Cứ thêm một năm người mẹ được đến trường nhờ Luật Phổ cập giáo dục tiểu học thì làm giảm đến 29,4% tỷ lệ tử vong ở trẻ em - theo phát hiện mới của các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu đã giảm hơn 50% trong giai đoạn 1990–2015. Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ vẫn là một thách thức lớn đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi chiếm tới 80% số ca tử vong dưới 5 tuổi trong năm 2020. Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, khoảng 40% các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ không đạt mục Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2030. Vì vậy, việc xây dựng các chiến lược để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em là một câu hỏi chính sách quan trọng đối với chính phủ các nước này. Một trong những biện pháp được đề xuất là nâng cao trình độ giáo dục của cha mẹ.
Năm 1991, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, quy định tất cả trẻ em 6 tuổi phải được học lớp 1 ngay từ đầu năm học và phải hoàn thành lớp cuối cùng của tiểu học (lớp 5) trước 14 tuổi. Luật bắt đầu có hiệu lực từ năm học 1991–1992. Chính quyền địa phương có trách nhiệm thực thi Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, và hình phạt đối với cha mẹ không tuân thủ luật này có thể từ khiển trách đến phạt tiền. Trước đó, Việt Nam không có luật nào quy định trẻ em phải đi học ở bất kỳ cấp độ giáo dục nào, nghĩa là trình độ học vấn của một cá nhân chỉ phụ thuộc vào quyết định của gia đình họ. Do đó, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học đã tăng số năm học bắt buộc từ 0 lên 5 năm ở Việt Nam.
Trong một bài báo mới đây trên Tạp chí World Development, nhóm tác giả Việt Nam và Nhật Bản đã sử dụng việc ban hành Luật Phổ cập giáo dục tiểu học như một thí nghiệm tự nhiên để cung cấp bằng chứng mới về tác động của trình độ học vấn của cha mẹ đối với tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Sử dụng dữ liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 và thiết kế gián đoạn hồi quy, nghiên cứu chỉ ra Luật Phổ cập giáo dục tiểu học đã làm tăng thời gian đi học trung bình khoảng 0,55 năm ở phụ nữ và 0,53 năm ở nam giới.
Trong đó, cứ thêm một năm người mẹ được đến trường nhờ Luật Phổ cập giáo dục tiểu học thì làm giảm đến 29,4% tỷ lệ tử vong ở trẻ em, với phần lớn cải thiện tập trung ở những phụ nữ sống ở vùng nông thôn, là dân tộc thiểu số và trẻ em gái. Kết quả cho thấy Luật Phổ cập giáo dục tiểu học chủ yếu có lợi cho các nhóm yếu thế - những người có khả năng có trình độ học vấn thấp nhất. Mặc dù sự cải thiện trong trình độ học vấn của người cha cũng có tác động làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nhưng tác động này giảm dần về quy mô và trở nên không đáng kể về mặt thống kê khi kiểm soát trình độ học vấn của mẹ.
Nghiên cứu còn cho thấy một số cơ chế quan trọng mà thông qua đó tiếp cận giáo dục của người mẹ có thể làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Đầu tiên, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học làm tăng khả năng người mẹ hoàn thành chương trình giáo dục trung học và có công việc được trả lương. Cơ chế này có thể giúp cải thiện sức khỏe của con cái họ thông qua dinh dưỡng tốt hơn, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhiều thông tin về chăm sóc con cái hơn. Ngoài ra, những phụ nữ có thêm một năm đi học có nhiều khả năng trì hoãn tuổi kết hôn và sinh con con đầu lòng cũng như sinh ít con hơn.
Những phát hiện từ nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành Luật Phổ cập giáo dục tiểu học tại Việt Nam, không chỉ giúp tăng trình độ học vấn trung bình của người dân mà còn tạo ra những tác động tích cực về sức khỏe cho thế hệ tiếp theo.
Nguồn:
Trà My