Trong quá khứ, Afghanistan – đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan (theo cách nói của phương Tây) – đã từng là một xứ sở bình yên và sùng Phật giáo.

Đế quốc Kushan (Quý Sương)1 đã du nhập Phật giáo vào Afghanistan (khi ấy thuộc vùng đất cổ Bactria) từ thế kỷ thứ I. Kanishka Đại đế (Ca Nị Sắc Vương, vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Kushan, tại vị từ năm 127 đến 151) cũng là một nhà bảo trợ Phật giáo nhiệt thành. Điều này đã góp phần vào sự phát triển của Con đường Tơ lụa (Silk Road)2 và thúc đẩy Phật giáo vượt dãy Karakoram (cao 8.611 m) đến với Ấn Độ, Trung Hoa cùng nhiều quốc gia Đông Á khác.

Tượng Phật cao 53 m tại Bamiyan bị Taliban phá hủy vào năm 2001.
Ảnh: Bộ Ngoại giao Afghanistan.

Sau khi chiếm được toàn bộ khu vực Trung Á, người Hồi giáo đã hủy diệt hầu hết những di sản Phật giáo tại nơi này. Sang thời hiện đại, sau nhiều thế kỷ xung đột sắc tộc và chiến tranh liên miên, vô số di tích khảo cổ quan trọng cùng các cổ vật quý giá đã bị tàn phá hoặc thất lạc.

Năm 2001, Taliban cho nổ mìn hai bức tượng Phật khổng lồ – được tạc trên vách đá vào khoảng thế kỷ III đến thế kỷ VI – còn sót lại gần thị trấn Bamiyan, nơi từng là một trung tâm Phật giáo vô cùng hưng thịnh trong quá khứ, theo mô tả của pháp sư Huyền Trang đời Đường (thế kỷ thứ VII) là “có cả chục tu viện và hàng ngàn nhà sư”. Hai bức tượng cao lần lượt 36,5 và 53,3 m, được sơn vàng chói lọi và trang hoàng bằng những viên đá quý rực rỡ. Trước khi bị phá hoại, tượng Phật tại Bamiyan đã là một di sản văn hóa nổi tiếng, thu hút rất đông du khách và người hành hương từ khắp nơi trên thế giới.

Một di chỉ tháp xá lợi (nơi chứa hài cốt cao tăng) được khai quật tại Mes Ainak. Ảnh: Jerome Starkey/Wikimedia.

Nằm bên bờ sông Khulm, tỉnh Samangan ghi dấu ấn vì có một quần thể tu viện được xây cất trong hang động đá và tòa bảo tháp Takht-e-Rostam liền kề (cũng được đẽo từ đá) – tọa lạc trên đỉnh đồi cách địa giới tỉnh khoảng 3km. Theo truyền thuyết, đây chính là nơi mà nhà vua Rostam (vị anh hùng trong thần thoại Ba Tư) đã làm lễ thành hôn với nàng Tamina. Takht-e-Rostam mang nghĩa đen là “ngai vàng của Rostam” và tòa tháp được xây dựng trong giai đoạn suy tàn của Đế chế Kushan (vào khoảng thế kỷ IV, V). Kushan sau đó bị xóa sổ bởi những cuộc xâm lăng của người Hephthalite (Hung trắng), Huns (Hung nô) và đế quốc Gupta3 ở phía Đông.

Điểm độc đáo của Takht-e Rostam so với các kiến trúc bảo tháp Phật giáo khác là nó không nằm trên nền đất mà được tạc thẳng vào đá núi, có một khối đá vuông (Harmika) chống đỡ và bao quanh là một hào nước sâu 8m – phong cách khá giống những nhà thờ đá nguyên khối tại Ethiopia4. Phương án xây dựng như vậy có lẽ là để ngụy trang công trình khỏi ánh mắt nhóm ngó của người ngoài, hay đơn giản hơn là để tránh cái nóng khắc nghiệt của mùa hè.

Phần còn sót lại của một bức tượng Phật.
Ảnh: Simon Norfolk/Nat Geo.

Một khu di tích Phật giáo quan trọng khác tại Afghanistan cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng nằm ở vùng Mes Aynak – cách thủ đô Kabul khoảng 40 km về phía Đông Nam. Từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VIII, tại nơi này đã từng có một quần thể tâm linh đồ sộ với nhiều tu viện, thiền phòng,… được bảo vệ nghiêm ngặt bởi tường cao và tháp canh. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm bức tượng Phật, bảo tháp, đồ trang sức bằng vàng và những mảnh bích họa cùng vô số hiện vật khác ở đây. Cả quần thể tọa lạc trên phần đỉnh của một khu mỏ đồng (vẫn còn nguyên sơ) thuộc loại lớn nhất thế giới với trữ lượng lên tới 12,5 triệu tấn và trị giá hàng chục tỷ USD.

Năm 2007, Chính phủ Afghanistan cấp phép cho một công ty Trung Quốc được khai thác đồng tại Mes Aynak với kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế địa phương – vốn đang hết sức èo uột. Tuy nhiên, dự án chưa từng có tiền lệ này đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng khảo cổ quốc tế do những lo ngại việc khoan sâu vào lòng đất sẽ phá hỏng các di sản. Hiện tại, những nhà hoạt động vẫn đang tìm cách kêu gọi tài trợ hàng triệu USD để thu thập và phục chế càng nhiều hiện vật càng tốt trước khi quá muộn.

Chú thích

1. Đế quốc Quý Sương từng là một cường quốc cổ đại tại khu vực Trung Á, vào thời đỉnh cao (năm 105-250) có lãnh thổ trải dài từ Tajikistan đến tận bờ Biển Caspi, và từ Afghanistan xuống tới lưu vực sông Hằng ngày nay. Đế chế này được dựng lên bởi bộ lạc Quý Sương thuộc dân Nguyệt Chi đến từ Tân Cương. Nằm tại trục giao thương huyết mạch của Trung Á, Quý Sương có quan hệ bang giao với Đế chế La Mã, Ba Tư Sassanid, nhà Đông Hán (Trung Hoa), … và là trung tâm trao đổi giữa phương Đông với phương Tây trong vài thế kỷ.

2. Con đường Tơ lụa là tuyến thương mại nổi tiếng nối châu Á với châu Âu (hay phương Đông và phương Tây) trong hơn 1000 năm (khoảng 114 TCN – 1450) với chiều dài cơ sở lên đến 4.000 dặm (6.437 km). Lộ trình của nó bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Trường An (Trung Hoa) đi qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, quanh vùng Địa Trung Hải và đến Tây Âu. Ngoài ra, tuyến đường này còn có cả nhánh tới Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam,…

3. Vương triều Gupta tồn tại trong giai đoạn những năm 319 – 467 tại miền Bắc Ấn Độ, Đông Nam Pakistan, một phần của Gujarat và Rajasthan (ngày nay là Tây Ấn Độ và Bangladesh).

4. Trên một ngọn núi gần thị trấn Lalibela cách thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khoảng 645 km có một quần thể bao bao gồm 11 tòa giáo đường mang kiến trúc thời Trung Cổ được tạc từ đá nguyên khối.