Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang giảm mạnh về nguồn vốn, sự xuất hiện của quỹ đầu tư VinVentures có thể mang đến những tín hiệu về cơ hội tăng trưởng và đổi mới như thế nào?
Đầu tư công nghệ cao
Cuối tháng 10, Tập đoàn Vingroup đã ra mắt VinVentures, quỹ đầu tư mạo hiểm mới trị giá 150 triệu USD để nhắm vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Đây là một tin vui cho hoạt động khởi nghiệp khi các startup công nghệ đang trải qua một “mùa đông gọi vốn”. Năm ngoái, Việt Nam chỉ huy động được khoảng 529 triệu USD vốn mạo hiểm, giảm 17% so với năm trước đó, theo báo cáo của Do Ventures & NIC. Năm nay, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi số lượng thương vụ ghi nhận được từ đầu năm đến giờ cực kỳ hạn chế.
Trọng điểm đầu tư của VinVentures là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, điện toán đám mây và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao - những lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn và sự theo đuổi lâu dài, bền bỉ.
VinVentures cho biết sẽ tìm kiếm các startup có tiềm năng phát triển bền vững, “có tốc độ tăng trưởng tốt”; các sản phẩm và dịch vụ khả thi về mặt thương mại với “ứng dụng thực tiễn cao”, và các nhóm sáng lập uy tín, giàu kinh nghiệm. Họ cũng “kỳ vọng lợi nhuận cụ thể” đối với các khoản đầu tư vốn cổ phần của mình.
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm (26 tuổi), cựu giám đốc quỹ đầu tư Nextrans Hàn Quốc tại Việt Nam, được chỉ định làm CEO của quỹ VinVentures.
Trong một thông cáo báo chí, bà Tuệ Lâm cho biết ngoài việc cung cấp vốn, VinVentures sẽ mang đến khả năng kết nối các startup với những công ty trong hệ sinh thái của tập đoàn ở cả hai vai trò là môi trường thẩm định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cho các startup trước khi ra thị trường và trở thành khách hàng tiềm năng.
Kể từ khi chuyển mình từ một tập đoàn chuyên về bất động sản và thương mại sang một tập đoàn công nghệ với trụ cột chính xoay quanh các hoạt động kinh doanh xe điện (EV) trong vài năm qua, Vingroup đã có nhiều khoản đầu tư đáng kể vào hoạt động khoa học-công nghệ và khởi nghiệp.
Trước VinVentures, Tập đoàn đã đầu tư và ươm tạo một loạt các công ty công nghệ thông qua các quỹ như Vingroup Ventures và VinTech City, và phát triển các sản phẩm như VinBigData, VinAI, VinBrain và VinCSS.
Cơ cấu cổ đôngMặc dù mang thương hiệu và được ra mắt dưới danh nghĩa Tập đoàn, nhưng chiến lược đầu tư của quỹ mạo hiểm VinVentures có thể mang màu sắc cá nhân của người nắm giữ đa số.
Theo thông tin đăng ký kinh doanh trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, 85% vốn góp của VinVentures thuộc về ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập và hiện giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
5% khác thuộc về ông Phạm Nhật Minh Hoàng, con trai thứ của ông Phạm Nhật Vượng, hiện giữ vị trí Tổng giám đốc công ty FGF, một công ty con của Vingroup chuyên về lĩnh vực mua bán và cho thuê ô tô điện đã qua sử dụng.
Tập đoàn Vingroup, trên danh nghĩa, chỉ nắm giữ 10%.
Với cơ cấu như vậy, VinVentures có thể có những khoản đầu tư mà cá nhân ông Phạm Nhật Vượng quan tâm nhưng không nhất thiết phải liên quan đến hoạt động của Tập đoàn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vietnamnet hôm thứ sáu tuần trước, bà Lê Hàn Tuệ Lâm thừa nhận chỉ bà là người đại diện để điều hành công việc hàng ngày của quỹ, trong khi mọi quyết định đầu tư của VinVentures sẽ "đều do đích thân ông Phạm Nhật Vượng phê duyệt."
Ở thời điểm hiện tại, các chiến lược và quyết sách của ông Phạm Nhật Vượng thường đồng nghĩa với chiến lược của Tập đoàn. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra, theo thời gian, thẩm quyền ra quyết định trong các tập đoàn lớn có thể thay đổi bởi xu hướng phân cấp và phân quyền trong quản lý.
Cơ hội còn lại
Mặc dù tuyên bố trị giá 150 triệu USD, nhưng trên thực tế 2/3 số tiền mà quỹ VinVentures quản lý đã được phân bổ vào các dự án sẵn có. Đó là danh mục đầu tư được kế thừa từ các công ty khác trong Tập đoàn.
