“Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử” là hồi ức về một vị tướng trầm lặng, rất hiếm khi được nhắc tên, mặc dù luôn xuất hiện trong những bức ảnh của nhóm đầu não chiến lược Bộ Tổng tham mưu.

Người đời thường nhắc đến tên ông khi nói về đám cưới “độc nhất vô nhị” của ông và vợ trong căn hầm của De Castries tại Điện Biên Phủ, ngay sau khi quân Pháp đầu hàng và cái tin đồn dai dẳng (vô căn cứ) rằng ông là anh ruột của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Nhưng không mấy người thực sự biết rõ về công việc và cuộc đời của Trung tướng Cao Văn Khánh (1916-1980), một trong số ít các vị tướng đã tham gia chỉ đạo hầu hết các chiến dịch quan trọng nhất và cũng ác liệt nhất trong cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Hành trình 10 năm tái dựng “hồi ức lịch sử” về cha

Động lực nào đã thôi thúc Cao Bảo Vân - một PGS.TS chuyên ngành Dược học, nguyên Viện phó Viện Pasteur TPHCM, người chưa từng viết văn cũng như quan tâm đến lĩnh vực chính trị, quân sự - đã quyết định dành ra 10 năm để viết một “hồi ức lịch sử” dày hơn 800 trang về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình, một cuộc đời gắn bó chặt chẽ với lịch sử đầy biến động của Việt Nam từ năm 1945-1980?

Cuốn sách dày hơn 800 trang do NXB Tri thức ấn hành. Nguồn: BBB
Gia đình tướng Cao Văn Khánh chụp ở Bãi Cháy vào tháng 7/1971, sau khi ông kết thúc chiến dịch Đường 9 và ra Hà Nội họp. Từ trái qua: Cao Bảo Vân, bà Nguyễn Thị Ngọc Toản, tướng Cao Văn Khánh, và con út Cao Quý Anh. Nguồn: Tư liệu gia đình

Viết cuốn sách này, trước hết là để chị đáp ứng lòng mong mỏi của mẹ mình: “Nhiều lần từ Sài Gòn ra thăm, thấy nửa đêm mẹ dậy chong đèn, nước mắt rơi trên xấp thư cũ đã thuộc lòng từng dấu chấm phẩy, tôi biết lòng bà chưa yên với quá nhiều tâm sự cuộc đời chưa được nói ra”*. Và thế là Cao Bảo Vân cảm thấy bị thôi thúc phải đi tìm những manh mối về cuộc đời của cha mình, về “những nẻo chiến trường mà ba tôi đã đi qua, những việc ba tôi đã làm, về tinh thần chiến binh mà một chỉ huy tuyến đầu như ông đã phải đối mặt, giờ đây nhìn lại tôi càng tự hỏi niềm tin nào đã nuôi dưỡng sự kiên nhẫn vô hạn và ý chí không thể bẻ gẫy của ông, lý tưởng nào ông coi là xứng đáng hy sinh cả cuộc đời để phụng sự”.

Thông qua cuộc đời của tướng Khánh, Cao Bảo Vân cũng muốn đề cập một vấn đề rộng lớn hơn: sự cống hiến và hy sinh gian khổ của rất nhiều trí thức trong hai cuộc kháng chiến.

Để dựng lại một hồi ức lịch sử đầy đủ và toàn diện về cha mình, đối với Cao Bảo Vân, quả là một thách thức lớn lao, và nó đến trước hết từ chính người cha của chị. “Nếu còn sống, không chắc ba tôi sẽ viết hồi ký, ông sống kín đáo và nếu có viết ông sẽ chỉ viết hoàn toàn sự thật, những sự thật trần trụi”.

Còn nhà văn Phạm Phú Bằng thì nhận xét: “đó là một vị tướng mà tôi chưa bao giờ thấy đeo một tấm huân chương và luôn từ chối mọi yêu cầu phỏng vấn chứ chưa nói tự mình viết hồi ký tự truyện”.

