Có, vì vaccine giúp tăng cường hơn nữa phản ứng miễn dịch tự nhiên và đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và gây tử vong trong tương lai.

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới tăng nhanh đã làm dấy lên một câu hỏi: Những người đã mắc COVID-19 và khỏi bệnh có cần phải tiêm phòng nữa không?

Khả năng miễn dịch tự nhiên là một tác nhân mạnh chống lại một số bệnh, chẳng hạn như thủy đậu và sởi. Người sống sót sau một ca nhiễm bệnh sởi tự nhiên có khả năng miễn dịch tương đương - hoặc trong một số trường hợp, còn vượt trội hơn so với tiêm chủng, Ruth Karron, bác sĩ nhi khoa và giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, cho biết.

Các nghiên cứu đến nay cho thấy, ngay cả một liều vaccine (cả vaccine mRNA như Pfizer và Moderna và vaccine adenovirus như AstraZeneca) đều tăng cường khả năng miễn dịch hơn nữa cho những người đã từng mắc bệnh.

Allison Greaney, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết: “Tôi khuyên những ai chưa được tiêm chủng hãy tiêm và tiêm càng sớm càng tốt."

Một nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine COVID-19.

Nhóm của Greaney đã công bố một nghiên cứu cho thấy đối với COVID-19, vaccine tạo ra khả năng bảo vệ mạnh hơn miễn dịch tự nhiên. Nhóm đã nghiên cứu các kháng thể của những người đã khỏi bệnh sau COVID-19, và của những người đã nhận được hai liều vaccine mRNA của Moderna.

Cả hai nhóm đều tạo ra các kháng thể nhắm vào vùng liên kết thụ thể của virus (RBD). Phần này của virus SARS-COV-2 giúp nó bám vào và xâm nhập vào tế bào người. Nếu các kháng thể gắn vào RBD, virus sẽ bị vô hiệu hóa.

Nhưng điểm khác biệt là các kháng thể của những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục hầu hết chỉ có thể gắn vào một khu vực của RBD, và khu vực này đã bị đột biến ở một số biến thể của SARS-CoV-2.

Ngược lại, các kháng thể của những người được tiêm chủng có thể gắn vào nhiều khu vực của RBD. Vì thế, khi một khu vực của RBD đột biến, kháng thể vẫn có thể gắn vào các khu vực khác của RBD chưa bị thay đổi ở các biến thể như Beta, Gamma và Delta và vô hiệu hóa các biến thể này.

Bằng chứng sơ bộ từ các nghiên cứu được thực hiện ở Vương quốc Anh và Ấn Độ cũng cho thấy một mũi vaccine Oxford-AstraZeneca giúp tăng cường phản ứng miễn dịch ở các nhân viên y tế đã từng nhiễm COVID-19.

SARS-COV-2 "luôn cố gắng" che giấu RBD của nó, sử dụng thủ thuật phân tử để làm kháng thể khó tìm thấy khu vực này, vì đây là phần dễ bị tổn thương nhất của virus, theo Amy Hartman, phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm và vi sinh vật tại Đại học Pittsburgh. Nhưng vaccine được chế tạo để nhắm vào RBD và gửi các kháng thể mạnh đến nó. Và những phát hiện trong nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch từ vaccine mRNA “dường như mạnh hơn khả năng miễn dịch tự nhiên trong nhiều trường hợp,” Greaney nói.

Vaccine COVID-19 tạo ra mức độ kháng thể cao, thậm chí cao hơn so với những người đã khỏi sau khi bệnh nặng, Karron, người không tham gia nghiên cứu nói trên, cho biết. Nghiên cứu này của nhóm Fred Hutchinson cho thấy tiêm chủng “mang lại cho chúng ta nhiều kháng thể hơn và chất lượng của kháng thểtốt hơn,” Karron nói thêm. "Đó là vấn đề cả về số lượng và chất lượng."

Karron lưu ý, một trong những “bí ẩn lớn chưa được giải đáp” của SARS-CoV-2 là một số người sau khi khỏi bệnh sẽ phát triển các phản ứng miễn dịch mạnh, một số người thì không - mức độ kháng thể của họ giảm nhanh chóng sau khi khỏi bệnh.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, một liều vaccine làm tăng mức kháng thể ở những bệnh nhân đã hồi phục, mang lại cho họ phản ứng miễn dịch tương đương với hai mũi tiêm ở những người chưa từng mắc bệnh.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo "nên chủng ngừa bất kể bạn đã từng nhiễm COVID-19 hay chưa". Nguyên do là vẫn chưa rõ miễn dịch tự nhiên kéo dài bao lâu sau khi khỏi bệnh, và có khả năng người đã khỏi bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm.

Theo CDC, nếu bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị bằng kháng thể đơn dòng hoặc huyết tương dưỡng bệnh, nên đợi 90 ngày trước khi chủng ngừa COVID-19.

Nguồn: