Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn vừa nghiên cứu hai loại thuốc dạng viên nang mềm điều trị chống thải ghép và u xơ tuyến tiền liệt.
Phì đại tuyến tiền liệt là hiện tượng tăng kích thước tuyến tiền liệt ở nam giới. Ở giai đoạn đầu, phì đại tuyến tiền liệt khiến đường tiểu bị chèn ép, gây nên một số rối loạn và ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện. Về lâu dài, bệnh gây nhiễm trùng đường tiết niệu do nước tiểu ứ đọng, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Ngoài biện pháp luyện cơ co thắt ống tiểu hoặc can thiệp ngoại khoa, việc sử dụng thuốc đường uống là một biện pháp thường được lựa chọn hàng đầu trong điều trị và phòng ngừa phì đại tuyến tiền liệt. Trong đó, dutasteride là một hợp chất có tác dụng ngăn cản sự chuyển hóa từ testosterone thành dihydrotestosterone (DHT), đặc biệt ở nam giới trong thời kì mãn dục nam, nên được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa phì đại tuyến tiền liệt.
Thải ghép (từ chối cấy ghép) xảy ra khi mô cấy ghép bị hệ thống miễn dịch của người nhận từ chối, phá hủy mô cấy ghép. Cyclosporine A thường được dùng trong chống thải ghép sau khi phẫu thuật, bao gồm các trường hợp cấy ghép gan, thận, tim, ghép tủy.
Hiện nay, dược phẩm chứa dutasteride và cyclosporine A phần lớn đều phải nhập ngoại. Do đó, nhóm tác giả ở Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển hai sản phẩm thuốc nano: viên nang mềm SMEDDS cyclosporine A 25 mg điều trị chống thải ghép và viên nang mềm SNEDDS dutasteride 0,5 mg điều trị u xơ tuyến tiền liệt”.
Nhóm tác giả đã ứng dụng giải pháp bào chế tiên tiến là hệ vi tự nhũ, hệ tự nhũ nano để bào chế hai sản phẩm trên. Theo TS. Trương Công Trị, Chủ nhiệm đề tài, hai phương pháp trên giúp tăng sinh khả dụng đường uống của hoạt chất khó tan trong nước. Ngoài ra, việc tạo thành các giọt kích thước nano sẽ làm tăng tốc độ phóng thích hoạt chất, tính hòa tan của thuốc. Thêm nữa, việc các hoạt chất được nang hóa trong các giọt dầu góp phần bảo vệ hoạt chất tránh khỏi tác động của các enzyme cũng như các yếu tố hóa học khác trong dịch tiêu hóa. Điều này giúp cho hoạt chất tránh khỏi sự hư hỏng trong quá trình sử dụng bằng đường uống, đặc biệt đối với các hoạt chất có cấu trúc đại phân tử như các protein, peptid trị liệu.
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã tạo ra 2 sản phẩm là viên nang mềm SMEDDS CA (SMEDDS cyclosporine A 25mg) và viên nang mềm SNEDDS DU (SNEDDS dutasteride 0,5mg).
Trong đó, viên nang mềm SMEDDS CA có độ hòa tan tương đương thuốc đối chứng Neoral 25mg. Ngoài ra, viên nang có độc tính tế bào biểu mô thận thấp hơn và có tính thấm cao hơn so với thuốc Neoral. Còn sản phẩm SNEDDS DU có độ hòa tan dược chất được cải thiện hơn so với viên đối chứng Avodart 0,5mg và có tính thấm cao hơn so với thuốc đối chứng. Đây là dạng thuốc mới chứa hệ thân nước SNEDDS dutasteride (thuốc nhập khẩu chứa hệ phân tán thân dầu). Ưu điểm của hệ thân nước, là khi vào môi trường dịch tiêu hóa chủ yếu là nước, kết hợp với sự co bóp dạ dày và nhu động ruột sẽ phân tán thành dạng tiểu phân nano với kích thước trung bình nhỏ hơn 100nm, giúp tăng cao diện tích tiếp xúc bề mặt với các màng sinh học, tăng khả năng bám dính, tăng hấp thu, nâng cao sinh khả dụng của thuốc.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay. Thời gian tới, nhóm tác giả sẽ phối hợp cùng một số doanh nghiệp triển khai dự án sản xuất sản phẩm thử nghiệm, để sớm đưa kết quả nghiên cứu vào thương mại hóa.