Nếu được chọn năm loài côn trùng đã thay đổi sâu sắc nhân loại kể từ khi con người Homo sapiens lần đầu tiên chế tạo công cụ và tạo ra lửa, bạn sẽ chọn những loài nào?

Với 1,1 triệu loài mà con người đã biết và mười nghìn tỷ cá thể côn trùng nhảy nhót, vo ve, đào hang và bơi lội, đây quả thực là một nhiệm vụ gian nan. Theo bản năng, có thể bạn định chọn những loài mang tiếng là chứa mầm bệnh và gây hại cho con người. Ví dụ, bọ chét chuột gây ra đại dịch Cái chết đen, cướp đi sinh mệnh của hơn 1/3 dân số thế giới vào thế kỷ XIV. Bệnh sốt rét do muỗi truyền nhiễm giết hơn nửa triệu người mỗi năm. Chấy rận kí sinh cơ thể người truyền bệnh sốt phát ban – căn bệnh góp phần khiến Đại quân của Napoleon thua trận ở Moscow (Nga). Những loài phá hoại mùa màng như châu chấu, quanh quẩn xó bếp khiến chúng ta sợ hãi (và ghê tởm) như gián, và loài tự vệ bằng cú chích đau điếng như kiến ba khoang...

Nhưng, khi xét tới bức tranh toàn cảnh về đa dạng sinh học, các loài côn trùng khó chịu kể trên chỉ là những nhánh nhỏ trên cây sự sống của côn trùng. Phần lớn các loài sáu chân còn lại có tác động vô cùng tích cực tới cuộc sống của nhân loại, thông qua các lợi ích từ hệ sinh thái (thụ phấn và phân hủy), hoặc trong quá trình định hình văn hóa của chúng ta.

Chúng ta hãy cùng xem xét năm loài côn trùng đồng minh nhé!

Con tằm (Bombyx mori)


Tương truyền, Hoàng hậu Luy Tổ lập ra nghề nuôi tằm ở Trung Hoa hơn 5.000 năm trước. Khi bà ngồi nhâm nhi chén trà nóng dưới gốc cây dâu tằm, một chiếc kén rơi vào chén và bung ra sợi tơ bóng. Mê đắm trước màu sắc óng ả của sợi tơ, bà bắt đầu thử nghiệm cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ và dệt lụa. Thời đó, tơ lụa rất quý giá, chỉ dành cho vua chúa, quý tộc. Nó là mặt hàng chính trên Con đường Tơ lụa – mạng lưới các con đường buôn bán cổ đại đã biến đổi nền kinh tế của các quốc gia, lan tỏa những sáng kiến mới lạ, ngôn ngữ, tôn giáo và hàng hóa trên khắp các vùng đất rộng lớn của thế giới. Kỹ thuật nuôi tằm và hạt dâu tằm là bí mật quốc gia, kẻ dám để lộ phải chịu hình phạt tàn khốc như tử hình, lưu đày.

Những con tằm dệt kén tại trang trại nuôi tằm. Nguồn: Temur Ismailov
Những con tằm dệt kén tại trang trại nuôi tằm. Nguồn: Temur Ismailov

Nhưng, chẳng bí mật nào mãi mãi là bí mật, con tằm cùng kỹ thuật nuôi trồng được truyền sang các nước đồng văn khi người Trung Quốc di cư tới đó. Và từ đây quyền lực đã thay đổi. Ví dụ, Nhật Bản sẽ không thể trở thành cường quốc quân sự và kinh tế nếu không xuất khẩu tơ lụa.

Tơ lụa được đánh giá cao vì không gây kích ứng da, có độ bền kéo cao, đàn hồi, mỏng nhẹ và thoáng khí. Những đặc tính như vậy đã thu hút các kỹ sư muốn tạo ra sản phẩm mô phỏng tổng hợp để thúc đẩy kỹ thuật mô, hệ thống truyền dẫn thuốc trong cơ thể, chỉ phẫu thuật, bao bì phân hủy sinh học và cảm biến sinh học. Tơ lụa còn đi vào bảo tàng nghệ thuật và thời trang. Tuy nhiên, chính lòng say mê loại vải này và lòng tham đã khiến ta thuần hóa loài sâu này lâu tới nỗi chúng hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Kể từ khi chiếc kén rơi vào cốc trà, bướm tằm không còn có thể giang cánh bay nữa.

Ong mật phương Tây (Apis mellifera)

Tại nơi ngày nay là Barranco Gómez ở miền Đông Tây Ban Nha, người nguyên thủy đã dùng đất son vẽ lại vụ cướp tinh vi trên thành hang động. Khung cảnh ấy diễn ra cách đây 7.500 năm, cho thấy một người trèo lên chiếc thang dây thắt thành các vòng, gá bấp bênh trên vách đá, để đánh cắp hai trong số những mặt hàng giá trị nhất thời đó: sáp và mật ong.

