GS Michael McCormick lập luận rằng năm tồi tệ nhất là năm 536 sau Công nguyên, khi vụ phun trào núi lửa đã xảy ra, dịch hạch kéo đến, thời tiết lạnh giá, mùa màng thất bát, báo trước một thời kỷ suy kiệt về kinh tế.
Đối với nhiều người, những năm vừa qua quả thực là những năm tháng ác mộng nhất trong cuộc đời. Bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu, và rõ ràng nhất là đại dịch COVID-19 hoành hành.
Nhưng đó có phải là năm tồi tệ nhất?
Đối với nhà sử học và khảo cổ học Michael McCormick (Đại học Harvard), câu trả lời là không. “Năm tồi tệ nhất để sống là năm 536 sau Công nguyên”.
Tại sao lại là năm 536? Chắc chắn sẽ có người lập luận rằng tồi tệ nhất phải là năm 1918, năm cuối cùng của Thế chiến thứ Nhất khi Cúm Tây Ban Nha giết chết 100 triệu người trên khắp thế giới, một năm khủng khiếp xét trên mọi khía cạnh. Hoặc có thể là năm 1349, khi Cái chết Đen quét sạch một nửa dân số châu Âu, với 20 triệu người chết vì bệnh dịch hạch. Hầu hết các năm khi Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra có lẽ cũng có thể lọt vào danh sách “năm tồi tệ nhất”. Nhưng nhà sử học McCormick lập luận rằng năm 536 hội tụ mọi cuộc khủng hoảng.
Tất cả bắt đầu với một vụ phun trào núi lửa
Theo GS Lịch sử Trung cổ McCormick, năm 536 báo trước một trong những thời kỳ tồi tệ nhất của lịch sử loài người. Nó bắt đầu với một vụ phun trào núi lửa vào đầu năm diễn ra ở Iceland - sự kiện này đã được ông và nhà nghiên cứu sông băng Paul Mayewski (Viện Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Maine, Orono) phát hiện khi khảo sát khu vực sông băng Thuỵ Sĩ.
Tro sinh ra từ vụ phun trào đã dẫn đến hiện tượng sương mù kéo dài 18 tháng, bao phủ khắp bầu trời châu Âu, Trung Đông và một phần châu Á. Như nhà sử học Byzantine Procopius đã viết, “Ánh sáng mặt trời không còn chói lọi, mà chỉ như ánh trăng, suốt cả năm.” Ông cũng thuật lại rằng có vẻ như mặt trời luôn bị che khuất.
Cassiodorus, một chính trị gia La Mã thời bấy giờ, đã viết rằng mặt trời có màu “xanh lợt”, mặt trăng không phát ra ánh sáng và “các mùa dường như lộn bị xáo trộn”. Đáng sợ hơn, ông mô tả, “Chúng tôi ngạc nhiên khi không thấy bóng mình vào buổi trưa.”
Nạn đói và sự sụp đổ của một đế chế
Những ngày tối tăm kéo theo thời kỳ lạnh giá, với nhiệt độ mùa hè giảm từ 1,5°C đến 2,5°C - bắt đầu thập kỷ lạnh nhất trong 2.300 năm qua, theo
công bố trên Science, dẫn đến sự tàn phá mùa màng và nạn đói trên toàn thế giới.
Vào năm 541, bệnh dịch hạch đã khiến người dân càng thêm khốn khổ. Lây lan từ cảng Pelusium ở Ai Cập, căn bệnh - thường được gọi là bệnh dịch hạch Justinian - gây ra cái chết cho một nửa dân số của Đế chế La Mã phía đông, và theo McCormick viết, đẩy nhanh sự sụp đổ của đế chế này.
Giữa những thảm họa thiên nhiên, với những vụ phun trào núi lửa lớn vào năm 540 và 547, cùng sự tàn phá do bệnh dịch hạch gây ra, châu Âu đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong gần như suốt thế kỷ tiếp theo, cho đến năm 640 khi hoạt động khai thác bạc thúc đẩy châu Âu phát triển trở lại.
Tất nhiên, khoảng thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử đối với mỗi người phụ thuộc vào việc bạn là ai, bạn sống ở đâu và vào thời điểm nào. Câu trả lời của GS McCormick xuất phát từ góc độ của một người nghiên cứu về thời Trung cổ. Trong khi đó, người Mỹ bản địa có thể cho rằng câu trả lời phải là năm 1520, khi bệnh đậu mùa do người Tây Ban Nha mang đến đã giết chết hàng triệu người bản địa. Đến năm 1600, có tới 90% dân số châu Mỹ (khoảng 55 triệu người) đã chết bởi các mầm bệnh khác nhau từ châu Âu.
Nguồn: