Các nhà khoa học đề nghị phạt những phương tiện tự lái chỉ chở một khách để thúc đẩy hoạt động đi chung xe.
Những quan điểm ủng hộ xe tự lái thường lập luận: nếu con người (thường rất dễ mắc lỗi) được giải phóng khỏi vô-lăng thì đường phố sẽ xuất hiện ít tai nạn và tắc nghẽn hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới lại chỉ ra viễn cảnh hoàn toàn ngược lại: những tuyến đường tràn ngập xe tự hành có thể sẽ còn khiến vấn nạn tắc đường và bất bình đẳng ở các thành phố lớn thêm trầm trọng.
Nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận Union of Concerned Scientists (liên minh của các nhà khoa học trăn trở) thực hiện đã đặc biệt tập trung vào những tác động do các phương tiện xe tự lái gây ra đối với khu vực Washington D.C. Kết quả từ việc chạy mô hình phân tích số liệu cho thấy, lưu lượng giao thông tại một khu vực có thể tăng lên đến 66% khi xe tự lái được đưa vào triển khai; nhưng nghiêm trọng hơn là sự gia tăng tắc nghẽn lại làm lợi cho người giàu và tước đi nhiều cơ hội của các cộng đồng có thu nhập thấp.
“Bằng cách này hay cách khác, công nghệ xe tự lái và viễn cảnh phố biến của nó đang dần trở thành hiện thực khi ngày càng nhiều mẫu xe đang được thử nghiệm tại các thành phố” – Keith Richard Ezike, tác giả chính của nghiên cứu, phát biểu trong thông cáo báo chí. Vì thế, “nếu chúng ta không lập kế hoạch và đưa ra các chính sách được hoạch định thấu đáo, những chiếc xe không người lái có thể sẽ làm trầm trọng thêm rất nhiều thách thức mà chúng ta vẫn thấy trong giao thông hiện đại, đặc biệt là tại các cộng đồng thiếu vắng sự giám sát đầy đủ”.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, các thành phố đang có ý định triển khai xe tự lái cũng cần đầu tư thêm cho hạ tầng giao thông công cộng để đảm bảo những người gặp cảnh tắc nghẽn (phát sinh do xe tự lái) có thêm giải pháp để kịp thời tới được chỗ làm. Ngoài ra, báo cáo cũng đề nghị phạt (tiền) những phương tiện tự lái chỉ chở một khách nhằm thúc đẩy hoạt động đi chung xe (kinh tế chia sẻ) để cắt giảm nguy cơ số lượng phương tiện mới sẽ lấp đầy đường phố.
Ezike nhấn mạnh: “Chúng ta cần có sự suy nghĩ cẩn trọng về cách thức tích hợp các phương tiện tự lái vào cuộc sống hàng ngày. Ở đây, chúng ta cần ưu tiên người dân chứ không phải phương tiện, có vậy mới xây dựng được những công cụ chính sách mạnh mẽ nhằm khuyến khích các tài xế và công ty cung cấp dịch vụ đi xe chia sẻ lẫn thói quen sử dụng chúng theo cách nhằm làm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn, khí thải CO2 và cổ vũ sự tiếp cận công bằng trong di chuyển.”
Nhật Phạm (theo Futurism)