Thứ thật sự có giá trị chính là dữ liệu và những gì mà chúng ta có thể làm với nó.
Khi nói tới xe tự lái và nhiều phương tiện tự hành (AV) khác, có lẽ các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến dữ liệu (mà họ thu thập được) hơn là những chiếc xe.
Trong thời gian qua, mặc dù cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực “xe tự lái” đã có đôi chút hạ nhiệt, một phần cũng bởi thực tế là công nghệ vẫn còn đang tụt hậu quá xa so với những dự báo và kỳ vọng ban đầu, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư phố Wall vẫn tỏ ra đặc biệt quan tâm tới các công ty AV – nhưng vì một động cơ khác. Một bài phân tích mới đây trên trang mạng Axios đã chỉ rõ, có vẻ như giá trị đích thực của những chiếc AV lại nằm ở dữ liệu hành vi (của tài xế và hành khách) được khởi tạo trong quá trình vận hành, chứ không hẳn là công nghệ điều khiển chúng.
Cũng vì lý do đó mà nhiều chuyên gia tài chính của Morgan Stanley đã gán cho các công ty đi đầu trong địa hạt AV những giá trị rất khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, sau một vài sự cố dẫn tới việc GM, hãng sản xuất xe hơi danh tiếng phải trì hoãn tiến độ, nhà phân tích Adam Jonas (Morgan Stanley) đã hạ thấp giá trị mảng AV của GM, từ 11,5 tỷ USD xuống chỉ còn 9 tỷ USD. Trong khi Brian Nowak, đồng nghiệp của Jonas, lại đánh giá rất cao Waymo – công ty con của Alphabet (chủ quản Google), sở hữu lượng dữ liệu người dùng cực lớn; giá trị thị trường hiện tại của Waymo đang là 37 tỷ USD nhưng có thể sẽ tăng nhanh lên mức 175 tỷ USD khi AV trở nên phổ biến hơn.
Trao đổi với Axios, Jonas nhận định, dữ liệu (nhất là dữ liệu cá nhân) đang ngày càng trở thành một loại tài nguyên cực kỳ quý giá, khiến các công ty công nghệ phải tìm cách tranh giành để đạt lợi thế trong việc huy động vốn và nâng cao giá trị thị trường. Từ năm 2016, Intel đã dự đoán rằng những chiếc xe tự lái sẽ tạo ra khoảng 4 terabyte (1 TB = 1012 bytes) dữ liệu mỗi ngày – tương đương với 8 triệu bức ảnh kỹ thuật số, và các nhà đầu tư nói rõ, họ sẽ rất coi trọng những công ty biết cách tận dụng để không lãng phí kho báu này.
Phương Hiền (theo Futurism)