Trước VinVentures, Vingroup đã từng có một quỹ đầu tư mạo hiểm mang tên Vingroup Ventures trị giá 100 triệu USD, hoạt động từ năm 2018. Quỹ này đã đầu tư được ít nhất sáu thương vụ trước khi ngừng hoạt động vào năm 2020 do cổ đông chính là Tập đoàn Vingroup (chiếm 70%) rút vốn. Thực chất việc rút vốn này là nhằm chuyển giao việc nghiên cứu đầu tư mạo hiểm sang một pháp nhân khác. Các startup đã được Vingroup Ventures đầu tư hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ y tế, bảo mật, thực phẩm và xã hội. Theo báo cáo của PitchBook, quỹ này đã thoái vốn thành công năm dự án đầu tư, mặc dù số tiền lợi nhuận không đáng kể.
Sau đại dịch Covid-19, bối cảnh thế giới và tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đã có biến động sâu sắc.Các nhà quan sát nhận định rằng, ở thời điểm ra đời vào năm 2024 này, VinVentures sẽ có sự chọn lọc về những lĩnh vực mà họ muốn theo đuổi, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực có liên kết chặt chẽ hơn với các công ty con của tập đoàn.
Hiện tại, danh mục đầu tư của VinVentures đã có sáu startup phục vụ đắc lực cho mảng công nghiệp xe điện mà ông Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn đặt cược, bao gồm: StoreDot (sạc nhanh cho xe điện) do VinES đầu tư; ProLogium (pin gốm lithium), AM Battery (điện cực pin khô), Technologies (phần mềm quản lý pin xe điện), Autobrains (AI cho hệ thống xe), và Eatron Karamba Security (hệ thống an ninh mạng cho ô tô và thiết bị kết nối) do VinFast đầu tư.
Công ty duy nhất hiện không liên quan là TrovaPage, một nền tảng cho doanh nghiệp bán dịch vụ và sản phẩm trực tuyến được thành lập bởi các cựu giám đốc điều hành Alipay. Khoản đầu tư này nằm trong danh mục chuyển giao của quỹ Vingroup Ventures trước đó.
Việc VinVentures tuyên bố các khoản đầu tư mới có thể liên quan đến bán dẫn (semiconductor) cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển một ngành công nghệ cao đầy thách thức và mới mẻ tại Việt Nam. Ngành này chỉ mới bắt đầu khởi sắc sau những cam kết của chính quyền hai nước Mỹ-Việt Nam hồi tháng 9/2023 và còn rất nhiều điều phải làm.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc CoAsia SEMI Vietnam và một trong những người tiên phong thúc đẩy ngành bán dẫn tại Việt Nam, cho rằng VinVentures có thể quan tâm đến việc thiết kế hoặc sản xuất chip cho ô tô, bởi chúng phù hợp với định hướng của Tập đoàn. Trong một chiếc xe ô tô có rất nhiều ứng dụng của bán dẫn, từ cảm biến đến bộ xử lý, camera, và các hệ thống điều khiển. Cần tới 3.000 con chip khác nhau trên một chiếc xe điện thế hệ mới.
“Nếu các quỹ mạo hiểm như VinVentures nghiêm túc với lĩnh vực này, chúng ta có thể hình thành các startup theo mô hình fabless sản xuất sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Sự ra đời của quỹ vào thời điểm này rất ý nghĩa trong việc xây dựng doanh nghiệp nội địa, gia tăng 'sở hữu' của Việt Nam trong chuỗi giá trị bán dẫn”, ông Yên nhận xét.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư mới của VinVentures trong thời gian tới vẫn còn nhiều câu hỏi. VinVentures dành 50 triệu USD cơ hội cho các startup mới trong 3-5 năm tiếp theo, tương đương tầm 10-15 triệu USD mỗi năm. Đây là một khoản tiền khiêm tốn trong giới đầu tư công nghệ quốc tế, đặc biệt là với những công nghệ cực kỳ tốn kém như AI hay bán dẫn.
Theo các chuyên gia tại tọa đàm “Chiplet và cơ hội tham gia chuỗi giá trị bán dẫn” do
Tia Sáng tổ chức đầu tháng 10, để hình thành nên một startup bán dẫn có thể cần tới số vốn lên tới vài chục triệu USD. Các nhà đầu tư phải xác định đây là cuộc chơi dài hơi và tốn kém. 50 triệu USD của VinVentures có lẽ chỉ đủ để góp vốn cho vài startup như vậy. Dĩ nhiên, Quỹ này có thể bổ sung vốn trong tương lai hoặc kết hợp đầu tư với các quỹ mạo hiểm khác để giảm rủi ro và tăng cường hiệu quả đầu tư.
Cuối cùng, số lượng startup thực sự được hưởng lợi ích từ quỹ VinVentures sẽ phụ thuộc vào cách mà ông Phạm Nhật Vượng lựa chọn ưu tiên.
Nếu tập trung nhiều vào các startup ở giai đoạn hạt giống, VinVentures có thể đầu tư vào một số lượng lớn các startup. Nhưng nếu ưu tiên cho các startup ở vòng series A, tức các công ty đã có sản phẩm, khách hàng và bắt đầu có doanh thu thì số tiền đầu tư cho mỗi startup sẽ cao hơn đáng kể, có thể lên tới vài triệu USD một thương vụ hoặc nhiều hơn, dẫn đến số lượng startup được nhận đầu tư cũng sẽ giảm đi.
Đăng số 1317 (số 45/2024)KH&PT