDERVIR) do Viện và Công ty ký ngày 20/3/2020. Vì vậy, Viện yêu cầu Công ty thay đổi tên VIPDERVIR-C để tránh hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Mặc dù sự ồn ào này đã là một thứ “quảng cáo” hữu hiệu khi khiến cả hai sản phẩm trở nên nổi tiếng, ví dụ gõ từ khóa “VIPDERVIR” trên Google, người ta có được 97.800 kết quả trong vòng 0,55 giây thì với từ khóa “VIPDERVIR-C” là 103.000 kết quả trong vòng 0,71 giây, nhưng hẳn những nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm không cảm thấy vui vẻ gì với tình huống trớ trêu. Ngược lại, họ rất buồn về việc “đứa con tinh thần” của mình bị đánh cắp một cách trắng trợn.

Rất may tình thế đã phần nào được cứu vãn khi vào ngày 13/8, hai bên đã có buổi làm việc và đi đến thống nhất là sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm thuốc thử nghiệm VIPDERVIR điều trị COVID-19 ở giai đoạn lâm sàng và Vinh Gia đồng ý đổi tên sản phẩm VIPDERVIR C, theo thông tin từ trang web của Viện Công nghệ sinh học.

Do đó, từ thời điểm này, hai bên vẫn có thể cùng nhau đi trên con đường thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và ba tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đức Giang và Đống Đa trên 260 bệnh nhân mắc COVID thể nhẹ và vừa. “Số lượng tham gia ở giai đoạn hai là 60 người để dò liều tối ưu. Kết thúc giai đoạn hai, chúng ta sẽ có được đánh giá về độ an toàn và giảm tải lượng virus của các liều và liều tối ưu; sau đó chuyển sang giai đoạn ba với khoảng 200 người ở liều tối ưu để đối chứng giữa hai nhóm phác đồ nền và phác đồ nền cộng với sản phẩm nghiên cứu, thời gian dự kiến ba tháng. Cộng thêm một đến hai tháng đánh giá tổng kết, chúng tôi dự kiến đến cuối năm nay có thể tiến hành cấp phép lưu hành thuốc này”, ông Nguyễn Ngô Quang nói.

Giữa lúc đại dịch COVID vẫn còn phức tạp, bệnh nhân đang được điều trị với số lượng lớn và nhiều địa phương đang phải giãn cách xã hội để chống dịch thì việc một công ty có tên trong một nghiên cứu về sản phẩm điều trị COVID-19 mới vượt qua thử nghiệm tiền lâm sàng đã tung ra sản phẩm bảo vệ sức khỏe có tên na ná như vậy là một hành động trục lợi và đáng trách về đạo đức nghề nghiệp.

Ý kiến của một người nghiên cứu phát triển thuốc.

Theo PGS. TS Lê Quang Huấn, sản phẩm có hiệu quả điều trị cao nhất trên cơ sở có được sự tương tác cộng hưởng của các hoạt chất theo các cơ chế: cơ chế khác nhau: (1) Ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ; (2) Ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào, nghĩa là đối với những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ cũng sẽ mất khả năng tăng sinh; (3) Kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu Việt Nam đang nghiên cứu về dược lý di truyền và phát triển vaccine tại Mỹ cho biết, cũng cần cẩn trọng với phương pháp Docking trong thiết kế thuốc bởi ngay cả Remdesivir có đích đặc hiệu nhưng trên thực tế lại bám không đặc hiệu vào tế bào như người ta mong muốn.