Nhóm tác giả ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã ứng dụng phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm, giúp bệnh nhân ít gặp biến chứng và sớm phục hồi sức khỏe.
Ung thư thanh quản là loại ung thư thường gặp ở Việt Nam. Bệnh hay gặp ở nam giới, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ và số người mắc bệnh ngày càng tăng. Phương pháp điều trị cơ bản trong ung thư thanh quản hiện nay vẫn là phẫu thuật và xạ trị. Các phương pháp điều trị triệt để tại chỗ, tại vùng bao gồm phẫu thuật và xạ trị có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến các chức năng thở, nuốt và phát âm của bệnh nhân.
Do đó, các kỹ thuật cắt thanh quản một phần ra đời nhằm bảo tồn các chức năng của thanh quản mà vẫn duy trì kiểm soát tại chỗ. Trong đó, phương pháp vi phẫu ung thư thanh quản bằng laser CO2 qua đường miệng bắt đầu được ứng dụng và ngày càng được chấp nhận như là phương pháp trị liệu hiệu quả. Đây cũng là phương pháp được lựa chọn ưu tiên trong điều trị ung thư giai đoạn sớm bởi tính an toàn và hiệu quả.
Trước thực tế đó, nhóm tác giả Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã thực hiện đề tài “Ứng dụng phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm”.
Cụ thể, các bác sĩ sử dụng một chùm tia laser CO2 để cắt khối u ra khỏi các mô bình thường mà ít gây tổn thương đến mô lân cận bởi đường rạch chính xác, ít để lại sẹo xơ dính. Phương pháp xâm lấn tối thiểu này cũng cho phép hàn các mạch máu và mạch bạch huyết, hạn chế sự phát tán của các tế bào ung thư.
Trong đề tài, 84 bệnh nhân ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm nhập viện và có chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, được phẫu thuật cắt u dây thanh bằng laser CO2 qua đường miệng.
Qua thực hiện, có 15 trường hợp (tương đương 17,8%) bị biến chứng, gồm 1,2% chảy máu sau phẫu thuật, 2,4% tràn khí dưới da, 9,5% có mô hạt viêm, 3,6% bị dính mép trước. Một trường hợp tái phát tại chỗ được điều trị bằng phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần, còn một trường hợp tái phát tại chỗ và có di căn hạch được cắt thanh quản toàn phần kết hợp nạo hạch cổ tận gốc và xạ trị bổ túc. 99% các trường hợp sau phẫu thuật không phải đặt ống nuôi ăn. Chỉ có 1 trường hợp đặt ống nuôi ăn (giảm ho sặc), là bệnh nhân có u dây thanh xâm lấn sụn phễu, phải phẫu thuật cắt toàn bộ dây thanh và sụn phễu.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn cách phát âm, chăm sóc dây thanh và theo dõi sự phục hồi phát âm. Các bệnh nhân được tập thở sớm 2 ngày sau mổ, không có ca nào phải mở khí quản. Bệnh nhân được xuất viện chỉ sau 2 -10 ngày mổ. Sau phẫu thuật 3 tháng, phần lớn bệnh nhân đều có giọng nói ở mức độ khuyết tật nhẹ (không thay đổi nhiều so với trước khi phẫu thuật).
Nhóm tác giả còn hoàn thành tài liệu hướng dẫn thực hiện quy trình phẫu thuật cắt u dây thanh bằng laser CO2 qua đường miệng và quy trình chăm sóc hậu phẫu và theo dõi bệnh nhân sau cắt u dây thanh bằng laser CO2.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.