Nhóm tác giả ở Bệnh viện Bình Dân TPHCM đã nghiên cứu quy trình và thực hiện việc sử dụng robot phẫu thuật trong điều trị hai bệnh ung thư trực tràng, tuyến tiền liệt, giúp giải quyết được những hạn chế của phương pháp phẫu thuật mổ hở và nội soi thông thường.

Ung thư trực tràng và tuyền tiền liệt là các bệnh ác tính thường gặp ở đường tiêu hóa. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính yếu hiện nay đối với những bệnh này. Với ung thư trực tràng, các phương pháp phẫu thuật mở bao gồm cắt trước, cắt trước thấp, cắt trước cực thấp, cắt trực tràng ngã bụng và tầng sinh môn… Đối với ung thư tuyến tiền liệt, thường phẫu thuật mở mổ cắt tận gốc tuyến tiền liệt. Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và y khoa trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi tại Việt Nam, phẫu thuật nội soi đã được áp dụng ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi ổ bụng kinh điển có một số hạn chế nhất định như không gian hẹp ở vùng chậu đặc biệt ở nam giới; dụng cụ nội soi có phạm vi chuyển động giới hạn, ảnh hưởng đến việc nạo vét hạch và bảo tồn thần kinh, bó mạch sinh dục; tỉ lệ phải chuyển mổ mở cao;… Vì vậy, sự ra đời của phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot (PTRB) với những ưu thế về phạm vi quan sát và thao tác, giúp hạn chế tối đa các nhược điểm nêu trên.

Hiện nay, Bệnh viện Bình Dân là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam áp dụng PTRB trên người lớn trong phẫu thuật Ngoại Tổng quát và Ngoại Tiết niệu. Sự phát triển của PTRB trên thế giới đã dần được khẳng định về tính an toàn và hiệu quả. PTRB ở Việt Nam tuy tiến hành muộn hơn, nhưng được thừa hưởng kết quả từ những nghiên cứu trên thế giới. Điều này có thể giúp cho các phẫu thuật viên Việt Nam rút ngắn đường cong học tập. Ngoài ra do thể hình của người Việt Nam với khung chậu hẹp càng cho thấy rõ ưu thế của PTRB so với phẫu thuật nội soi thông thường hoặc mổ mở ở vùng chậu.

Để đánh giá hiệu quả của phương pháp này, nhóm tác giả Bệnh viện Bình Dân đã thực hiện đề tài “Kết quả phẫu thuật robot trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt”.

p
Hệ thống robot phẫu thuật da Vinci Si™ Ảnh: NNC

Từ tháng 1/2019-3/2021, 180 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu và theo dõi trong PTRB tại bệnh viện Bình Dân. Trong đó, mỗi nhánh phẫu thuật nội soi thông thường và phẫu thuật robot là 90 bệnh nhân (50 trường hợp ung thư trực tràng, 40 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt). Phẫu thuật được thực hiện bằng hệ thống robot phẫu thuật da Vinci Si™.

Phần tháp của hệ thống có 4 cánh tay, trong đó 3 cánh tay giữ dụng cụ phẫu thuật, 1 cánh tay giữ camera 3D độ phân giải cao. Ống kính nội soi đặc biệt (chuẩn 3D, HD) giúp phẫu thuật viên cảm nhận được chiều sâu trong không gian ba chiều như nhìn ngoài đời thường. Hình ảnh được phóng đại 6-12 lần (tùy khoảng cách), giúp phẫu thuật viên thấy rõ các cấu trúc và có thể phẫu tích tỉ mỉ, có thể lấy trọn các hạch di căn trong ung thư trực tràng. Qua đó, làm giảm đáng kể tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật và bảo tồn tốt đám rối thần kinh hạ vị dưới. Đặc biệt là việc bảo tồn các nhánh thần kinh chi phối bàng quang (giúp bệnh nhân tránh bí tiểu sau mổ), các nhánh thần kinh sinh dục (giúp bệnh nhân giữ được chức năng sinh lý gần như bình thường sau mổ).

Ngoài ra, hệ thống điều khiển có cơ chế chống rung, bác sỹ phẫu thuật, phẫu thuật viên chính có thể ngồi điều khiển và dụng cụ mổ có thể xoay nhiều chiều, giúp thực hiện các phẫu thuật kéo dài và phức tạp nhưng ít mất sức. Với cánh tay robot, bác sỹ phẫu thuật có thể tùy chỉnh 7 cấp độ chuyển động và bắt chước bàn tay của bác sỹ đang thực hiện ca phẫu thuật.

p
Cánh tay robot thực hiện công đoạn bắt bỏ đoạn trực tràng Ảnh: NNC

BS Nguyễn Phúc Minh, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, PTRB có thể xâm nhập các vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, giải quyết những hạn chế của phương pháp phẫu thuật mổ hở và nội soi cổ điển. Tính ưu việt ở phương pháp phẫu thuật này chính xác, rõ ràng. Khi phẫu thuật, các mô bệnh được lấy hết, trong khi đó những phần khác như thần kinh, mạch máu không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, so với phẫu thuật nội soi thông thường, PTRB giúp rút ngắn được thời gian phẫu thuật (30-50 phút ), bệnh nhân ít đau, ít mất máu hơn (20ml), do đó hồi phục nhanh hơn. Đặc biệt, PTRB không có bất kỳ biến chứng trong quá trình phẫu thuật, phải dẫn đến mổ hở khẩn cấp.

Qua hai năm nghiên cứu, nhóm tác giả đã hoàn thiện các quy trình chẩn đoán phát hiện cho ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt; Phẫu thuật robot cắt cụt trực tràng; Phẫu thuật robot cắt đoạn trực tràng; Phẫu thuật robot cắt tiền liệt tuyến tận gốc. Nhóm đã hỗ trợ trang bị kiến thức lý thuyết về vận hành, kiến tập các trường hợp PTRB cho Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Qua đó, giúp các bệnh viện rút ngắn được thời gian xây dựng quy trình vận hành, học tập, kỹ thuật phẫu thuật mà không phải ra nước ngoài học tập. Đồng thời, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật mới ngay tại TPHCM, mà không phải tốn kém chi phí khi ra nước ngoài điều trị.

Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay. Thời gian tới, Bệnh viện Bình Dân tiếp tục triển khai nhân rộng quy trình PTRB trong chữa trị các bệnh ung thư (đại tràng, dạ dày, thực quản), bệnh lý tiết niệu, lồng ngực,…