Đã có lúc Cao Bảo Vân bi quan nghĩ rằng dù chị có cố gắng đến mấy cũng không thể khám phá được những ý nghĩ “sống để dạ, chết mang theo” mà cha mình chưa từng chia sẻ với ai. Bởi vì theo chị, “một trí thức trong quân đội, với lý lịch có cả gia đình ở bên kia chiến tuyến, lại trải qua nhiều đợt chỉnh huấn chỉnh quân, cả đời vừa chiến đấu vừa suy nghĩ dưới làn bom đạn, thư từ gửi về nhà phải qua tay bao nhiêu người và chi chít dấu binh trạm và phải tuân thủ các nguyên tắc bí mật quân sự, thì sẽ rất hiếm khi bộc lộ cảm xúc của mình”. Hơn thế nữa, trong các tài liệu “chính thống” thì quan điểm “tập thể” đã xóa nhòa vai trò của các cá nhân trong từng sự kiện, như có cuốn hồi ký dày hơn 600 trang của một vị tư lệnh, quán triệt quan điểm về bản chất “công nông” của quân đội, ông đã không một lần nhắc đến tên Cao Văn Khánh, vị phó tư lệnh có xuất thân trí thức của mình.

Cao Bảo Vân đã phải mất rất nhiều thời gian để phục dựng chân thực những bức tranh lịch sử liên quan đến cuộc đời của cha chị. Với cùng một sự kiện lịch sử, đôi khi chị phải cất công tìm cho được những tài liệu gốc in lần đầu, chỉ để tìm lại một cái tên đã bị lược bỏ trong các lần tái bản sau. Và đây là nguyên tắc mà chị luôn theo đuổi: “Cha tôi là con người trung thực đến tận cùng trong những suy nghĩ, lời nói và đức tin của mình, nên tôi muốn chi tiết nào cũng phải chính xác như nó đã xẩy ra, để tỏ sự tôn trọng tinh thần và vong linh của ông.”

Luôn có mặt trên tuyến đầu

Trung tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (giai đoạn từ năm 1974 cho đến lúc mất), vốn nổi tiếng là “con nhà giàu học giỏi” ở Huế. Trước năm 1945, ông dạy toán ở Trường Tư thục Phú Xuân, Lyceum Việt Anh… cùng với các trí thức nổi tiếng Cao Xuân Huy, Thanh Tịnh, Hữu Ngọc… Năm 1945, ông từng là học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, ngôi trường đã đào tạo cho cách mạng nhiều vị tướng nổi tiếng sau này.

Gia đình tướng Cao Văn Khánh chụp ở Bãi Cháy vào tháng 7/1971, sau khi ông kết thúc chiến dịch Đường 9 và ra Hà Nội họp. Từ trái qua: Cao Bảo Vân, bà Nguyễn Thị Ngọc Toản, tướng Cao Văn Khánh, và con út Cao Quý Anh. Nguồn: Tư liệu gia đình
Cuốn sách dày hơn 800 trang do NXB Tri thức ấn hành. Nguồn: BBB

Ngày 16/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Chiến khu 5 - gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum - do Cao Văn Khánh làm Khu trưởng. Khi đó ông mới 28 tuổi và chưa phải đảng viên! Với danh sách 8 Khu trưởng còn lại trong cả nước khi đó là Trần Văn Trà - Khu 8, Nguyễn Bình - Khu 7, Nguyễn Sơn - Khu 4; và 4 Khu trưởng phía Bắc gồm các tướng Chu Văn Tấn, Bằng Giang, Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba đều là các danh tướng, cán bộ tiền khởi nghĩa, chúng ta càng thấy việc cụ Hồ cử một thanh niên trí thức ngoài Đảng mới 28 tuổi làm Khu trưởng phụ trách mặt trận ác liệt và gian khổ nhất lúc bấy giờ quả là một quyết định khác thường, thể hiện “con mắt xanh tinh tường” khi chọn người để giao việc lớn…

