Nhóm tác giả ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM đã chiết xuất cao định chuẩn chứa pinostrobin từ củ ngải bún, có thế hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.

Cây ngải bún - được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam, chủ yếu ở An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng - có tên khoa học là Boesenbergia pandurata Roxb. Schltr, chứa nhiều tinh dầu, các polyphenol, chalcone, có hoạt tính sinh học kháng virus, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống nọc độc, chống ung thư vú và ung thư máu,… Ngoài được dùng làm gia vị trong nấu ăn, củ ngải bún còn được dùng trong đông y để trị bệnh đau bụng, hen suyễn, tiêu chảy, khó tiêu, ngứa, sốt, loét, khô miệng, khó chịu dạ dày, kiết lỵ,..

Các nghiên cứu trước đây của nhóm tác giả ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM chỉ ra, củ ngải bún trồng ở An Giang chứa nhiều hợp chất pinostropin, vừa có tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (HP); đồng thời, vừa có tác dụng ức chế enzyme urease do vi khuẩn HP tiết ra, giúp tiêu diệt môi trường sống của HP - nhiễm trùng dạ dày bởi vi khuẩn HP là nguyên nhân quan trọng nhất gây viêm loét dạ dày. Kế thừa những nghiên cứu đó và nhận thấy tiềm năng có thể điều trị viêm loét dạ dày từ củ ngải bún, năm 2019, nhóm tác giả tiếp tục thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình chiết xuất cao định chuẩn từ củ ngải bún và đánh giá tác dụng dược lý theo định hướng sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày”.

cây
Cây, hoa và củ ngải bún Ảnh: NNC

Củ ngải bún tươi 6 tháng tuổi, trồng ở An Giang, được rửa sạch đất, cắt nhỏ, phơi khô trong 4 ngày (8 tiếng/ngày), và xay nhỏ, sàng qua bộ rây có kích thước lỗ 5 mm. Đây là nguyên liệu để trích ly lấy cao thô. Từ 1 kg củ ngải bún khô có thể điều chế ra được 200g cao thô EtOH và thông qua kết tinh thu được 70,67g cao định chuẩn chứa pinostrobin với hàm lượng từ 30,89%. Sản phẩm cao có màu nâu vàng, dạng sệt đặc quánh, mùi thơm đặc trưng của củ ngải bún.

c
Cao được điều chế từ củ ngải bún. Ảnh: NNC

Đánh giá hoạt tính ức chế enzyme urease và vi khuẩn HP của cao định chuẩn trong phòng thí nghiệm cho thấy, cao có khả năng tiêu diệt không những chủng HP chuẩn 26695 (nhạy với các loại kháng sinh) mà còn cả chủng lâm sàng GD37 (kháng 4 loại kháng sinh); có tác dụng kháng viêm, làm giảm lượng IL-8 (một chemokine - một trong những chất trung gian quan trọng của phản ứng viêm được tiết ra bởi một số loại tế bào) mà không gây chết tế bào biểu mô dạ dày AGS. Đồng thời, cao có tác dụng ức chế enzyme urease nhằm tiêu diệt môi trường sống của HP.

Nhóm tác giả cũng đã thử nghiệm đánh giá tác dụng chống viêm loét dạ dày của cao định chuẩn chứa pinostrobintrên chuột. Kết quả, ở liều từ 20 - 150 mg/kg, pH dịch vị có xu hướng tăng; số ổ loét, mức độ loét giảm; và viêm loét dạ dày bị ức chế. Liều 40 - 150 mg/kg có tác dụng bảo vệ viêm loét dạ dày gần bằng thuốc Omeprazol (liều 20 mg/kg).

t
Thử nghiệm sử dụng cao định chuẩn điều trị viêm loét dạ dày trên chuột Ảnh: NNC

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Chủ nhiệm đề tài, việc phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng từ củ Ngải bún có tính an toàn cao. Ngoài ra, từ khi trồng ngải bún cho đến khi thu hoạch chỉ mất từ 4-6 tháng, năng suất cao và giá khá rẻ, tương đương gừng, nghệ. Vì vậy, việc nghiên cứu toàn diện về quy trình ly trích cũng như tác dụng bảo vệ dạ dày của cao chiết chứa pinostrobin từ củ ngải bún, là tiền đề để phát triển sản phẩm mới từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước này.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu và đã đăng ký bảo hộ đối với quy trình điều chế cao định chuẩn từ củ ngải bún.