Viện Công nghệ Massachusetts vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát, trong đó người được khảo sát phải quyết định xe tự lái sẽ lựa chọn mạng sống của ai trong những tình huống lưỡng nan.

Tình huống giả lập trên Máy Đạo Đức: Ảnh: Edmond Awad et al. Nature
Tình huống giả lập trên Máy Đạo đức: Ảnh: Edmond Awad et al. Nature

Đây là công trình hợp tác giữa Phòng thí nghiệm MIT Media Lab (Mỹ), Đại học Harvard (Mỹ), Đại học British Columbia (Canada) và Trường kinh tế Toulouse (Pháp).

Để tiến hành khảo sát này, các nhà nghiên cứu đã thiết kế cái mà họ gọi là "Máy Đạo đức", một trò chơi trực tuyến đa ngôn ngữ, trong đó người tham gia có thể nêu lên những ưu tiên về mặt đạo đức liên quan đến một loạt tình huống lưỡng nan mà xe tự lái có thể gặp phải. Thí dụ như xe tự lái nên cứu mạng sống của những người đi bộ đúng luật hay những người sang đường sai luật (đa số người được khảo sát chọn quyết định theo cách đầu tiên). Cuộc khảo sát có sự tham gia của hơn 2 triệu người ở hơn 200 quốc gia.

“Về cơ bản, nghiên cứu này cố gắng tìm hiểu các loại quyết định đạo đức mà xe không người lái phải sử dụng đến” - Tiến sĩ Edmond Awad, hiện đang làm việc tại MIT Media Lab và là tác giả chính của nghiên cứu nói. “Chúng ta vẫn chưa biết được các phương tiện tự lái nên hành động thế nào”. Tuy vậy, Tiến sĩ Awad chỉ ra, “có ba yếu tố mà mọi người dường như đồng thuận nhiều nhất”, đó là việc chọn mạng sống của con người hơn các loài vật khác, chọn mạng sống của nhiều người hơn một vài người, và ưu tiên tính mạng của người trẻ hơn người già.

Tuy nhiên, mức độ đồng thuận lại khác biệt giữa các nhóm người. Những dữ liệu thu thập từ Máy Đạo đức được xử lý tổng thể, đồng thời được chia thành những nhóm nhỏ theo độ tuổi, trình độ học vấn, giới tính, thu nhập, quan điểm chính trị và tôn giáo. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt rõ rệt về ưu tiên đạo đức dựa trên những đặc điểm nhân khẩu học này, nhưng họ nhận thấy “các cụm” khác biệt về ưu tiên đạo đức dựa trên yếu tố văn hóa và sự gắn bó về địa lý. Ví dụ, tại các quốc gia “cụm Đông” trong đó có châu Á, nơi nền văn hóa coi trọng người cao tuổi hơn hơn các quốc gia “cụm Nam”, xu hướng ủng hộ chọn tính mạng người trẻ hơn người già thấp rõ rệt hơn.

Về mặt lý thuyết, những kết quả có sự đồng thuận cao (như việc hầu hết các khu vực đều có mức độ ưu tiên nhẹ là tránh người đi bộ tuân thủ luật pháp hơn những người đi sang đường sai luật) đều giúp ích cho quá trình viết phần mềm kiểm soát các phương tiện tự lái.

"Câu hỏi đặt ra là liệu những khác biệt này trong những ưu tiên về đạo đức có đóng vai trò quan trọng trong việc con người chấp nhận công nghệ mới không, khi xe tự lái được trang bị một bộ luật cụ thể", ông Awad nói.

Ông đề xuất tiếp theo những kết quả của cuộc khảo sát, chúng ta cần đưa việc tìm hiểu ý kiến công chúng về vấn đề an toàn công cộng hay đổi mới công nghệ trở thành một phần quan trọng hơn trong cuộc đối thoại xung quanh xe tự lái.

Nguồn:

http://news.mit.edu/2018/how-autonomous-vehicles-programmed-1024