Các loại lá nhân tạo hiện nay có thể mô phỏng quá trình quang hợp, nhưng chỉ hút khí carbon dioxide (CO2) tinh khiết từ các bình khí nén trong phòng thí nghiệm.
Các lá nhân tạo hiện nay cũng không hoạt động hiệu quả trong thực tế do không thể hút CO2 từ nguồn loãng hơn.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS Sustainable Chemistry and Engineering, các nhà khoa học tại Đại học Illinois (Mỹ) đã giải quyết vấn đề này bằng cách bọc màng bán thấm chứa nước quanh lá.
Khi được làm ấm bằng ánh sáng Mặt trời, nước bốc hơi và hút khí CO2 vào. Hệ thống quang hợp nhân tạo sau đó biến đổi CO2 và nước thành carbon monoxide (CO) và oxy.
CO được sử dụng để tạo ra nhiều nhiên liệu tổng hợp, bao gồm xăng và methanol. Oxy sẽ được giữ lại hoặc đưa vào môi trường.
Các nhà nghiên cứu ước tính 360 chiếc lá – mỗi chiếc dài 1,7 m và rộng 0,2 m – có thể sản sinh nửa tấn CO mỗi ngày. Khi rải lượng lá này trên khu vực rộng 500 m2, khí CO2 trong bán kính 100 m sẽ giảm 10% chỉ trong một ngày.
“Lá nhân tạo của chúng tôi chỉ sử dụng các vật liệu và công nghệ có sẵn. Nó có thể hoạt động bên ngoài phòng thí nghiệm, làm giảm khí nhà kính trong khí quyển”, Meenesh Singh, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Quốc Hùng (Theo UPI)