Ong tiết sáp từ bụng và nhai để trộn nó với nước bọt, nhằm tạo ra vật liệu đặc biệt. Nó dùng vật liệu này để xây nên kỳ quan kiến trúc là tổ ong, vô cùng nhẹ và bền. Ong biến mật hoa thành mật ong giàu năng lượng. Với con người, toàn bộ tổ ong là một kho tàng chất bổ và tiện ích. Sáp ong được dùng làm nến, mỹ phẩm, màng bọc để thực phẩm không biến chất, dược phẩm và chất kết dính, nó cũng là chất liệu chính trong tranh sáp ong (phương pháp vẽ tranh dùng sáp ong nóng chảy làm chất kết dính màu). Việc lấy trộm tổ ong mang lại cho tổ tiên chúng ta thực phẩm giàu năng lượng để bổ sung vào chế độ ăn, điều này có thể đã khiến loài người chuyển từ hành vi lấy trộm sang chăn nuôi ong.

Bọ yên chi (Dactylopius coccus)


Nguồn gốc của màu đỏ hoàn hảo được người Aztec và người Maya cẩn thận phát triển trong nhiều thiên niên kỷ, cho đến khi người Tây Ban Nha tới xâm chiếm nơi đây và xuất khẩu hàng tấn màu sang châu Âu. Giới quý tộc mê đắm màu đỏ rực và gợi cảm của nó. Họ trang hoàng cung điện bằng vải vóc nhuộm màu đỏ yên chi. Các chức sắc Công giáo dùng vải nhuộm màu này làm lễ phục, thậm chí quân đội Anh còn may quân phục từ vải đỏ.

Thực tế, màu đỏ diễm lệ này tới từ bọ yên chi sống trên cây xương rồng lê gai Nam Mỹ – loài côn trùng có mỏ nhọn, sống nhờ hút nhựa cây. Để tạo ra màu nhuộm đỏ rực, người ta sấy khô bọ rồi nghiền thành bột mịn. Sau đó, bột được hòa với muối theo một tỉ lệ nhất định và cô lập lấy carmine (sắc tố đỏ tươi).

Bọ yên chi dùng trong thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Nguồn: fitopardo
Bọ yên chi dùng trong thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Nguồn: fitopardo

Trong thời hiện đại, bọ yên chi được dùng để tạo màu cho thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Vào giữa những năm 1967 và 2009, Ủy ban Thuốc và Thực phẩm Mỹ chính thức chấp nhận việc dùng chiết xuất đỏ yên chi và carmine cho nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, các dẫn xuất đỏ yên chi từ côn trùng này vẫn có mặt trong thành phần nguyên liệu cho sữa chua, bánh ngọt, kẹo, các loại đồ uống và thịt.

Bọ cánh kiến đỏ (Kerria lacca)


Hẳn bạn không biết quả táo, viên kẹo bạn ăn, sàn nhà, đồ đạc trong nhà, hay nhiều tác phẩm nghệ thuật mà bạn ngưỡng mộ được phủ một lớp bảo vệ bóng bẩy từ chất tiết của côn trùng.

Bọ cánh kiến đỏ tạo ra lớp vỏ cứng để đảm bảo nó sẽ an toàn khi hút nhựa cây. Đáng tiếc, “áo giáp” này không đủ bảo vệ nó trước con người. Chúng ta thu thập các cành cây mà loài bọ này bám lên, xử lý chúng thành mảnh nhỏ rồi thành dung dịch. Nhựa cánh kiến được dùng để phủ lên bề mặt của hầu hết mọi thứ xung quanh và trên người chính chúng ta (xịt tóc, sơn móng tay, xi đánh giày, nhuộmvải).Đây là loại nhựa thương mại duy nhất có nguồn gốc động vật.

Ruồi giấm (Drosophila melanogaster)

Hẳn ai cũng thấy khó chịu khi ruồi cứ vo ve bên tai và đậu xuống đồ ăn thức uống. Nhưng chúng ta phải cảm ơn sinh vật nhỏ bé phiền nhiễu này rất nhiều – ruồi giấm đã giúp làm nên cuộc cách mạng trong ngành khoa học. Đây là loài động vật đầu tiên được đưa lên vũ trụ từ bãi thử nghiệm tên lửa White Sands năm 1946 và bị nhiễm xạ, làm đối tượng thử nghiệm cho ngành vũ trụ.

Điều đáng ngạc nhiên là hệ gene của ruồi và người lại rất giống nhau (tới 60%!), cho nên nhiều vấn đề sinh học cũng như các bệnh ở người thường được tìm hiểu trước ở ruồi giấm. Ưu điểm khi nghiên cứu trên ruồi giấm là có thể tiến hành vô cùng nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và rất linh hoạt.

Khi kiến thức mới được tìm thấy ở ruồi, chúng có thể đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu ở các sinh vật phức tạp hơn. Ngày nay, ước tính có hơn 10.000 nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang làm việc với ruồi giấm trong nhiều lĩnh vực khoa học liên quan đến sinh học và bệnh ở người. Các nhà khoa học thần kinh sử dụng ruồi để tìm hiểu về cơ chế học, trí nhớ, giấc ngủ, tính hung hăng, nghiện ngập và các chứng tâm thần. Chưa kể đến các nghiên cứu trong những lĩnh vực khác như ung thư, lão hóa, phát triển, hệ vi sinh đường ruột, tế bào gốc, cơ và tim.

Nguồn:

Tạp chí Smithsonian, Đại học Manchester, Tạp chí Knowable

Đăngsố 1315 (số 43/2024)KH&PT