Nhiều quốc gia đã huấn luyện chim bồ câu, mèo, cá heo và thậm chí cả quạ để thu thập thông tin về kẻ thù. Các cơ quan tình báo càng sở hữu nhiều “điệp viên động vật”, họ càng có nhiều khả năng thành công trong việc thu thập thông tin mong muốn.

Bồ câu được sử dụng vào mục đích truyền tin quân sự từ xa xưa. Trong lịch sử hiện đại, chúng được huấn luyện để do thám tình hình đối phương, mang theo thiết bị dẫn đường cho tên lửa.

Bồ câu được sử dụng vào mục đích truyền tin quân sự từ xa xưa. Trong lịch sử hiện đại, chúng được huấn luyện để do thám tình hình đối phương, mang theo thiết bị dẫn đường cho tên lửa.

Ngay ngoài khơi Dải Gaza, một điệp viên ẩn nấp dưới nước, bơi lội tự do giữa các sinh vật biển bất chấp mọi thiết bị giám sát. Khi điệp viên ngày càng tiến gần đến mục tiêu, một camera dưới nước tự động kích hoạt và bắt đầu truyền tải hình ảnh đến các nhà phân tích ở trung tâm điều khiển – những người sẽ nghiên cứu chúng kỹ lưỡng đến từng pixel.

Nhiệm vụ diễn ra theo đúng kế hoạch cho đến khi các thợ lặn vũ trang của kẻ địch đột nhiên xuất hiện dưới những con sóng. Vào tháng 8/2015, danh tính của điệp viên được tiết lộ trên các tiêu đề của nhiều tờ báo lớn trên khắp thế giới: “Hamas bắt giữ cá heo gián điệp của Israel ở ngoài khơi Dải Gaza”.

Bạn không đọc nhầm đâu, đó chính là cá heo gián điệp.

Hamas – một nhóm vũ trang Hồi giáo ở Palestine – không phải là tổ chức đầu tiên đưa ra tuyên bố như vậy. Năm 2012, người dân Thổ Nhĩ Kỳ tình cờ tìm thấy một con chim đã chết đeo một thứ mà họ tin là thiết bị do thám của Israel.

Điều này có vẻ khó tin đối với nhiều người, nhưng có một số ví dụ được ghi chép rõ ràng về việc người ta huấn luyện động vật trở thành đặc vụ và gián điệp. Trong những năm 1940, nhà tâm lý học B.F. Skinner tạiĐại học Harvard (Mỹ) đã huấn luyện chim bồ câu theo dõi các mục tiêu và điều hướng tên lửa.

Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc dùng chim bồ câu để phát hiện máy bay chiến đấu của kẻ thù và chuyển thông điệp giữa các tiểu đoàn trong cuộc Chiến thanh Thế giới lần thứ nhất. Trong thập niên 1960 và 1970, quân đội Mỹ đã huấn luyện chim bồ câu bay qua lãnh thổ của đối phương và phát hiện những cuộc phục kích tiềm ẩn.Chim bồ câu còn có khả năng thả thiết bị ghi âm nếu chúng nhìn thấy quân địch.

Thậm chí còn có báo cáo cho rằng Mỹ từng cấy thiết bị nghe lén vào một con mèo để ghi âm giọng nói của những người đứng gần nó, đặc biệt là những người tham gia các cuộc hội thoại chính trị cấp cao.

Cá heo đã từng được huấn luyện và sử dụng vào mục đích hoạt động tình báo.

Cá heo đã từng được huấn luyện và sử dụng vào mục đích hoạt động tình báo.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người ta cũng sử dụng quạ để nghe trộm những cuộc trò chuyện nhạy cảm và côn trùng có khả năng phát hiện những kẻ xâm nhập lạ mặt.

“Cơ quan tình báo càng có nhiều loài động vật gián điệp, họ càng có nhiều khả năng thành công trong việc thu thập thông tin mong muốn”, Bryan Bailey, một nhà nghiên cứu hành vi động vật, cho biết. Trong thời gian làm việc cho lực lượng Hải quân Mỹ, Bailey là thành viên của đội xử lý bom mìn (EOD), nơi anh giám sát một chương trình đào tạo động vật biển có vú bí mật.

“Chương trình này đào tạo cá heo để vô hiệu hóa các thợ lặn của kẻ địch”, Bailey nói. “Thông qua khả năng định vị bằng tiếng vang, những con cá heo mà chúng tôi huấn luyện có khả năng phát hiện thợ lặn của đối phương đang cố đặt mìn dưới đáy tàu của Hải quân Mỹ, phá hủy bến cảng, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát hoặc đổ bộ lên bãi biển. Sau khi phát hiện, một thiết bị gây nổ gắn trên đầu của cá heo sẽ phóng vào kẻ thù để tiêu diệt mục tiêu”.

