Ban tổ chức cho biết, hầu hết các giải pháp vào vòng chung kết Thách thức Net Zero 2024 đều ở mức 6 - 7 trở lên về độ sẵn sàng công nghệ, tức rất gần với ứng dụng thực tế và đã sẵn sàng để triển khai hoặc thương mại hóa. Nhiều công nghệ trong số đó là công nghệ mới, thậm chí ở mức đột phá, dẫn đầu trên thế giới.

Đội thi Bygen (Úc) thuyết trình về giải pháp tại cuộc thi Net Zero Challenge 2024 hôm 21/11. Ảnh: Trang Linh
Đội thi Bygen (Úc) thuyết trình về giải pháp tại cuộc thi Net Zero Challenge 2024 hôm 21/11. Ảnh: Trang Linh

Ngày 22/11, chín đội thi xuất sắc nhất được tuyển chọn từ 500 hồ sơ đến từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã bước vào vòng chung kết cuộc thi Thách thức Net Zero 2024 tại TP.HCM

Kết quả, Ban tổ chức đã công bố ba đội thắng cuộc ở ba hạng mục, đó là:
  • Đội CO2L Tech (Canada) chiến thắng ở hạng mục “Năng lượng tái tạo và trung hòa carbon” với công nghệ thu hồi và chuyển hóa CO2 thành các hóa chất như axit formic và muối formate, giúp giảm 90% lượng phát thải carbon.
  • Đội N&E Innovations (Singapore) chiến thắng ở hạng mục “Hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững” với lớp phủ và bao bì kháng khuẩn có khả năng phân hủy sinh học, được làm từ phế phẩm thực phẩm tái chế giúp giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%.
  • Đội Bygen (Úc) chiến thắng ở hạng mục “Kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải” sản xuất than hoạt tính từ chất thải công nghiệp với chi phí sản xuất thấp hơn 60% .
Tổng giải thưởng ba đội nhận được trị giá 590.000 USD (~15 tỷ đồng) không quy đổi cổ phần.

Các đội thắng cuộc sẽ thực hiện cam kết triển khai công nghệ của mình tại Việt Nam.

Ngoài ra, năm đội nổi bật trong Top 9 cũng nhận được tổng cộng 250.000 USD (~6,3 tỷ đồng) từ các quỹ đầu tư quan tân, bao gồm:
  • CO2L (Canada) nhận 50.000 USD từ quỹ mạo hiểm Touchstone Partners (Việt Nam)
  • N&E Innovations (Singapore) nhận 50.000 USD từ quỹ đầu tư Sopoong Ventures (Hàn Quốc)
  • Cruz Foam (Mỹ) nhận 50.000 USD từ tổ chức phi lợi nhuận Hao Shi Foundation (Đài Loan)
  • Blusink (Anh Quốc) nhận 50.000 USDtừ tập đoàn phát triển đô thị và năng lượng Sembcorp Industries (Singapore).
  • MYCL (Indonesia) nhận 50.000 USDtừ quỹ Dragon Capital (Việt Nam)
Ban tổ chức cho biết, hầu hết các giải pháp vào chung kết Thách thức Net Zero 2024 đều ở mức 6 - 7 trở lên về độ sẵn sàng công nghệ, tức rất gần với ứng dụng thực tế và đã sẵn sàng để triển khai hoặc thương mại hóa. Nhiều công nghệ trong số đó là công nghệ mới, thậm chí ở mức đột phá, dẫn đầu thế giới.

RARE toles (Việt Nam) - Sơn phủ làm mát mái nhà, giúp tiết kiệm tới 30% năng lượng tiêu thụ - là đội Việt Nam duy nhất lọt vào chung kết cuộc thi Thách thức Net Zero năm nay. Ảnh: Trang Linh
RARE toles (Việt Nam) - Sơn phủ làm mát mái nhà, giúp tiết kiệm tới 30% năng lượng tiêu thụ - là đội Việt Nam duy nhất lọt vào chung kết cuộc thi Thách thức Net Zero năm nay. Ảnh: Trang Linh

Tại buổi chung kết, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, bao gồm giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020, và đạt trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

TP.HCM đã cụ thể hóa cam kết này thông qua Nghị Quyết 98 (tháng 8/2023), theo đó tập trung thúc đẩy và triển khai các sáng kiến phát triển bền vững và kinh tế xanh, trong đó có năng lượng tái tạo, giao thông xanh, các con đường sản xuất, tiêu thụ tuần hoàn và cơ chế huy động nguồn tài lực, nhân lực trong quá trình chuyển đổi quan trọng này.

Vì thế, cuộc thi Thách thức Net Zero và các sáng kiến trong đó đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc biến các ý tưởng thành dự án.

“TP.HCM sẽ tạo mọi điều kiện hết sức thuận lợi để các ý tưởng từ cuộc thi được triển khai thực tế, ứng dụng tại TP.HCM", ông Nguyễn Văn Dũng phát biểu.


Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)