Cao Văn Khánh là một trong số ít vị tướng tham gia, chỉ đạo trực tiếp hầu hết chiến dịch quan trọng và ác liệt nhất suốt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, giữ những trọng trách khó khăn nhất: trong kháng chiến chống Pháp là Khu 5 rồi đến các chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ và Tây Nguyên; trong kháng chiến chống Mỹ là các chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Quảng Trị 1972, Tổng tiến công Xuân 1975. Trớ trêu thay, ông lại có một lý lịch… “phức tạp” khác thường: dẫu không hề liên quan gì đến tướng Cao Văn Viên như bị đồn thổi, tướng Cao Văn Khánh cũng lại có hai người anh ruột là viên chức cấp cao trong chính quyền Sài Gòn. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Toản, dẫu đeo quân hàm bác sĩ - đại tá cựu chiến binh Điện Biên Phủ, nhưng suốt đời vẫn phải mang cái lý lịch là tiểu thư con quan đại thần triều Nguyễn!

Với hơn 800 trang sách khổ lớn được bố cục sắp xếp trong 40 chương, 452 trích dẫn tư liệu và những cuộc đối thoại với hàng trăm nhân chứng lịch sử ở cả hai phía, “Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử” thực sự mang tầm vóc của một tác phẩm nghiên cứu sâu về các chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tác giả Cao Bảo Vân đã dày công đọc hàng vạn trang tư liệu, hồi ký của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh cũng như tư liệu hồi ký của các nhân vật phía bên kia, để mổ xẻ, phân tích các chiến dịch lớn từ nhiều góc độ khá mới mẻ. Chính vì thế, có thể xem cuốn sách như một sự bổ sung “đắt giá” cho các tài liệu “chính sử”, làm sáng tỏ thêm những “vùng lịch sử” còn đang mờ tối hay còn đang là đề tài tranh cãi bấy lâu nay đối với các nhà nghiên cứu quân sự.

Khi bắt tay vào viết cuốn “Hồi ức lịch sử” về cha mình, Cao Bảo Vân không tránh khỏi những băn khoăn: “Sách này tôi viết cho ai? Giờ còn mấy ai muốn đọc về chiến tranh? Mình là con gái không biết gì về quân sự, không khéo lại vô tình ảnh hưởng đến uy tín của ba”. Nhưng sau khi được xuất bản, cuốn sách tạo được tiếng vang lớn, được bạn đọc trong và ngoài nước thuộc các thế hệ khác nhau đón nhận nồng nhiệt và đánh giá rất cao. Nhiều người đã tìm cách liên lạc, đến cả cơ quan tìm gặp tác giả chỉ cốt để bày tỏ sự khâm phục và chia sẻ niềm vui cùng chị.

TS Cao Bao Vân đã hoàn thành xuất sắc cái nhiệm vụ mà chị tự đặt ra cho mình: Bằng việc tái dựng hồi ức lịch sử về người cha, chị cũng đã tạo dựng một tượng đài lịch sử về thế hệ những người trí thức đã từ bỏ mọi “vinh hoa phú quý” để can trường dấn thân vào những cuộc chiến đấu gian khổ, âm thầm chấp nhận kể cả những nghịch cảnh và bất công, chỉ với một khát vọng cháy bỏng là giành lại độc lập, tự do và đem lại hạnh phúc, ấm no cho dân tộc. Cuốn sách này một lần nữa chứng minh tính đúng đắn của niềm tin mà chị vẫn hằng đeo đuổi: “Những người thân của chúng ta, họ không chết mà chỉ ngủ thôi, họ sẽ thức dậy khi những người sống nhớ và nhắc nhớ về họ…

* Mọi đoạn in nghiêng trong bài viết đều trích nguyên văn từ cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử”.