Hải quân Mỹ cũng huấn luyện sư tử biển theo cách thức tương tự. Sư tử biển có thị lực tuyệt vời.Và giống như cá heo, chúng rất giỏi trong việc tìm kiếm các quả mìn và đồ vật bị mất dưới nước,theo National Geographic.

“Tất cả các loài động vật đều phản ứng với những điều kiện huấn luyện gần như giống nhau”, Jennifer Hancock, một cựu huấn luyện viên cá heo, cho biết. “Tuy nhiên, điều kiện quan trọng là con vật phải có khả năng thể chất để thực hiện hành vi được yêu cầu và có xu hướng làm như vậy theo bản năng. Trên thực tế, những loài chim sống theo bầy đàn rất dễ huấn luyện. Nếu bạn biết cách, bạn có thể huấn luyện cả mèo”.

Yếu tố khiến một loài động vật trở thành ứng cử viên sáng giá cho việc huấn luyện là tập tính xã hội của chúng. Các động vật xã hội (social animal), chẳng hạn như cá heo và chó, thường dễ huấn luyện hơn vì chúng mong muốn có mối quan hệ thân thiết với người huấn luyện và chúng cũng quen thuộc với các tín hiệu trong giao tiếp xã hội, ví dụ như ánh mắt, cử chỉ tay, cách đứng, biểu cảm mặt, giọng nói,…

“Những động vật ít có tập tính xã hội sẽ khó làm việc và tương tác với chúng hơn”, Hancock nói. “Một số loài có bản năng muốn thiết lập các mối quan hệ, trong khi một số loài khác không có đặc tính này”.

Người huấn luyện không thể bắt một con cá leo lên cây, nhưng họ có thể đào tạo những con chó nhảy dù và đu dây. Trên thực tế, các binh sĩ thuộc Lực lượng hoạt động đặc biệt của Mỹ đã sử dụng những con chó Becgie Bỉ để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ phát hiện chất nổ cho đến tấn công kẻ địch. Năm 2013, một con chó Becgie Bỉ đã bị lực lượng Taliban ở Afghanistan bắt làm con tin và cáo buộc là gián điệp.

“Chó là sự lựa chọn hiển nhiên vì chúng rất dễ huấn luyện”, Bailey nói. “Chúng có thể mang theo thiết bị nghe lén những cuộc trò chuyện bí mật xảy ra trong công viên hoặc nơi công cộng. Chúng cũng dễ dàng xâm nhập và thực hiện các nhiệm vụ bí mật bên trong một tổ chức. Với khứu giác tuyệt vời, chó cũng có khả năng phát hiện chất nổ của các đối tượng khủng bố”.

Nếu đưa con vật đã trải qua quá trình đào tạo kỹ lưỡng vào môi trường tự nhiên, chúng sẽ thể hiện những đặc tính như mong đợi. Khi Bailey làm việc với những con cá heo đã được huấn luyện để phát hiện, tìm kiếm và tiêu diệt kẻ địch, màn trình diễn của chúng thật sự đầy ấn tượng.

“Đó là cách sử dụng hiệu quả các khả năng tự nhiên của động vật để thực hiện một nhiệm vụ mà con người rất khó bắt chước”, Bailey nói. “Cá heo dùng khả năng định vị bằng tiếng vang cực kỳ chính xác, nhanh đến khó tin và gần như vô hình trong các cuộc tấn công. Điều này làm cho chúng trở thành một lực lượng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh vùng biển, tàu thuyền và các căn cứ quân sự ở ngoài khơi”.

Hiện nay, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã giúp các nhà khoa học đưa ra ngày càng nhiều ý tưởng mới nhằm biến động vật trở thành vũ khí lợi hại hoặc tham gia vào các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ.

Ví dụ, trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí npj Flexible Electronics vào tháng 9/2022, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Riken (Nhật Bản) đã chế tạo thành công một con gián cyborg – một phần là côn trùng, một phần là máy móc– có khả năng tiếp cận các khu vực nguy hiểm để giám sát môi trường. Nhóm nghiên cứu đã gắn một chiếc ba lô điện tử đặc biệt chạy bằng năng lượng Mặt trời trên lưng một con gián Madagascar để điều khiển chân gián từ xa. Nó có khả năng tác động vào hệ thống thần kinh của gián, giúp các nhà nghiên cứu di chuyển con vật theo những hướng nhất định chỉ bằng một nút bấm không dây.

“Bằng cách tích hợp các thiết bị cần thiết khác như cảm biến và máy ảnh, chúng tôi có thể sử dụng con côn trùng cyborg của mình giống như một nhân viên tìm kiếm và cứu hộ giỏi”, Kenjiro Fukuda, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.