Nhóm tác giả ở Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (thuộc Đại học Y Dược TPHCM) đã kết hợp muối Cần Giờ với thảo dược để điều chế các sản phẩm ngâm chân, có khả năng hỗ trợ giảm nhẹ một số loại bệnh và tăng giá trị cho muối của địa phương.
Cần Giờ có diện tích tự nhiên hơn 700 km2, trong đó đất làm muối chiếm 2,9%. Diện tích làm muối tại Cần Giờ chiếm 15,41% diện tích sản xuất muối trên cả nước, với năng suất bình quân trên 80 tấn/ha. Tuy nhiên do giá muối tiêu thụ không ổn định nên người làm muối còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc không kết nối được với các đầu ra cho sản phẩm muối làm cho giá muối không tiếp cận được giá trị thị trường hiện hành, gây tổn thất cho diêm dân.
Trong khi đó, hiện nay, bên cạnh được dùng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, công nghiệp, muối còn được dùng trong các chế phẩm hỗ trợ sức khỏe, điển hình là muối thảo dược dùng để ngâm chân. Các sản phẩm này có thành phần chủ yếu là muối và các dược liệu (dạng xay, hoặc dịch chiết dược liệu đã được chuyển thành dạng rắn), hướng đến tác dụng kích thích tuần hoàn ngoại biên, hỗ trợ điều trị tê đầu chi, đau mỏi xương khớp, ra mồ hôi chân, hoặc thư giãn cho người bị mất ngủ,..
Đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển sản phẩm đầu ra cho muối Cần Giờ, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn đã thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm muối thảo dược ngâm chân của muối sản xuất tại Cần Giờ”.
Theo đó, nhóm điều chế 4 sản phẩm muối thảo dược ngâm chân từ hai loại nguyên liệu đầu vào là muối thành phẩm và nước ót (phần dung dịch còn lại trên ruộng muối đã kết tinh), kết hợp với cao chiết từ bài thuốc thông huyết, trừ thấp Bổ khí (Bạch chỉ, Quế chi, Kim ngân hoa, bạch đàn, Sả chanh, Cúc tần, Tía tô, Hương nhu,...) và bài thuốc bổ thận âm Tiêu khát (Địa hoàng, Xuyên khung, Cỏ xước, Hoài sơn, Huyền sâm,…). Sản phẩm ở dạng hạt cốm, được tiêu chuẩn hóa dựa trên các tiêu chuẩn được quy định bởi Dược điển Việt Nam V.
Nhóm tác giả đã chứng minh tính an toàn của sản phẩm thông qua thử nghiệm kích ứng da trên chuột. Kết quả, các mẫu muối ngâm chân không gây kích ứng da chuột ở các thời điểm quan sát sau 1, 24, 48 và 72 giờ.
Đồng thời, nhóm tác giả tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của 300 tình nguyện viên (từ 50 tuổi trở lên, đã, đang điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3 (Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM) về trải nghiệm sử dụng sản phẩm với liệu trình trong 30 ngày tương ứng 10 lần ngâm chân (khoảng cách giữa hai thời điểm ngâm chân là 3 ngày). Kết quả khảo sát không ghi nhận trường hợp bị kích ứng da hoặc các phản ứng có hại khác, phần lớn đều hài lòng khi sử dụng sản phẩm. Trong đó, 32% số người tham gia cho biết đã giảm đau nhức xương khớp, tê thấp, giảm nhẹ các biến chứng, rối loạn thần kinh ngoại vi với bệnh nhân đái tháo đường.
ThS. Lê Đặng Tú Nguyên, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, quy trình điều chế, tiêu chuẩn của sản phẩm nói trên đã được kiểm định và đạt tiêu chuẩn bởi Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn để địa phương có thể triển khai ở quy mô công nghiệp, thương mại hóa sản phẩm. Ngoài ra, sự phối hợp giữa muối và cao dược liệu, ngoài việc sử dụng để ngâm chân, còn có thể mở rộng sang các dạng sản phẩm khác như muối tắm thảo dược, muối chườm thảo dược, ... từ đó, nâng cao giá trị cho muối Cần Giờ.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu và chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm cho Hợp tác xã Muối Lý Nhơn, Cần Giờ.